Cách đây chừng bốn, năm chục năm trong những cuộc trà dư tửu hậu, giới trí thức thị dân thỉnh thoảng hay tranh luận trong mấy thứ như: ăn sáng, uống cà phê, đọc báo giấy, đi xe máy hoặc xe lam… đâu là thói quen được chọn lựa trước trong đời sống thường nhật của họ (?). Tất nhiên mỗi người mỗi ý, có người ăn sáng trước, có người uống cà phê trước hoặc có người dùng cả hai, ba thứ đồng thời dù rất ít thấy…
Khi rời quê, tham dự vào đời sống “phố” hoặc ở ngay đất quê “lên đời” thành “phố” chắc chắn việc uống cà phê là việc “khác biệt” đầu tiên của người quê. Ban đầu người ở quê lâu thấy lạ, thấy mắc mớ chi phải mất thời gian vào việc uống thứ nước đục đen, lại đắng, lại uống vào thời điểm ai cũng phải ra đồng hay đến chỗ làm, chắc chắn chỉ có hạng người dài lưng tốn vải, hạng siêng ăn nhác làm, vô công rỗi nghề mới ngồi nhâm nhi như rứa. Rồi đời sống khá dần lên, cà phê đã về làng, về xóm, rồi đâu chỉ cà phê, quán bia, quán rượu, quán karaoke cũng mọc tràn lan như nấm sau mưa và người quê lại đâm… ghiền đủ thứ.
Uống cà phê sáng là thói quen của nhiều bạn trẻ ở phố.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Thời gian biến cải chi chăng nữa, với người sống ở các đô thị, uống cà phê sáng vẫn là thói quen cố hữu của thị dân giống hệt các cụ ngày xưa ở làng với chén trà trong sương sớm mà trong tùy bút “Vang bóng một thời” cụ Nguyễn Tuân từng viết. Người quê sống lâu ở phố, rốt lại đâm ghiền cà phê, thấy nó thơm, nó êm dịu, nó thanh thản, mùi hương cà phê có khi thơm cái mùi kỳ lạ - “mùi ký ức tình đầu”. Cà phê đi vào thơ ca, nhạc, họa… Vào cái thời “tình cũng khó dưới thời cơm áo khó” cà phê đá có giá hơn cà phê đen, anh chàng “lụy tình” vô quán chỉ “gọi cà phê đen không dám gọi cà phê đá” (Nguyễn Tất Nhiên). Thói quen uống cà phê để thức đêm, để tỉnh ngủ học thi, để coi đá banh, để “đêm trắng đêm chong đèn” viết “chuyện xưa bọn mình” (Nhật ký đời tôi) như một bài nhạc bolero từng nói… khá phổ biến trong đời sống của người dân không phân biệt nông thôn hay thành thị. Rồi cà phê nhanh, cà phê hai trong một, ba trong một (cà phê, đường, sữa), đại loại là cà phê hòa tan có lẽ là theo chân lính Mỹ vào miền Nam rồi tồn tại đến nay.
Uống cà phê đi kèm với đọc báo giấy mà thường là báo ngày (nhựt trình) phát hành vào chiều hôm trước (trước 1975 ở miền Nam), sau này là vào buổi sáng trong ngày. Không gì thú vị bằng vừa nhâm nhi, thưởng thức cà phê vừa đọc báo, thi thoảng lại bình luận, lại tán dóc với bạn bè về những thông tin vừa mới nhận được.
Bây chừ thì khách uống cà phê đọc báo trên máy điện thoại nhưng chủ quán vẫn mua báo giấy không hẳn cho người không có máy điện thoại loại có màn hình, có tính năng truyền hình mà là cho những người quen đọc báo giấy. Từng có tiên đoán về ngày tàn của báo giấy, sách giấy nhưng máy điện thoại dù thông minh đến mấy cũng có khi mất sóng, hết pin - lúc đó cầm tờ báo giấy thấy thiệt… chắc cú. Mà báo giấy, sách giấy chẳng dễ chi tàn khi lớp bình dân cà phê đen, thuốc rê còn đông vô kể và báo giấy, sách giấy ngoài tính cụ thể vật chất còn gắn với biết bao kỷ niệm của người đọc và hơn hết khi báo giấy, sách giấy được người đọc quan niệm - đó là những tác phẩm mỹ thuật bằng giấy, kết tinh của bao đầu óc sáng tạo từ người viết, người trình bày, thiết kế mỹ thuật, kỹ thuật in…
Trước 1975 cả một làng quê có thể đếm trên đầu ngón tay những người đi xe máy. Xe máy là mơ ước của bao thanh niên nông thôn. Giờ xe máy đã phổ biến, phổ biến đến mức ở những thành phố lớn của nước ta - theo thống kê - cứ hai người dân đã có một xe máy. Xe máy thuận tiện ở những thị tứ, thị trấn vì phù hợp với hệ thống giao thông không có xe bus, xe lam (trước và sau 1975 vài năm). Xe máy thuận vì tính năng động dễ di chuyển, đi đâu, ghé đâu tùy thích. Xe máy luôn được giới trẻ thích khám phá chọn lựa cho những chuyến du lịch trên đường bộ gọi là “đi phượt”. Xe máy cũng gây nhiều hệ lụy khi người tham gia giao thông không làm chủ phương tiện, rồi nạn đua xe, thói quen lấn đường, lao lên vỉa hè, mặc sức đi ngang về tắt, mạnh ai nấy đi khi kẹt xe - một thói quen xấu, tùy tiện, đáng xấu hổ chưa biết khi nào chấm dứt của người xứ ta hiện nay.
Hà Nội đề ra hạn định đến năm 2025 chấm dứt xe máy tại thủ đô khiến những người quan tâm đến “vấn nạn xe máy” vừa mừng vừa lo. Liệu sẽ tới đâu khi không thể chế tài việc mua sắm, chuyển nhượng sở hữu xe máy trong thời điểm khai mở “lộ trình” (2016), rồi thì lượng xe máy “dôi dư” khi kết thúc đề án sẽ “về” đâu. Hay lại dồn về các tỉnh, rồi cái vòng hạn định cấm xe máy của các tỉnh, thành lại xoay, “xoay tít đèn cù”…
Lo thì lo vậy nhưng phải biết ước mơ, mơ đường thông hè thoáng, xe bus lên ngôi, đi và ghé trạm đúng giờ, đi đúng “đường lối’, đúng luật. Và yên trí, thị dân cứ “ăn sáng, uống cà phê, đọc báo, leo xe bus”…
PHÙNG TẤN ĐÔNG