Án sát Quảng Nam đấu khẩu Khâm sứ Trung Kỳ

LÊ THÍ 11/11/2019 14:52

Tháng 5.1887, giữa quan Án sát sứ Quảng Nam là Trần Viết Thọ và Khâm sứ Trung Kỳ là Louis Bailles có trận “đấu khẩu” nảy lửa tại Tòa Khâm sứ ở Huế. Kết quả là Án sát Quảng Nam bị kỷ luật phải chuyển công tác sang làm Đốc học nhưng người Pháp cũng phải kính nể nhân cách của một vị quan Nam triều!

Tòa Khâm sứ Trung kỳ tại Huế. Ảnh: Internet
Tòa Khâm sứ Trung kỳ tại Huế. Ảnh: Internet

Quan Án sát Quảng Nam

Trần Viết Thọ tự là Chu Toàn, hiệu là Điềm Tịnh, sinh ngày 24.10.1836 tại  làng Thâm Triều, huyện Đăng Xương nay là xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Lúc nhỏ ông nổi tiếng thông minh lại rất chăm học. Năm 1864 ông được triều đình cấp học bổng để vào học tại Quốc Tử giám ở Huế. Năm 1867 ông thi đỗ Cử nhân nhưng đến năm 1871 mới đỗ Phó bảng.

Năm 1873 ông được triều đình bổ làm Giáo thọ phủ Quảng Hóa tỉnh Thanh Hóa. Sau đó được đổi ra Xuân Trường (Nam Định), Nam Sách (Hải Dương). Sau khi triều đình Huế ký hòa ước Quý Mùi (1883) rồi Giáp Thân (1884) công nhận sự đô hộ của Pháp, Trần Viết Thọ buồn tình nên cáo bệnh xin về quê. Năm 1885 dưới thời Hàm Nghi ông được triệu hồi về kinh giữ chức Chủ sự bộ Lại. Cuối năm 1885 ông được cử vào Quảng Nam giữ chức Án sát sứ. Đến nơi ông xử nhiều vụ án quan trọng, rất được lòng nhân dân.

Cuối năm 1887 vì bênh vực cho một nông dân ở huyện Hà Đông trong một vụ kiện tranh chấp đất đai với địa chủ, ông và Khâm sứ Trung Kỳ đã có một trận đấu khẩu nảy lửa tại ngay chính Tòa Khâm sứ ở Huế. Ông bị Khâm sứ Trung Kỳ đề nghị triều đình Huế giáng chức. Triều Đồng Khánh buộc lòng phải chuyển ông qua làm Đốc học. Tuy chỉ làm Đốc học có 2 năm nhưng Trần Viết Thọ đã đào tạo cho Quảng Nam được 1 tiến sĩ (Nguyễn Khải, khoa 1889, người Duy Xuyên) và  8 cử nhân (Huỳnh Tế, Phan Trân, Phan Thành Tích, Lê Tư Cung, Nguyễn Kỳ, Nguyễn Hữu Lâm, Trương Lâm, Nguyễn Chức). Cuối năm 1889, ông được điều về làm Đốc học Quảng Trị. Trên cương vị Đốc học ông đã đào tạo cho quê nhà nhiều nhân tài. Nhưng chán ngán cảnh thế sự năm 1893, ông xin về trí sĩ. Mến mộ ông, quan Bố chánh Quảng Trị làm ngơ không tâu về triều. Chờ mãi không thấy trả lời, ông cho học trò đem ấn Học chánh quan phòng nộp cho tòa tỉnh rồi bỏ về.

Về quê ông lập một am nhỏ để ẩn tu lấy pháp danh là Cư Sử đại sư, ngày ngày ăn chay niệm Phật. Một hôm ông gọi con cháu lại và căn dặn: “Ta không hoàn thành được tâm niệm đem tri thức giúp đời, cứu người. Nay ta muốn về cõi Phật. Các con phải chịu khó đọc sách thánh hiền để hiểu được đạo làm người. Các con phải học nhưng không nên thi cử. Chốn quan trường không phải là nơi để mưu sinh mà là nơi “miệng nam mô bụng một bồ dao găm”. Các con chỉ nên làm 3 nghề cày ruộng, làm thầy giáo và thầy thuốc mà thôi”. Dặn dò con cái xong, khuya ngày hôm sau 22.3.1899 khi cả làng còn đang an giấc, ông tẩm dầu vào người rồi phóng hỏa đốt am, thanh thản đi về cõi Phật.

Cái chết của Phó bảng Trần Viết Thọ đã gây xúc động mạnh dư luận nhất là giới quan lại. Cao Xuân Dục, Thượng thư bộ Học viếng ông câu đối: “Khoa danh vào sổ, biển hoạn thăng trầm, trầm mộng đã về theo lửa hết; Bỏ mũ từ quan, núi hương qua lại, buồn đau dồn cả lửa lò không!”. Một danh sĩ Quảng Nam là Hà Đình Nguyễn Thuật, lúc này đang giữ chức Thượng thư bộ Lại tại kinh thành viếng Trần Viết Thọ câu đối: “Tu được thế có mấy người. Chi còn hỏi trước Trời sinh để sau thành Phật; Chết thế nào không biện luận. Không là người khảng khái khó giữ được thung dung!”.

Trận đấu khẩu nảy lửa

Chuyện kể, trước khi Trần Viết Thọ về nhận chức Án sát Quảng Nam, viên Án sát tiền nhiệm đã ăn tiền đút lót xử cho một địa chủ ở huyện Hà Đông (Tam Kỳ ngày nay) thắng kiện một nông dân mặc dù tên địa chủ đã gian lận sửa văn tự từ cầm cố mảnh ruộng trong 5 năm thành đoạn mãi (bán đứt) vĩnh viễn.

Người nông dân ít học không biết chữ bị cường hào địa chủ cấu kết với tham quan làm hại nên rất uất ức. Khi nghe tin quan Án sát mới thanh liêm và vô cùng cương trực bèn đem đơn đến kêu cứu xin xử lại. Phát hiện ra “án oan” do “cấu kết với nhau để sửa văn tự”, Án sát Trần Viết Thọ liền cho trát đòi tên địa chủ đến công đường buộc y phải trả lại ruộng và chuẩn bị “ra tòa” về tội “man khai”.  Tên địa chủ sợ quá nên chạy ra Huế, yết kiến quan Khâm sứ Louis Bailles đút lót để nhờ giúp đỡ.

Tòa Khâm sứ liền cho mời Trần Viết Thọ đến để răn đe. Gặp Trần Viết Thọ, Khâm sứ Bailles liền bảo: “Cơm ông ăn, áo ông mặc là do bọn địa chủ, phú nông đóng góp. Sao ông không biết điều bảo vệ cho họ mà đi bênh vực cho bọn khố rách áo ôm?”. Tức giận trước câu nói “nghịch” của Khâm sứ, Trần Viết Thọ liền xẵng giọng: “Án sát sứ là chức quan cầm cân nảy mực, trừng trị bọn tham quan ô lại, bọn làm gian ăn dối để  giữ gìn công lý, kỷ cương phép nước. Nếu chỉ vì miếng cơm manh áo mà hạ quan phải đổi trắng thay đen thì triều đình làm sao trị được dân, giữ được nước. Tại sao ngài lại nói vô lý như thế?”.

Bất ngờ và tức giận trước phản ứng của quan Án sát, Khâm sứ Bailles liền đứng dậy chỉ vào mặt Trần Viết Thọ và chửi bới đủ điều đến nỗi viên thông ngôn không dám dịch lại. Án sát Trần Viết Thọ cũng chẳng phải tay vừa, cũng đứng dậy, chỉ thẳng gậy (batong) vào mặt Khâm sứ Bailles và chửi lại. Hai viên quan, một Tây thuộc địa và một An Nam bản xứ “đấu khẩu” với nhau gần 10 phút trong sự “ngỡ ngàng” của viên thông ngôn (và cả hai cũng chẳng biết đối phương nói gì). Án sát Trần Viết Thọ còn sấn tới định dùng gậy phang vào đầu viên Khâm sứ may nhờ viên thông ngôn kịp thời can ngăn.

Chửi xong, Trần Viết Thọ đùng đùng bỏ về. Khâm sứ Bailles tức giận định “trị tội” tên quan An Nam cứng đầu cứng cổ này. Nhưng lúc này phong trào Nghĩa hội Quảng Nam còn mạnh nên y chưa dám “manh động” có thể gây xúc động dư luận nhất là trong giới quan lại ở Quảng Nam và trên cả nước vì biết Trần Viết Thọ là người rất có uy tín. Y phải “nuốt hận” và chỉ đề nghị triều đình Huế “kỷ luật” Trần Viết Thọ. Tuy đứng về phía “lẽ phải” nhưng bộ Lại ở Huế phải “bấm bụng” tâu xin vua Đồng Khánh chuyển Trần Viết Thọ sang làm Đốc học thay vì Án sát để làm vừa lòng người Pháp.

Chuyện Án sát sứ Quảng Nam “đấu khẩu” với Khâm sứ Trung Kỳ đã trở thành một giai thoại lý thú trong giới quan trường ngày trước!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Án sát Quảng Nam đấu khẩu Khâm sứ Trung Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO