Đây là nói chuyện bà con nông dân nhiều nơi treo biển ăn sầu riêng trả lại hột cho người bán. Bình thường, sầu riêng giá rất đắt, mỗi ký có thể tới gần trăm ngàn đồng (như ở Quảng Nam, sầu riêng Tiên Phước có giá rất cao), nhưng vì bán để… lấy hột nên giá chỉ còn vài chục ngàn đồng. Vậy lấy hột sầu riêng để làm gì? Đáp ngay là ươm cây giống, bởi “cơn sốt” nhà nhà trồng sầu riêng để xuất khẩu.
Chuyện ăn sầu trả hột như thế cho thấy việc chạy theo trào lưu thời thượng mà rất mập mờ về dự báo thị trường. Bởi hiện tại giá mỗi ký hột sầu riêng có nơi lên tới 60 – 70 ngàn đồng, và mỗi cây giống giá tới gần trăm ngàn. Nhưng mua hột ươm cây rồi trồng tràn lan như vậy có nguy cơ sẽ lại dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa sau mươi năm nữa hay không? Lúc đó mà thừa thì lại kêu gọi “giải cứu” hay sao?
Với cây sầu riêng và nhiều loại cây trồng khác có một nỗi sầu là thiếu định hướng thị trường bền vững cho sản phẩm đầu ra. Tầm nhìn quy hoạch vùng nguyên liệu và định hướng sản phẩm xuất khẩu trong ngắn hạn và dài hạn đều bất ổn. Bởi khi xuất khẩu đang tìm cách len lách ra bên ngoài, thì thị trường nội địa lại bỏ trống cho hàng ngoại nhập. Cho nên mới có chuyện doanh nghiệp nhập trái cây Thái Lan về rồi bán qua Trung Quốc hoặc nước khác, thu giá trị gia tăng chẳng là bao nhưng làm hại trái cây nội địa. Đó cũng là kiểu chỉ nhắm lấy lời lãi mấy hột ít ỏi mà quên rằng cuối cùng thành phẩm chính (như trái sầu riêng) được chế biến và tiêu thụ mới thu lợi lớn và bền vững cho nhiều ngành.
Nhưng nông sản chỉ là một vấn đề trong vô số câu chuyện của thị trường cũng mang kiểu ăn sầu trả hột như vậy. Như chuỗi bán lẻ hàng hóa trong nội địa cũng bị xâm chiếm mà cảnh báo đã biến thành hiện thực khi có những doanh nghiệp nước ngoài vào bán những món đồ bắt mắt, nhỏ nhắn với giá vài chục nghìn đồng lại có thể thu lợi hàng tỷ đồng. Báo chí phản ánh hai năm gần đây, mô hình kinh doanh bán lẻ với chuỗi cửa hàng tiện lợi bùng phát ở Việt Nam, như các thương hiệu Minoso, Mumuso, Yoyoso, Ilahui, Minigood, Hachi Hachi,… trong đó Miniso được cho là đơn vị nổi trội, với hơn 40 cửa hàng tính đến hiện tại. Cũng nên biết Miniso là mô hình bán lẻ theo chuỗi, bao gồm đồ gia dụng, thời trang, chăm sóc sức khỏe và mỹ phẩm, thành lập bởi một người Trung Quốc (vai trò điều hành và có trụ sở tại Quảng Châu) và một người Nhật Bản (vai trò thiết kế). Điều đáng cảnh báo là chuỗi cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu như Miniso, Mamuso thường đính nhãn mác hàng hóa là Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng thực tế không ít sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã từng kiểm tra hàng hóa tại Mumuso và kết luận có 99,3% hàng hóa được sản xuất từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chuỗi cửa hàng bán lẻ này sử dụng nhiều “chiêu trò” khiến khách hàng dễ nhầm lẫn về xuất xứ hàng hóa. Tâm lý người Việt ham của rẻ rất dễ tạo điều kiện cho các hãng nước ngoài xâm nhập thị trường. Với hàng Trung Quốc, một đại công xưởng của thế giới chuyên sản xuất hàng giá rẻ, lại gắn mác Nhật Bản, Hàn Quốc thì người tiêu dùng dễ “dính chấu”, chỉ ăn hột mà có khi phải trả giá bằng cả trái.
Trong cuộc chiến thương mại của Mỹ - Trung đang hồi gay cấn, hàng hóa Trung Quốc càng cố tìm đầu ra. Việt Nam ở bên cạnh người hàng xóm khổng lồ không thể không ảnh hưởng. Thực tế, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Trung đạt 93,8 tỷ đô la năm 2017 và 47,7 tỷ đô la trong nửa đầu năm nay (con số phía Trung Quốc đưa ra cao hơn nhiều, với 120 tỷ đô la năm 2017 và 66 tỷ đô la trong nửa đầu năm nay). Điều đáng nói là, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 23,2 tỷ đô la năm ngoái và 14,5 tỷ đô la trong nửa đầu năm nay. Như thế, tình trạng nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vốn đã tích tụ rất nhiều năm nay vẫn chưa giảm mức độ trầm trọng, và Việt Nam xuất khẩu đi khắp thế giới chỉ đủ bù vào nhập siêu từ Trung Quốc. Về phương diện thương mại hai chiều, Trung Quốc có thể “ăn cả trái lẫn hột” trong cán cân kim ngạch xuất nhập khẩu khi hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc còn hạn chế. Đó là chưa kể không biết bao lần hàng hóa Việt Nam lao đao vì Trung Quốc chỉ cần gây khó dễ ở cửa khẩu là nông sản, thực phẩm bị tồn đọng, ôi thiu, phải đổ bỏ.
Quy hoạch, định hướng đúng vùng nguyên liệu và chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, đồng thời tìm chỗ đứng bền vững từ nội địa đến xuất khẩu vẫn là câu chuyện cho hàng hóa mang nhãn mác “Made in Vietnam”.
ĐĂNG QUANG