Ăn sâu vào nếp nghĩ

THANH BA 24/04/2016 14:24

(QNO) - Chuyện cư dân Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An) không sử dụng túi ni lông một thời khiến nhiều người mắt tròn mắt dẹt. Đến nay, phong trào ấy dần dà ăn sâu vào nếp nghĩ, lối sống của bà con trên đảo và ngày một lan tỏa, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thập phương...

Từ phong trào đến… chiến dịch

Nằm cách đất liền chừng 12 hải lý, Cù Lao Chàm bao đời nay được người dân bản địa tự hào ví như “Hawaii ở Việt Nam” với bờ biển xanh, đồi cát trắng và cả cánh rừng xanh ngắt trải dài bạt ngàn cây lá. Chúng tôi tìm về xã đảo Tân Hiệp yên bình vào một ngày biển dậy sóng, con thuyền gỗ nhấp nhô, dập dìu lướt trên những làn sóng bung bọt trắng xóa. Sau đúng một giờ đồng hồ lênh đênh vượt trùng khơi, thuyền neo khách cập cảng Xóm Cấm. Một tấm panô dựng ngay ở bến cảng in đậm dòng chữ to tướng: “Quý khách vui lòng cùng chúng tôi không sử dụng túi ni lông trên đảo” khiến không ít lữ khách thắc mắc.

Tiểu thương chợ Tân Hiệp gói thực phẩm bằng túi giấy. Ảnh: TAM CA
Tiểu thương chợ Tân Hiệp gói thực phẩm bằng túi giấy. Ảnh: TAM CA

Cuốc bộ chừng 100m tiến về khu chợ Tân Hiệp, nơi đang diễn ra cảnh bán buôn sầm uất, từ lối nhỏ cho đến lối lớn dẫn vào chợ, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh các tấm panô mang thông điệp như thể “tẩy chay” túi ni lông. Vừa ngơi tay sau khi gói ghém mớ rau xanh cùng cá tươi cho vào giỏ của khách, bà Lê Thị Nga (chủ sạp thực phẩm tổng hợp trong chợ) chỉ ra điều đặc biệt “có một không hai” ở xã đảo nhỏ bé này là tiểu thương không gói hàng bằng bao ni lông”. “Đã 6 năm nay, những người buôn bán như tôi chỉ dùng giấy báo hoặc lá chuối để gói thịt cá, rau sống cho khách. Không chỉ riêng trong chợ mà cả xã đảo này ai nấy cũng hưởng ứng phong trào nói không với túi ni lông. Khi nghe cán bộ tuyên truyền rằng túi ni lông khó phân hủy, gây ô nhiễm, tác hại cho môi trường, bà con thấy có lý nên tự nguyện chấp hành” - bà Nga tâm sự.

Dạo một vòng quanh khu chợ đúng giờ cao điểm họp chợ, người xách giỏ nhựa, kẻ mang túi lưới ra vào tấp nập nhưng tuyệt nhiên trên tay bà con ở đây “vắng bóng” túi bao ni lông vốn được xem là gọn nhẹ, tiện lợi cho việc đi chợ. Hình ảnh các chị, các mẹ với đôi tay xách lỉnh kỉnh hai giỏ nhựa rảo bước mua sắm khiến bất kì vị khách nào lần đầu tiên đặt chân tới xã đảo ba bề giáp núi, một mặt hướng ra biển này cũng tò mò. Lân la dò hỏi tìm lời giải đáp, chúng tôi được bà Đỗ Thị Hà (thôn Bãi Ông) vừa cất bước từ chợ trở ra vui vẻ cho biết: “Hằng năm, chính quyền xã phát cho mỗi hộ gia đình 2 giỏ xách. Giỏ màu đỏ mặc định chứa thịt, cá; giỏ màu xanh đựng rau, củ, quả. Mỗi lần đi chợ mua thực phẩm hay ra bến cá đều phải mang 2 giỏ này, vừa tiện lợi vừa hợp vệ sinh”.

Người dân đi chợ mang theo giỏ nhựa. Ảnh: TAM CA
Người dân đi chợ mang theo giỏ nhựa. Ảnh: TAM CA

Nhắc lại phong trào nói không với túi ni lông được “khai sinh” vào giữa năm 2009, ông Trần Tấn Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp, vẫn không khỏi bồi hồi, háo hức khi kể về quá trình vận động người dân. Trong hồi ức của vị lãnh đạo này thuộc làu từng hàng cây, ngọn cỏ trên đảo, thời kỳ trước năm 2009, khi danh thắng Cù Lao Chàm trở thành địa chỉ ưa thích của khách du lịch thập phương cũng là lúc hòn đảo ngập ngụa rác thải. Bao ni lông tràn lan khắp nơi và biến thành “nút thắt” về vấn đề ô nhiễm môi trường, khó tháo gỡ. Xuất phát điểm từ ý thức người dân trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông, chính quyền địa phương đã mạnh dạn đề ra phong trào mang tên “nói không với túi ni lông”.

“Phong trào vừa phát động, phần lớn người dân bày tỏ sự đồng tình, hưởng ứng. Sau này khi phong trào ngày một đi vào cuộc sống, hết thảy cư dân trên đảo bảo hành động này chẳng khác nào một chiến dịch. Chiến dịch người dân quyết tâm không dùng túi ni lông và chiến dịch tuyên truyền du khách cùng chúng tôi không sử dụng túi ni lông trên đảo” - ông Dũng nói.

Vì một xã đảo xanh - sạch - đẹp

Để phong trào được “thai nghén” từ ý thức người dân thực sự đi vào khuôn khổ, quy chuẩn, đầu năm 2010, một đội kiểm tra liên ngành chuyên giám sát vi phạm sử dụng túi ni lông chính thức thành lập, trở thành tổ chức “chống túi ni lông” đầu tiên và khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S.

Lượng khách đến tham quan Cù Lao Chàm tăng dần qua các năm. Ảnh: TAM CA
Lượng khách đến tham quan Cù Lao Chàm tăng dần qua các năm. Ảnh: TAM CA

Trong cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ quá trình xử phạt các trường hợp vi phạm mà cơ quan này cung cấp, thật ngạc nhiên khi chỉ tính riêng khoảng thời gian 4 năm đầu (2009 - 2012), cả xã chỉ xảy ra 25 vụ vi phạm. Đặc biệt, 3 năm trở lại đây, số trường hợp vi phạm thậm chí đếm trên đầu ngón tay. Và thôn Bãi Hương được xem là điển hình xuất sắc xếp vào bậc nhất trong tổng số 4 thôn khi đội kiểm tra liên ngành gần như “thất nghiệp” vì chưa phải xử lý bất cứ một vụ việc nào vi phạm dùng túi ni lông. Đề cập đến vấn đề xử phạt, ông Bí thư Đảng ủy xã lật mở khung hình phạt, nói rõ: “Phương châm, khẩu hiệu hoạt động của đội là “Vì một xã đảo xanh - sạch - đẹp”. Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt 1 - 2 triệu đồng, tiểu thương thì ở mức dao động 300 - 500 nghìn đồng. Riêng hộ gia đình thì xã tổ chức nhắc nhở, phê bình trước toàn dân, đồng thời cắt danh hiệu gia đình văn hóa”. 

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Du lịch TP.Hội An, lượng khách du lịch tìm đến tham quan xã đảo tăng dần qua từng năm. Cụ thể trước năm 2009, lượng khách đăng ký du lịch đảo chỉ tầm 32 nghìn người/năm. Thời điểm 2009 - 2011, con số này dao động từ 70 - 80 nghìn người/năm. Kể từ năm 2012, lượng khách đã vượt ngưỡng 100 nghìn người/năm. 

Theo chân ông cán bộ đứng đầu xã đảo “vi hành” dọc các cung đường dốc dác và mục sở thị khắp mọi ngóc ngách từ bờ biển đến khu dân cư, chúng tôi cảm nhận rất rõ bầu không khí trong lành, thanh mát. Đang thong dong bước trên lối nhỏ ven bờ kè chắn sóng, ông Dũng đột nhiên sựng người lại và chỉ tay về khu vực nơi các thành viên trong đội liên ngành đang túc trực kiểm tra túi ni lông. “Mọi hành khách khi ra vào đảo đều bị kiểm tra nghiêm ngặt việc mang theo túi ni lông hay không. Nếu du khách lỡ mang theo thì đội có trách nhiệm thay bằng túi lưới. Những bao ni lông do khách vô ý đem ra đảo sẽ được tập kết ở bãi rác tập trung của xã, sau đó vận chuyển vào đất liền xử lý. Chúng tôi hy vọng Cù Lao Chàm sẽ được đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế biết đến như là địa chỉ xanh trên bản đồ du lịch, người dân trên đảo luôn sống thân thiện với môi trường” - ông Dũng cho hay.

Khẳng định thành quả sau 6 năm phát động chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông”, ông Dũng quả quyết phong trào ý nghĩa trên đã và đang cho thấy những tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy chiến lược phát triển du lịch của hòn đảo vinh dự là một trong 9 địa danh ở Việt Nam được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

THANH BA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ăn sâu vào nếp nghĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO