An Tân ở đâu?

TRẦN ĐĂNG 16/07/2017 06:49

Câu này mà hỏi dân Quảng Nam thì sẽ bị vặc lại ngay: “Hỏi chi lạ rứa? Hắn nằm cạnh Chu Lai chớ mô mà hỏi!”. Nhưng sở dĩ phải đặt câu hỏi như vậy vì nó liên quan đến câu chuyện của hơn nửa thế kỷ trước.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục, quê làng Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như “Trái đất này là của chúng mình”, “Vàm Cỏ Đông”… nhưng dân Quảng Ngãi thì nhớ đến ông qua bài hát đậm chất “tỉnh ca”: “Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường”. Bài hát này có một câu hơi vô lý: “Quảng Ngãi ơi còn nhớ chăng những ngày thu rực rỡ/ Tỏa bóng cờ từ An Tân đến Sa Huỳnh lộng gió”. Ý của đoạn ca từ này là người nhạc sĩ muốn nhắc lại không khí sôi sục của những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 trải dài từ phía bắc đến tận phía nam địa phận Quảng Ngãi. Nếu ông viết: “Nam - Ngãi ơi, còn nhớ chăng… từ An Tân đến Sa Huỳnh…” thì không phải bàn nhưng ông lại “quàng” địa danh An Tân của Quảng Nam vào Quảng Ngãi nên mới có chuyện. Tác giả không rành về địa lý chăng?

Lúc nhỏ, khoảng cuối những năm 60 đầu 70 của thế kỷ trước, mỗi khi cha tôi dẫn anh em tôi đi mua dép rọ hoặc dép nhựa vào đầu năm học, mẹ tôi hay nhắc đến việc “chân đất như hồi đi buôn An Tân”. Rồi bà kể chuyện “đi buôn An Tân”, tôi nghe cũng chỉ để mà… vui chứ chưa đủ từng trải để cảm nhận hết nỗi cơ cực của chuyện gánh gạo ra tận An Tân, cách Quảng Ngãi 40km. Đó là thời “kháng chiến một”, tức 9 năm chống Pháp 1945-1954. Sau ngày dân ta khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8.1945, Pháp bắt đầu trở lại gây hấn. Nghe mấy người già kể là chúng lấn từ Đà Nẵng đến tận cầu An Tân bây giờ và lấy con sông có cây cầu bắc qua ấy là “giới tuyến”. Từ ga An Tân trở vô đến Phú Yên là “vùng tự do khu Năm”.

Hưởng ứng việc tiêu thổ kháng chiến, dân ta “lột sắt đường tàu rèn thêm dao kiếm” (thơ Hồng Nguyên) nên đường tàu ngày ấy chỉ còn những đá là đá. Dân ta cào đá xuống đường, lấy chỗ làm lối đi. Dẫu có thuận lợi hơn đi trên đá nhưng vẫn không êm bằng đi trên đất bình thường được vì đá dăm vẫn còn sót lại. Ấy vậy mà một người đàn ông gầy yếu như cha tôi phải gánh trên vai khoảng 50kg, chạy bộ bằng “đôi dép mo cau”, nhưng đi chừng dăm bảy cây số là rách tan hoang, tiếp tục chân đất đến “biên giới An Tân” để bán, kiếm được chừng 5 lon gạo, gọi là tiền “lời”. Hồi đó, ban ngày liên tục “máy bay bà già” của Pháp quần thảo nên mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra trong đêm. Gánh từng ấy gạo chạy bộ suốt đêm trên con đường sắt còn lởm chởm đá dăm để kiếm 5 lon gạo về nuôi con, hèn chi mẹ tôi ám ảnh suốt đời là phải.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục, ngày khởi nghĩa 1945 ông mới 12 tuổi (ông sinh năm 1933), phải rời quê Sơn Mỹ lên tận “thủ đô kháng chiến” Nghĩa Hành theo học Trung học Lê Khiết nên câu chuyện “đi buôn An Tân” cũng ám ảnh cậu thiếu niên ấy cho đến tận ngày tập kết ra Bắc rồi đến khi sáng tác bài hát như đã dẫn trên đây. Ông nhớ lại: “Thú thật là tôi bị ám ảnh địa danh mang tên An Tân, đó là ga cuối cùng tính từ trong nam miền Trung ra, là vùng tự do thời kháng chiến. Dù là học trung học Lê Khiết nhưng có đi đâu được mà biết An Tân nó nằm ở chỗ nào! Bởi vậy nên cứ nghĩ đó là “một dải đất tự do”, không phân biệt ranh giới tỉnh này tỉnh nọ. Ám ảnh ấy đã “nhập” vào bài hát lúc nào không biết nữa”. Vậy là đã rõ, một chút nhầm lẫn của người nhạc sĩ đã để lại cho hậu thế nhiều dấu hỏi về “ranh giới địa lý”, song nó cũng đem đến cho công chúng yêu âm nhạc một đoạn ca từ hay và một giai điệu đẹp của ca khúc “Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường”.

TRẦN ĐĂNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An Tân ở đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO