Ăn táo rào sung

C.B.L 03/10/2018 01:38

Ăn cây táo mà sao lại đi lo rào cây sung? Chuyện ở đây không ngụ ý gì xa xăm, chỉ thấy nhiều khi ta lơ đãng đến vô tình như vậy với những thứ cây trái của mình.

Người Việt có thiếu gì thứ ngon mà chuộng hàng ngoại nhập? Nói đâu xa, người Quảng cũng có những thức quà mang bản sắc địa phương đã từng đúc kết thành câu ca như: “Nem chả Hòa Vang/ Bánh tổ Hội An/ Khoai lang Trà Kiệu/Thơm rượu Tam Kỳ…”. Đó là chưa kể còn có trái lòn bon, khoai lang Trà Đõa, bắp nếp Hội An, nước mắm Cửa Khe, cây chè An Bằng…

Như ta thiếu gì bắp ngon mà chuộng bắp của Nhật? Trang Vietnamnet cho hay bắp Nhật nhập về Hà Nội có giá tới 150 nghìn đồng/trái, vậy mà một cửa hàng ở Xuân La (Tây Hồ) bán “cháy hàng”. So sánh với bắp của ta tại đó thì giá bắp Nhật đắt gấp 30 lần. Theo mô tả thì nhiều người cho rằng bắp Nhật có mùi vị thơm ngon, nhưng liệu có ngon bằng bắp nếp Cẩm Nam của Hội An (Quảng Nam) không?

Không chỉ bắp mà tới khoai Nhật cũng từng vào thị trường Việt, hét giá hơn nửa triệu đồng mỗi ký. Có củ khoai Nhật phải xắt lát ra bán, ăn “ngậm nghe”. Hết khoai Nhật thì tới khoai Hàn, giá cũng 300 - 400 ngàn mỗi ký. Rồi nhiều loại rau quả của Mỹ, Úc, Tàu, Nhật,… cũng nhập về, bán giá rất cao hơn rau quả nội địa, như giá nho Nhật đến 1,3 triệu đồng/ký, gấp hơn chục lần giá nho Phan Rang. Hẳn khó lý giải vì sao thứ trái cây ngoại nhập ăn chơi lại có giá đắt đỏ như thế, liệu có phải do tâm lý “sính ngoại” chăng?

Ăn chơi cho biết thì không sao nhưng nói chuyện hàng rau quả ngoại nhập có ảnh hưởng đến kinh tế sẽ khiến ta giật mình. Theo tờ Thời báo Tài chính Việt Nam, trong 8 tháng qua giá trị xuất khẩu rau quả đạt 2,7 tỷ USD, nhưng người Việt cũng nhập khẩu mặt hàng này tới 1,5 tỷ USD. Nhận định tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ cũng có đánh giá việc xuất khẩu một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn, giá giảm; trong khi đó tình trạng nông sản nhập khẩu mạo danh sản phẩm trong nước diễn biến phức tạp. Như vậy, nếu “kích” cho việc chuộng hàng ngoại - ở đây là mặt hàng rau quả, nổi lên tựa kiểu đua đòi thời thượng, ít nhiều sẽ làm cho thị phần ngay trên sân nhà bị chia sẻ. Chúng ta đã từng thấy những thứ trái cây như lòn bon, xoài không hạt, mít không hạt, thậm chí là sầu riêng của Thái Lan đã lấn sân thế nào trên thị trường nội địa của mình. Trong khi ta thì phải liên tục “giải cứu” hết nông sản này tới nông sản khác, đầu ra bấp bênh khiến nông dân Việt lao đao.

Gần đây, trên thế giới và Việt Nam cũng đều chú ý khôi phục và phát triển “tài nguyên bản địa”, từ đó đưa ra những mặt hàng cạnh tranh trong thị trường nội địa và xuất khẩu. Do đó, ngay mặt hàng nông sản thực phẩm, thay vì cứ cổ xúy việc tiêu dùng thứ ngoại nhập nên chú ý hơn đến rau quả của mình. Ăn cây táo thì nên rào cây táo.

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ăn táo rào sung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO