(Xuân Giáp Ngọ) - Không hiểu vì sao và từ đâu người Việt có ngạn ngữ Tết Congo? Theo cách hiểu thông thường Tết Congo không có trong lịch người Việt và khi muốn đề cập điều gì đó không thể xảy ra hoặc xa vời quá người ta thường nói “chờ đến Tết Congo”. Nhưng tôi có cái may mắn là từng được ăn Tết Việt tại xứ Congo…
Xuất dương du học tại Bỉ từ những năm 60 thế kỷ trước, tôi ăn hơn 40 cái tết ở xứ lạ quê người. Chính vì thế tôi luôn luôn ấp ủ được về Việt Nam làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và thường xuyên ăn tết tại quê nhà. Năm 1976, tôi đã rất may mắn được về Tổ quốc ăn Tết hòa bình đầu tiên. Sau đó những năm 1977, 1979, tôi lại về Việt Nam giảng dạy khoa học, tìm hiểu tình hình, tạo điều kiện thực hiện giấc mơ Việt Nam của mình. Nhưng không may trong thời điểm đó, cơ chế bao cấp còn bao trùm. Sau một thời gian dài thăm dò, tôi ngộ rằng với tư cách một nhà khoa học được đào tạo tại phương Tây, hành nghề tại Việt Nam sẽ rất khó, nhất là sẽ không có cơ hội cũng như điều kiện triển khai các khóa đào tạo liên đại học mà tôi đang thực hiện tại châu Âu. Giấc mơ Việt Nam của tôi đành tạm phải vùi vào tâm khảm, chờ ngày mai tươi sáng hơn.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, sinh năm 1941 tại Điện Bàn - Quảng Nam, là Giáo sư Danh dự Thực thụ trường Đại học Liège, Bỉ. Ông được xem là một trong “10 người làm thay đổi nước Bỉ”, một trong những nhà cơ học xuất sắc nhất châu Âu. Giáo sư đã được Vương triều Bỉ phong tặng Huân chương Đại thần. Đặc biệt, ông từng làm cầu nối, giúp đào tạo khoảng 400 thạc sĩ, tiến sĩ cho Việt Nam đạt trình độ chuẩn quốc tế. (BTV) |
Sau chuyến về Việt Nam năm 1979, trở sang Bỉ, tôi quyết định lập nghiệp tại đây, trở thành giáo sư đại học tại Bỉ. Mặt khác, được khuyến khích bởi chế độ lương bổng thuận lợi, tôi lại quyết định đi thỉnh giảng ba năm tại Đại học Kinshasa, ở thủ đô Congo, trong khuôn khổ hợp tác phát triển Bỉ - Congo, bắt đầu từ tháng 12.1982.
Lúc này Congo có tên Za-re, là một cựu thuộc địa của Vương quốc Bỉ, một đất nước rộng 2,3 triệu km2 với chỉ 30 triệu dân (1981), đất đai phì nhiêu, mưa thuận gió hòa và rất giàu khoáng sản.
Mặt bằng dân trí ở Congo bấy giờ không cao và là vùng mưa nhiều nhưng chưa phát triển được nền kinh tế lúa nước như Việt Nam. Người dân Congo tuy hiền hòa, dễ mến nhưng không có thói quen cần cù chăm sóc ruộng vườn, tập hợp thành đại gia đình như người Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà ý thức về sự tôn trọng quyền sở hữu cá thể không cao nên họ thường nhầm lẫn giữa tài sản cá nhân và tài sản cộng đồng. Có lần vợ chồng tôi chở nhau vào trung tâm thành phố, đi chợ xa làng đại học đến 25km. Chúng tôi vào tiệm mua hai két bia dùng cho cả tuần. Tôi mở cốp xe, khiêng két bia đã sử dụng vào tiệm đổi lấy két bia mới rồi mang về đặt trong cốp xe để trống. Xong, tôi làm tương tự cho két bia thứ hai. Bỗng tôi thấy có một người Congo ngang nhiên đến khuân két bia mới của tôi vừa để trước đó. Tôi la toáng lên “ăn cắp, ăn cắp” ngay giữa chợ đông người mà chẳng có ai dừng lại giúp tôi bắt trộm. Tôi bỏ két bia trong tay xuống đất, định chạy tới níu anh ta lại nhưng không kịp. Tay ăn cắp quá lực lưỡng, ôm két bia chạy ào giữa chợ mất hút vào đám đông… Tình trạng nhầm lẫn giữa tài sản công cộng và tài sản cá nhân ở Congo thời đó vô cùng phổ biến! Là cố vấn cao cấp học thuật (1982-1984) của ông Viện trưởng Viện Đại học Kinshasa, tôi đã từng chứng kiến ông Viện trưởng nhầm lẫn quỹ văn phòng đại học với ví tiền riêng; ông Khoa trưởng khoa Cơ khí và xây dựng nhầm lẫn quỹ dành cho khoa với tiền cho gia đình ông ta. Kể cả vị tổng thống cũng nhầm lẫn hãng máy bay dân sự Air Congo với máy bay riêng, trưng dụng máy bay đi Trung Quốc cả tuần mà chẳng thanh toán gì cho ngân sách của hãng này. Kết quả là không bao lâu Air Congo bị phá sản, thiếu nợ tràn lan; năm 1985 còn hai chiếc Douglas DC 10 bị tịch thu khi vừa đáp xuống Brussels! Tôi giật mình thầm nghĩ: “Té ra sự phân chia đất đai thành ruộng vườn cá thể ở đồng quê Việt Nam từ xưa là một tiến bộ. Chính sự nhầm lẫn giữa sở hữu cá thể và sở hữu cộng đồng là nguyên do của bao oan trái, của vô số sai phạm trộm cướp công khai mà luật pháp không thể ngăn chặn được”.
GS. Nguyễn Đăng Hưng với các sinh viên Khoa Xây dựng ở Congo. |
Gia đình chúng tôi được cấp một biệt thự khang trang tọa lạc trên khu vườn rộng 2.000m2. Ngôi biệt thự này đã từng là nhà ở của gia đình một giáo sư về thực vật học nên rất phong phú về cây trái cũng như hoa quả nhiệt đới. Chúng tôi rất may mắn được thừa hưởng những cây khế, xoài, ổi, mít, cứ đến mùa là ra hoa kết trái, sử dụng không hết phải bảo người làm hái cho bạn bè. Khu đại học được xây dựng trên một ngọn đồi, có đến gần 200 biệt thự tương tự và 20% là dành cho các giáo sư quốc tế đến thỉnh giảng. Cây cối thảo mộc ở Congo cũng tương tự như ở Việt Nam, có cả những lũy tre gai góc, những hàng trúc mảnh dẻ yêu kiều. Chúng tôi thấy người Congo không biết ăn măng. Đến mùa mưa, măng mọc dồi dào mà chẳng ai đụng đến; vợ tôi bảo người giúp việc chặt một ít, đem về ngâm rồi tổ chức một bữa tiệc với món chính là thịt heo xào măng. Khách mời hơn 50 người là bạn bè đồng nghiệp, giáo chức có mặt tại khu đại học. Ai nấy đều tán thưởng món ăn thuần túy Việt Nam ngon mà chúng tôi chẳng tốn kém bao nhiêu để có một bữa tiệc hoành tráng. Vợ tôi nhân dịp đứng ra quảng cáo cho việc sử dụng măng và còn chỉ cách chế biến, bảo quản măng tươi, măng chua… Kết quả là một phong trào sử dụng măng bùng nổ tại khu đại học. Vài tuần sau khi cần măng nấu thức ăn, người làm của tôi báo là cả buổi đi tìm mà không còn đọt măng nào sót lại!
Sang Congo, tôi có dịp được làm quen với một số gia đình Việt Nam. Phần lớn họ là những chuyên gia sang Mỹ hay châu Âu rồi đến Congo tác nghiệp. Đó là những chuyên gia cấp cao thứ thiệt rất cần cho sự phát triển của xứ này. Thí dụ anh C. từng tốt nghiệp trường cầu đường (Ecole des ponts) Paris, từng làm Giám đốc nha kế hoạch thời ông Nguyễn Văn Thiệu, qua Pháp định cư. Anh có hợp đồng lương ngất ngưởng với ngân hàng thế giới, được cử sang tổ chức thiết kế hệ thống giao thông của Congo. Anh Ch. từng là hiệu trưởng trường Nông Lâm Thủ Đức, định cư tại Nam California được Bộ hợp tác quốc tế Mỹ gởi sang làm cố vấn cho Bộ nông nghiệp chăn nuôi. Anh Th. từng là giám đốc một ngân hàng tại Sài Gòn, định cư tại Thụy Sỹ nay qua Congo làm cố vấn cho Bộ Tài chính. Anh Q. là chuyên gia máy tính IBM tại Sài Gòn nay là Giám đốc công ty IBM tại Kinshasa. Còn tôi là giáo sư đại học Liège nay sang Congo thỉnh giảng thường trực.
Mỗi người, mỗi gia đình chúng tôi đều có chính kiến riêng, quan điểm riêng, thay đổi tùy theo hoàn cảnh riêng, đôi khi rất đậm nét, dấu vết của một giai đoạn gian truân và chiến tranh điêu linh của dân tộc. Tuy nhiên, chúng tôi tôn trọng nhau và khi trao đổi bàn bạc về tình hình đất nước đều tìm ra được cái chung, những bài học lịch sử đã trải nghiệm, những đau thương mất mát đã phải nhận lãnh, những hướng đi cần thiết cho ngày mai phát triển ấm no. Và chúng tôi ai nấy đều ngậm ngùi cho thân phận của mình: phải qua cái xứ Congo xa xôi này mới có điều kiện ngồi lại bên nhau trong tình tự dân tộc, mới có điều kiện thi thố tài năng và trình độ của chuyên gia, thành phần đã dày công học hỏi rèn luyện từ những giảng đường, phòng thí nghiệm của những trường đại học hiện đại và tiếng tăm trên thế giới. Chúng tôi nhanh chóng trở thành những người bạn gần gũi, thân tình và gần như cuối tuần nào cũng tạo điều kiện gặp gỡ để các bà nội trợ lần lượt thi thố tài năng nấu nướng. Cũng như ở khắp nơi trên thế giới, người Việt chúng tôi tại Congo cũng lấy ẩm thực làm nền tảng cho văn hóa Việt, một phong cách ẩm thực phong phú, đa dạng và hiện đại. Các thức ăn của người Việt luôn hấp dẫn bạn bè quốc tế bốn phương. Là những chuyên gia cao cấp, chúng tôi hay giao lưu với nhân sự các tổ chức quốc tế, các đại diện ngoại giao, các quan chức cao cấp sở tại. Chúng tôi được tiếng lành là một cộng đồng nhỏ nhưng năng động và hữu hiệu trong công việc.
Rồi đông tàn xuân đến, ngày tết cận kề, chúng tôi cùng nhau lên kế hoạch tổ chức một tiệc Tết Nguyên đán linh đình tại Kinshasa. Chúng tôi liên lạc với các bạn bè Đông Nam Á như người Mã Lai, Singapore mở rộng ban tổ chức. Và năm ấy tại Kinshasa đã có cái tết hoành tráng, không thiếu một thứ gì gọi là truyền thống Viễn Đông, có cả phần trình diễn văn nghệ. Riêng với chúng tôi, Tết Congo như vậy đã trở thành một cái tết đầy màu sắc Việt, một cái tết tha hương ấn tượng nhất trong cuộc đời lưu lạc...
GS. NGUYỄN ĐĂNG HƯNG