Ăn tết trên biển

LÊ QUÂN - HOÀNG TÂN 06/02/2013 08:58

Với vài thùng bia, thịt heo, bánh mứt... được chuẩn bị sẵn từ khi tàu nhổ neo, những ngư dân đánh bắt trên biển cũng đã có một cái tết mà họ gọi là “ăn tết trên biển”.

Chuẩn bị hàng cho tàu ra khơi chuyến biển ngày tết.
Chuẩn bị hàng cho tàu ra khơi chuyến biển ngày tết.

Năm nay, tại thôn Đông Xuân (Tam Giang, Núi Thành) có khoảng 4 tàu cá phải đón tết xa nhà. Với những ngư dân đi ghe mực, tháng giáp tết là thời điểm họ bắt đầu đi biển, đón tết biển bằng những chuyến câu khơi xa. Cảng cá An Hòa những ngày ấy chộn rộn nhiều cảm xúc khó tả. Tàu cá đi biển vài tháng trước đã vào bờ thì háo hức chuẩn bị sơn, sửa tàu, ghe vào âu thuyền neo đậu, sửa soạn đón tết cùng gia đình. Còn các ghe mực cũng tất bật cho chuyến đi biển khoảng từ mùng 10 tháng chạp cho tới qua Tết Nguyên đán. Đa số các ngư dân ở Tam Giang đều trải qua những lần ăn tết trên biển, người ít thì 2 lần, người nhiều có khi đến cả chục lần. Lão ngư Phạm Văn Hoa chia sẻ rằng hoàn cảnh lắm mới phải ăn tết trên biển. “Tàu chạy cả tháng ròng, gặp tháng giáp tết, nếu sản lượng đánh bắt quy đủ tiền dầu thì chạy về ăn tết với gia đình chứ mắc mớ chi ở trên biển. Còn chủ tàu thấy chưa đủ kinh phí thì cho anh em nghỉ vài ngày ăn tết trên biển rồi lại vào cuộc đánh bắt” - ông Hoa cho biết. Với các chủ tàu, chuyến biển cuối năm tốn kém nhiều hơn do phải lo cho “bạn”, ứng tiền cho gia đình “bạn” để lo tết nhứt đầy đủ, ngoài ra phải chuẩn bị hàng tết phòng khi không về đất liền kịp để anh em trên tàu cũng có tết.

Ông Trần Văn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết, kết thúc mùa biển năm nay, ngư dân toàn huyện khai thác được 31.540 tấn hải sản các loại, đạt 125% kế hoạch năm, tăng 18% so với cùng kỳ. Nhiều tàu lưới vây, câu mực khơi ở xã Tam Giang, Tam Quang bám biển khai thác đạt doanh thu từ 4 - 5 tỷ đồng/tàu.

Vợ ông Phạm Hải (40 tuổi, thuyền trưởng con tàu lớn của gia đình với hơn 40 “bạn”) cho biết: “Thực ra trên biển không có tết đâu, lo làm thôi. Đến giao thừa, anh em neo tàu gần nhau, bơi xuồng thúng gom lại, tổ chức ăn uống, hát hò cho vui, cho đỡ nhớ nhà. Các chuyến biển khác, anh em không được mang bia rượu nhưng chuyến biển tết thì ngoại lệ”. Bữa cơm tất niên sớm của gia đình ông Hải được tổ chức từ cuối tháng 11 âm lịch. Năm ngoái ông cũng đã ăn tết trên biển với 40 bạn tàu của mình. Năm trước tàu ông đi từ rằm tháng 10 nhưng phải đến rằm tháng giêng mới quay trở vào vì sản lượng đánh bắt chưa đủ tiền dầu. “Năm nay chồng lại tiếp tục ăn tết xa nhà và đi chuyến trễ nhất của năm, vì thời điểm này, rất ít tàu ra khơi. Dự kiến chuyến này tàu sẽ đi gần, khoảng trong vòng 1 tháng trở lại để kịp cho “bạn” kịp về ăn tết với gia đình. Nhưng dự tính là vậy chứ chưa biết trước được. Chị vẫn mua sắm bánh mứt, thịt, bia rượu dự trữ trên tàu phòng khi tàu không vào bờ kịp ngày tết” - vợ ông Hải chia sẻ.

Trước mỗi chuyến ra khơi, các ngư dân tổ chức cúng biển. Họ tin rằng với lòng thành kính của mình, biển sẽ mang đến may mắn, cho tàu thuận buồm xuôi gió và đánh bắt được nhiều. Với chuyến đi ngày cuối năm, lễ cúng càng trang trọng hơn, vì tính luôn cho cả lần cúng tất niên cũng như cúng đầu năm của tàu. Bữa cơm cúng được những người vợ chuẩn bị rất thịnh soạn. Dường như đã xác định, làm vợ của người đi biển phải chịu cảnh “hồn treo cột buồm”, nên những ngày tết nhà vắng đàn ông đã không làm những người vợ buồn nghĩ nhiều. Họ đã quen như vậy. Thậm chí trước ngày chồng đi biển cuối năm, những người vợ còn rủ nhau đi chợ huyện, mua sắm thêm vài gói nem, bánh kẹo, vài ký thịt về ngâm mắm để chồng mang ra biển, lỡ có ăn tết ngoài đó thì cũng có cái mà ấm lòng, xoa dịu nỗi nhớ nhà ngày tết.

Những chuyến đi biển vào mùa tết thường bắt đầu khoảng đầu tháng chạp. Chủ tàu sẽ phải chuẩn bị từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, bao gồm tiền dầu, đá, lương thực... Với ngư dân, tết là lúc tàu đi được mùa, thu nhập tăng lên. Và những chuyến biển vẫn cứ thế ra khơi, dù tết.

LÊ QUÂN - HOÀNG TÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ăn tết trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO