Ân tình còn mãi

NHẬT LINH 12/03/2020 11:11

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, cũng là từng ấy thời gian những người lính Cụ Hồ về lại xứ Thanh cùng dựng xây quê hương. Quãng thời gian sống chết với đạn bom là những ký ức không thể nào quên trong suốt cuộc đời họ. Câu chuyện chúng tôi ghi lại từ 2 cựu chiến binh ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Thương binh Lê Tài Hơn (thứ hai, từ trái qua) trước căn nhà tình nghĩa do huyện Thăng Bình (Quảng Nam) tặng. Ảnh: D.L
Thương binh Lê Tài Hơn (thứ hai, từ trái qua) trước căn nhà tình nghĩa do huyện Thăng Bình (Quảng Nam) tặng. Ảnh: D.L

Thời trẻ anh đi “B dài”

Câu chuyện của thương binh Lê Tài Hơn (SN1949, ở xã Đông Phú) khiến người nghe hình dung được một thời đi B. Lời kêu gọi cả nước tiến lên đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 11.1968 đã nhóm lên ngọn lửa trong thanh niên trai tráng cả nước. Người người, nhà nhà ra sức, bằng mọi cách giúp sức miền Nam đánh giặc, khí thế dâng ngút trời.

Ông Hơn hồi tưởng: “Hồi đó, thanh niên cả làng đều đăng ký vào Nam. Có người không đủ tuổi thì khai man cho đủ tuổi, người không đủ cân thì làm mọi cách cho đủ cân, chỉ để được đi bộ đội. Lúc đó tôi không đủ cân, nên học cách làm của một người anh, trước khi đi xét tuyển tôi ăn thiệt no, trước khi lên bàn cân thì hít một hơi thật dài rồi nín thở để cán cân chỉ cần nhích qua một chút là tôi được chọn. Được chọn đi bộ đội là mừng lắm, dù chưa biết đi bao lâu mới được trở về với cha mẹ ở quê nhà”.

Vào bộ đội năm 1969, ông Hơn được xác định đi “B dài”. “B dài” theo ông Hơn cắt nghĩa là đi vào chiến trường miền Nam mà không biết được ngày về, còn ai đi “B ngắn” là biết được sẽ có ngày trở về. Ông Hơn được huấn luyện ở một đơn vị cơ động bí mật.

Năm 1970 đơn vị của ông mới tiến vào Nam, cứ dọc dài theo dãy Trường Sơn mà vào. Là đơn vị cơ động bí mật nên ông Hơn cứ di chuyển liên tục theo đơn vị, chỉ cần biết tọa độ là chiến đấu, không cần biết đó là đâu, là trận nào. Đánh xong trận nào rút lui ngay, bởi đơn vị của ông có nhiệm vụ “đánh mở cửa” cho các đơn vị khác tiến vào, chuyên đi phá những cửa ngõ khó tấn công của địch.

Ông Hơn di chuyển cùng đơn vị vào tận Tây Ninh, rồi tham gia vào đội quân tình nguyện đi Campuchia, đến năm 1972 về lại đơn vị ở Tây Ninh. Đến lúc này, ông Hơn mới biết mình thuộc biên chế Trung đoàn 201, là đơn vị cơ động đặc biệt của miền Đông Nam Bộ.

Sau năm 1975, khi miền Nam đã sạch bóng quân thù, ông Hơn xuất ngũ, về lại quê hương. Cuộc sống khó khăn cứ bủa vây khiến nhiều dự định tìm kiếm mộ đồng đội của ông dang dở. Đó là điều khiến ông đau đáu nhất. Năm 2019, người thương binh ấy đã nhận được sự tri ân từ huyện Thăng Bình bằng căn nhà tình nghĩa. Căn nhà xây dựng hoàn thành, giúp ông có chỗ thờ tự ông bà chu đáo hơn.

“Móc gạo” má gửi

Hằn sâu trong ký ức thời chinh chiến của cựu binh Lê Văn Thanh (SN1952, ở xã Đông Thịnh) bao năm qua có hình ảnh những gùi gạo má gửi. Vì “móc gạo” trong vùng địch nên không ít đồng đội của ông đã nằm lại với chiến trường. Được sống đến hôm nay, vui cùng vợ con, ông Thanh nói mình may mắn. Lần giở từng trang ký ức, chuỗi ngày chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam luôn là một ký ức oai hùng.

Năm 1971, như bao trai tráng trong làng, ông Thanh đăng ký đi bộ đội để được vào Nam chiến đấu. Ông được phiên về Trung đoàn Pháo binh 572 Quân khu 5.

Trận đầu tham chiến mãi là dấu ấn trong ông: “Trận đầu tiên tôi cùng tham gia chiến đấu là ở Quế Sơn, trận đồi Cấm Dơi vào tháng 8.1972. Chiến thắng Cấm Dơi đã làm nức lòng toàn quân, trong đó có đơn vị pháo binh”.

Trận cuối cùng ông tham gia là trận giải phóng tỉnh Quảng Nam rồi đến Đà Nẵng. Từ nơi đóng quân ông cùng đồng đội đánh trận Suối Đá (Phú Ninh), tiến xuống giải phóng Tam Kỳ rồi trên đà chiến thắng tiến ra giải phóng Đà Nẵng.

Ông Lê Văn Thanh cùng vợ vui vầy với cháu con lúc tuổi xế chiều. Ảnh: D.L
Ông Lê Văn Thanh cùng vợ vui vầy với cháu con lúc tuổi xế chiều. Ảnh: D.L

Trong suốt thời gian chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam, ông Thanh không thể quên được những cái tên như má Hồng, má Thắng. Những người má ấy đã không sợ hiểm nguy, gùi gạo, đào đất giấu trong vùng địch.

Từ vị trí các má giấu gạo, ông Thanh cùng đồng đội cứ nửa tháng lại xuôi theo sông xuống vùng Đại Lộc, Duy Xuyên “móc gạo” mang lên đơn vị. “Một đợt đi, mỗi người mang được 20 ký gạo. Mà hiểm nguy lắm, anh em hy sinh khi đi móc gạo cũng nhiều! Chúng tôi cứ ăn gạo các má cung ứng, nhưng không một ai biết mặt má nào cả. Chúng tôi vẫn cứ nghe kể có má Hồng, má Thắng... mà tiếc chưa lần gặp được các má”.

Khi trở về quê hương sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Thanh là Trung đội trưởng Trung đội pháo 130 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 572. Ông phục viên năm 1976, có vợ con và sống cuộc đời bình lặng. Năm 2019, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ ông 50 triệu đồng để làm căn nhà tình nghĩa.

Vui mừng xen chút nghẹn ngào, ông Thanh nói: “Tôi rất vui khi được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Thanh Hóa quan tâm! Nhưng có một điều trăn trở mãi mà tôi chưa hoàn thành được, đó là về thăm chiến trường xưa. Hồi trước, anh em trong đơn vị cũng có bàn nhau tổ chức về thăm lại chiến trường Quảng Nam xưa, nhưng điều kiện không cho phép nên không đi được. Bây giờ tuổi mỗi ngày mỗi cao, sức khỏe yếu dần, chỉ mong sao lãnh đạo hai tỉnh tổ chức cho cựu chiến binh Thanh Hóa chuyến thăm Quảng Nam thì tôi xin đi ngay”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ân tình còn mãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO