Ân tình nơi thung lũng hoàn lương

TẤN VŨ 04/05/2013 08:48

Làng Lộc Mỹ, thuộc xã Hòa Bắc, (Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), nơi những người một thời lầm lỡ đang nương tựa nhau với rất nhiều ân tình, bây giờ được gọi bằng tên mới: thung lũng hoàn lương.

Hai lần gội rửa lòng sông

Cánh đồng cỏ, nơi những căn nhà thấp thỏm triền núi ở xóm Bàu Bàn của làng Lộc Mỹ bây giờ, là những dãy nhà tập thể màu vàng cổng kín, tường cao. Bà Lê Thị Thuận bắc ghế ngồi sát mái hiên nhà bán nước cho khách đến thăm nuôi ở Trung tâm giáo dục dạy nghề 05-06. Gọi là trung tâm giáo dục dạy nghề nhưng thật sự đây là trại của những người lạc lối trong ma túy, mại dâm... quy tụ về từ sau giải phóng. Bà Thuận rầu rỉ: “Ế lắm! Lâu rồi chẳng ai tới thăm. Trà nước bán chẳng được”. Thấy khách lạ, người đàn bà ngoài 60 ngồi bàn kế bên kéo ghế dò hỏi: “Cháu tìm ai trong trại này?”. “Cháu tìm dì Nguyệt!”, tôi trả lời. “Tôi. Nguyệt đây, Trần Thị Minh Nguyệt. Cháu tìm làm gì? Tôi đến đây sau ngày giải phóng. Để tới được đây phải 2 lần qua sông Cu Đê gội rửa rồi. Tìm làm gì nữa?” – giọng bà Nguyệt nói nửa đùa, nửa thật thoáng chút buồn xa xa.

Đường đến trường còn nbiều gian nan nhưng thế hệ con cháu của những cư dân trong thung lũng hoàn lương không đi theo vết mòn của những người đi trước.
Đường đến trường còn nbiều gian nan nhưng thế hệ con cháu của những cư dân trong thung lũng hoàn lương không đi theo vết mòn của những người đi trước.

Chén trà nóng rót đầy lại vơi. Bà Nguyệt kéo chiếc áo len che ấm, quấn thêm chiếc khăn trên đầu, nhưng vẫn không thể ngăn cơn ho khù khụ của tuổi già. Cũng như bao mảnh đời phiêu dạt khác, bà Nguyệt “trôi” về đây trong khốn khó, ngặt nghèo. Đất quê thương khách níu người, ra trại năm 1986, bà tìm về quê hương Núi Thành (Quảng Nam) nhưng rồi quay về thung lũng này nương thân cho đến cuối đời. Đi củi, ở đợ, chăn bò thuê cho người bản xứ… là công việc bà Nguyệt làm lúc mới ra trại. “Hồi mới ra, mấy chị em dựng cái lều nơi cánh đồng Bàu Bàn để lập nghiệp. Nhiều cặp yêu nhau rồi cưới. Sinh con, đẻ cái. Thung lũng bỗng đông vui khi có lũ trẻ. Nhưng rồi thưa dần do người chết cũng không ít. Đa số là đàn ông, bịnh chết sớm quá!” – bà Nguyệt thổn thức.

Thủy, Phúc, Sơn, Anh, Quyên, Hòa, Thái, Minh…, bà Nguyệt đếm vanh vách trên đầu ngón tay có đến 17 cặp vợ chồng là những người trong trại 05-06 ra riêng rồi lấy nhau, xây làng, lập nghiệp. Riêng bà Nguyệt không lấy chồng mà ở cùng bà Phúc, cũng là người quen trong trại, cho đến nay đã hơn 30 năm. “Tôi hận lắm. Bạc phận rứa là cùng…” – giọng bà Nguyệt rầu rĩ. Mới 2 tuổi, mẹ bà qua đời, lên 8 tuổi cha chết, phải ở với ngoại. Bà ngoại lại qua đời khi cuộc chiến tàn khốc, tuổi dậy thì cô Nguyệt cuốn trôi theo dòng đời từ lúc nào không hay biết. Thập niên 60 - 70, tại những quán bar quanh sân bay ở căn cứ Chu Lai, cô Nguyệt cùng cô Phúc đã khiến không biết bao lính tráng ngả nghiêng. Má phấn thuở còn son, hàng trăm bài hát theo thể điệu boléro về lính chiến cô Nguyệt thuộc làu làu, giọng hát mềm như lụa, những chàng lính trẻ không say đắm mới là chuyện lạ. “Tối tối mình ca vài bài, có thằng cho cả ngàn đồng, có thằng dúi mấy đô la, rứa là cả ngày hôm sau vui vẻ. Thời con gái ai nghĩ lúc già, ai biết có khi như ri, cứ thế bạt mạng” - bà  Nguyệt kể. Giải phóng, hai bà bị đưa về trại này, lận đận vậy mà nương tựa nhau đến tận lúc xế chiều.

Bà Nguyệt (bìa trái) cùng vợ chồng ông Sinh là những người hàng xóm quấn quýt nơi “thung lũng hoàn lương”.                                                                                                            Ảnh: TẤN VŨ
Bà Nguyệt (bìa trái) cùng vợ chồng ông Sinh là những người hàng xóm quấn quýt nơi “thung lũng hoàn lương”. Ảnh: TẤN VŨ

Khánh kiệt

Ngày ra trại, bà Nguyệt quay về tìm gia đình người chú ruột ở Núi Thành, nhưng rồi tức tốc khăn gói ra đi. “Các cháu ghẻ lạnh quá. Tôi thắp nén nhang cho cha mẹ, cho ngoại rồi quay về thung lũng này, kể từ đó đến chừ chưa về lại” – bà Nguyệt thì thầm kể. Về ở với bà Phúc, nhưng bà vẫn phải lo canh cánh cho những ngày dài, bệnh tật. Bệnh viêm phổi, phù tim, rồi mang thêm khối u ác tính ở ngực bà Nguyệt gần như kiệt quệ: “Giải tỏa, được Nhà nước phân cho lô đất. Tôi bán 40 triệu. Chữa bệnh hết một nửa, số còn lại gửi ngân hàng. Lỡ mình có chết hàng xóm có cái mà lo”.

Cảnh của bà Phúc chẳng hơn gì bà Nguyệt. Ngày ra trại, chồng vừa dứt cơn nghiện. “Hai vợ chồng làm đám cưới năm 1980, đám cưới đơn sơ nhưng là niềm hạnh phúc của toàn trại” – kể về quá khứ, mắt bà Phúc ngấn ngấn nước. Nhưng rồi bệnh tật kéo dài, ông mất vì sốt xuất huyết năm 1998, bà Phúc làm mướn nuôi con, nuôi thêm cháu ngoại hơn 10 năm qua. Con gái của bà Phúc càng hẩm hiu hơn mẹ, cưới nhau vài năm thì chồng mất. Bây giờ trong căn nhà lạnh ngắt, 3 thế hệ tựa vào nhau…

Trước ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, chị em thôn Lộc Mỹ tổ chức gặp mặt chúc nhau ở cái hội trường ngay giữa cánh đồng lúa. Toàn thôn Lộc Mỹ có 36 người nữ, nhưng riêng ở tổ Hoàn Lương qui tụ đến 4 giọng nói của các vùng miền. Bà Thủy nhớ quê mình ở Sông Bé, nhưng chị em thất lạc hết, cha mẹ chết từ nhỏ nên chẳng còn nơi để về. Giọng bà Thủy thều thào vì bệnh: “Tôi nhớ mình có đứa em trai và một em gái. Nhưng chẳng biết giờ các em ở đâu? Quê hương chẳng còn ai thân thuộc. Nhiều đêm nằm nhớ, nhưng biết nơi đâu mà về?”. Việc chính của bà Thủy là đi lấy củi, ngày được 30 ngàn. Bà tính phải mua 7 nghìn đồng thuốc còn lại mua gạo mắm. Chồng bà bị viêm gan, mất chưa tròn năm. “Đôi mắt cô cũng vàng, da vàng hết rồi đây, chắc là gan nhưng lấy chi đi khám? Thôi được ngày nào hay ngày đó…” - giọng bà buồn bã.

Đứng cạnh bà Thủy,  bà Quyên (61 tuổi) đang dắt đứa cháu ngoại nghe nhắc chuyện nhớ quê cũng sụt sùi, nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo. Mấy mươi năm xa cách nhưng bà mới về thăm mẹ được một lần, cách đây 4 năm. “Mệ tôi hơn 84 tuổi rồi. Già yếu lắm. Thương mệ nhưng khó quá, lấy chi về…” – bà Quyên lặng lẽ gạt nước mắt.

Kỷ vật cuối cùng

Ông Nguyễn Văn Sinh, chồng bà Thuận bán nước, thất thanh gọi với theo khi chúng tôi vượt truông dài quay về. Cầm một tập hồ sơ nhàu nát, ố vàng vì thời gian, ông thở gấp, giọng nói run run: “Các anh giúp tôi. Tìm giúp tôi người thân, cha, mẹ, con gái của người này”. Ông Sinh nguyên là cán bộ quản lý trại giam, về hưu đã hơn 10 năm nhưng lúc này tập hồ sơ cũ này ông cũng mang theo.

Hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định xuất ngũ…, tất cả đều cũ nhàu mang tên Đặng Đình Phúc. Ông Sinh kể rằng, ông Phúc vào trại lúc nào không rõ, nhưng năm 1978 vì lao động tốt nên được đi bộ đội. “Phúc đi Campuchia, đánh đấm tơi bời không chết, về đây thì lại không qua khỏi vì bệnh. Chắc do nhiễm độc từ thời chiến. Mộ chôn ở Hòa Sơn, lâu rồi”. Theo lời ông Sinh thì anh Phúc rất hiền ngoan, điển trai nhất trại. Đi bộ đội về, anh quay lại thung lũng hoàn lương này lấy chị Vân, sinh được một cháu gái kháu khỉnh. Những tưởng hạnh phúc êm xuôi trong tháng ngày còn lại. Đêm mưa, chị Vân đột ngột bỏ nhà đi biệt tích. Gà trống nuôi con, anh Phúc mất khi đứa con gái tròn 5 tuổi. “Những ngày cuối đời, biết mình không khỏi, Phúc bảo đưa cháu vào trung tâm trẻ mồ côi ở Hội An. Cháu bé tên Phương, Đặng Thị Phương thì phải, tôi không rõ. Được thời gian thì cháu đi Mỹ theo diện con nuôi hay chi đó. Từ đó chẳng thấy về. Nếu còn con bé tuổi đã ngoài 20” – ông Sinh kể.

Trong ký ức lờ mờ của ông Sinh, thì cha của anh Phúc là hiệu trưởng một trường học tại Quy Nhơn. Anh Phúc ở trong nhà thờ từ nhỏ. Mọi thông tin trên các tấm giấy tờ cũ chẳng nói lên quê quán hay người thân, nên việc tìm kiếm coi như bế tắc. Ước mong của ông Sinh nhắn nhủ chúng tôi là tìm người thân và trao lại những kỷ vật cuối cùng cho người bạn, người em nghĩa tình của ông trước khi ông nhắm mắt…

Thung lũng hoàn lương khuất nẻo trong rừng xanh, nhưng lòng người ở lẫn người đi đều nặng trĩu.

TẤN VŨ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ân tình nơi thung lũng hoàn lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO