Nhờ sự quyên góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Khu tưởng niệm liệt sĩ Trại Tiệp (thôn Ninh Khánh 1, xã Quế Ninh, Nông Sơn) đã hoàn thành, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng.
Bà Nguyễn Thị Bích cùng cán bộ, chiến sĩ Quân khu V dâng hương viếng các liệt sĩ Trại Tiệp. Ảnh: NGỌC DUYÊN |
Cơn mưa lớn đổ xuống bốn bề rừng núi thôn Ninh Khánh 1 vẫn không thể ngăn cản hàng trăm người dân và cán bộ xã Quế Ninh về tham dự lễ khánh thành Khu tưởng niệm liệt sĩ Trại Tiệp, vừa diễn ra.
Theo lịch sử ghi chép lại, sau Tết Mậu Thân 1968, địch từ Đà Nẵng và Tam Kỳ liên tục càn quét nhằm tiêu diệt, làm suy yếu lực lượng của ta tại các vùng nông thôn ven đô của Đà Nẵng. Sau đó, từ giữa năm 1969, ở khu vực huyện Nông Sơn và các địa bàn ven đô Đà Nẵng, địch mở nhiều chiến dịch càn quét khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta bị thương. Theo chủ trương của Quân khu 5, cán bộ, chiến sĩ bị thương lùi lại phía sau mặt trận và được đưa về Bệnh xá Hòn Tàu (thuộc xã Quế Lộc, Quế Sơn) để điều trị. Trong số cán bộ, chiến sĩ của ta bị thương đưa về Bệnh xá Hòn Tàu vào tháng 7.1969 có đoàn gồm 20 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu 5 và 1 y tá làm nhiệm vụ chăm sóc. Trong lúc di chuyển qua khu vực đường hành lang Trại Tiệp nằm dưới chân Gò Trại, xã Quế Ninh, đoàn bị địch phục kích, tất cả hy sinh. Sau đó địch lục soát, tiêu hủy hết giấy tờ tùy thân nên đến nay không ai biết được nhân thân, gia đình của các liệt sĩ…
Bước vội vào ngôi nhà chung trong Khu tưởng niệm liệt sĩ Trại Tiệp, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Khuê (trú xã Quế Ninh, Nông Sơn), xúc động chia sẻ: “Hôm nay cùng với người dân địa phương, tôi rất vui mừng khi công trình Khu tưởng niệm liệt sĩ Trại Tiệp được hoàn thành. Dù tên tuổi không thể xác định, song sự hy sinh ấy là bất tử, góp phần vào sự nghiệp giải phóng quê hương”. Nhiều năm trước, để tri ân 21 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Trại Tiệp, chính quyền và nhân dân xã Quế Ninh đã góp tiền xây dựng Bia tưởng niệm nhỏ để tiện bề hương khói. Hàng năm, người dân lấy ngày 26.7 làm ngày giỗ tập thể 21 liệt sĩ. Và rồi, tháng 2.2016, bà Nguyễn Thị Bích, một cán bộ hưu trí tại huyện Nông Sơn, cùng lãnh đạo Kho K55 (Quân khu 5) lên thắp nhang cho các liệt sĩ ở Trại Tiệp. Khi nhìn thấy Bia tưởng niệm các liệt sĩ được người dân đóng góp xây dựng từ năm 2012 đã xuống cấp, cũ nát, bà tự nguyện ủng hộ một phần kinh phí và kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ Trại Tiệp, với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Bà Bích chia sẻ, sau khi công trình hoàn thành vào tháng 9.2016, nhận thấy nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ, vì để vào được khu tưởng niệm phải băng bộ gần cây số đường rừng và phải lội qua con suối Sổ. Vì vậy, bà nghĩ phải làm con đường, xây cây cầu và một số hạng mục khác để nơi đây thực sự trở thành khu tưởng niệm.
Nghĩ là làm, bà Bích nhiều đợt lặn lội vào Nam ra Bắc để gặp gỡ bạn bè cũ, các nhà hảo tâm nhằm tiếp tục vận động hỗ trợ xây dựng công trình đường bê tông, cầu bắc qua suối Sổ, ngôi nhà chung, bếp Hoàng Cầm, ghế đá, trồng cây xanh,… để có được Khu tưởng niệm liệt sĩ Trại Tiệp trang trọng trên diện tích gần 400m2 như hôm nay. Tại lễ khánh thành khu tưởng niệm, bà Bích không nén được xúc động, nói: “Dù 21 anh chị liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi rừng hoang núi lạnh này, không một nấm mồ, nhưng tôi tin các anh chị cũng muốn có một mái nhà, với mọi sinh hoạt như khi mình còn sống. Xuất phát từ suy nghĩ đó, được sự giúp đỡ của nhiều người, khu tưởng niệm đã có được mái nhà chung, có bàn ghế đá, bàn cờ tướng, ống thuốc lào, có những chiếc võng Trường Sơn giăng mắc để các anh chị nằm nghỉ, có bếp Hoàng Cầm để các anh chị nấu ăn. Mỗi người đã gom góp ủng hộ để làm nên tất cả bằng tấm lòng mình, đền đáp sự hy sinh cao quý của các anh chị cho nước nhà hòa bình độc lập”.
Giờ đây, dưới chân đồi Gò Trại, xã Quế Ninh, một Khu tưởng niệm đàng hoàng, to đẹp đã hoàn thành giữa rừng núi, cách khu dân cư hơn 10km, được thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Đó không chỉ là nơi tưởng niệm anh linh 21 liệt sĩ hy sinh trên đường hành lang Trại Tiệp, mà còn thể hiện tấm lòng, đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây” của các thế hệ hôm nay đối với những hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ. Nói như lời của ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Ninh: “Sau thời gian ấp ủ, huy động mọi nguồn lực của nhà hảo tâm, với nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn”, hôm nay chúng ta đã ấm lòng hơn khi khu tưởng niệm được xây dựng khang trang, sạch đẹp, thoáng mát và thanh tịnh. Công trình được hoàn thành đã thể hiện tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm của thế hệ hôm nay và thỏa mãn được sự mong đợi của người dân”.
Cơn mưa rồi cũng tạnh. Một tia nắng mỏng xuyên qua lớp mây dày chiếu rọi giữa bốn bề tĩnh không. Và tôi tin rằng, 21 liệt sĩ hy sinh tại Trại Tiệp đã chọn Quế Ninh là quê hương thứ hai và xem khu tưởng niệm như ngôi nhà thân yêu của mình để làm nơi nương náu.
NGỌC DUYÊN