An toàn cho học sinh

CÔNG TÚ - ĐỨC TIỄN 10/09/2019 11:54

Giáo dục nâng cao ý thức và hành động đúng pháp luật khi tham gia giao thông cho lứa tuổi học trò chính là bảo vệ an toàn sinh mạng, sức khỏe cho thế hệ tương lai đất nước, hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).

Thực hành trên mô hình trực quan ATGT ở một trường mầm non huyện Đại Lộc. Ảnh: TÚ TIỄN
Thực hành trên mô hình trực quan ATGT ở một trường mầm non huyện Đại Lộc. Ảnh: TÚ TIỄN

Dạy điều đơn giản nhất

Năm 2002, Trường Tiểu học (TH) Nguyễn Công Sáu (Đại Lộc) là địa điểm đầu tiên mà Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh chọn hỗ trợ xây dựng khu giáo dục thực hành ATGT trong học đường. Nhờ có khu giáo dục trực quan, các thế hệ học trò của nhà trường về sau được thực hành ngay trên mô hình thực tế. Thầy Huỳnh Văn Bình - nguyên Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Công Sáu đánh giá, mô hình này tạo hứng thú cho các em tìm hiểu và ghi nhớ ngay. Sự trải nghiệm ấy giúp các em tự tin mỗi khi tham gia lưu thông thực tế một cách an toàn. Chẳng hạn, chúng ta căn dặn học sinh mỗi lần đi bộ trên đường phải đi bên phải, nhưng bên phải là bên nào các em sẽ không nắm rõ. Qua thực hành trực quan, các em sẽ biết đi bên tay phải sát lề đường theo chiều đi của mình. Nơi có đèn tín hiệu giao thông, đèn đỏ đã bật sáng mà sao mọi người không dừng lại? Đã được thực hành, học sinh chắc chắn sẽ không thắc mắc, bởi vì có chú cảnh sát giao thông đứng đó giơ gậy điều khiển thay cho đèn tín hiệu.

Từ thành công của mô hình, nhiều trường trên địa bàn tỉnh nhận được sự hỗ trợ xây dựng khu giáo dục thực hành ATGT, để các em tiếp thu kiến thức hiệu quả. Để xây dựng ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT trong lứa tuổi học trò, ngay từ đầu mỗi năm học, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường học họp với phụ huynh nhằm tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết không giao xe máy cho học sinh và cam kết đội mũ bảo hiểm (MBH) cho các em khi ngồi trên xe máy tham gia giao thông. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở giáo dục rất quan tâm lồng ghép tuyên truyền tại buổi ngoại khóa, chính khóa và coi đây là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá ý thức rèn luyện đạo đức của học sinh. Ở một số trường, các hoạt động được thực hiện bằng hình thức sân khấu hóa giúp các em dễ tiếp thu. Qua đây, việc chấp hành luật pháp và kỹ năng tham gia giao thông an toàn trở thành thói quen ở không ít học trò. Bên cạnh đó, các em sẽ trở thành thành viên tích cực “điều chỉnh” hành vi, nếu cha mẹ không tuân thủ quy tắc tham gia giao thông. “Lấy xe máy định chở con đến trường mầm non, nhưng nó không chịu ngồi lên do tôi không đội MBH. Đến ngã tư, tôi định vượt đèn đỏ thì con nhắc nhở ngay” - một phụ huynh cho biết.

Bảo vệ chính mình

Những vi phạm phổ biến của học sinh khi tham gia giao thông chủ yếu là đi xe đạp điện, xe máy điện không đội MBH; vượt đèn vàng, đèn đỏ; sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; đi hàng ba, hàng bốn… Phần lớn các em chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ về hậu quả của TNGT và chưa thật sự tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT. Ngược lại, nhiều bậc cha mẹ, người lớn vẫn cố tình không đội MBH cho con khi chở các cháu đi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện. Năm học 2019 - 2020, chương trình “Giữ trọn ước mơ” tiếp tục được triển khai, bằng việc Công ty Honda Việt Nam trao tặng 1.933.960 MBH cho học sinh vào lớp 1 trên phạm vi toàn quốc nhân dịp khai giảng. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định, hành động trên thể hiện tình yêu thương và lời cam kết mạnh mẽ của toàn xã hội trong việc bảo vệ sự an toàn sinh mạng và sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước, chung tay ngăn chặn và đẩy lùi những nỗi đau do TNGT. Theo thống kê, gần 12.000 người chết vì TNGT mỗi năm, đến năm 2018, con số này giảm còn hơn 8.200 người. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện. Chỉ thị đã tạo sự chuyển biến tích cực, nâng tỷ lệ đội MBH ở trẻ em (với độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi) từ 35% lên 52%.

Tuy nhiên, mỗi năm cả nước có khoảng 1.900 trẻ tử vong vì TNGT. Trong đó, nguyên nhân chính là do con em chưa chấp hành tốt việc đội MBH khi tham gia giao thông. Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh chia sẻ, điều đáng nói là mối nguy hiểm này hoàn toàn có thể tránh được nếu các bậc phụ huynh đội MBH cho trẻ em, một việc làm vô cùng thiết thực. Năm học mới 2019 - 2020, Quảng Nam có khoảng 28.256 học sinh bước vào lớp 1 được Công ty Honda Việt Nam trao tặng MBH. “Các bậc phụ huynh phải luôn nhắc nhở các con đội MBH mỗi khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Về phần mình, các em hãy nhắc nhở người thân, bạn bè và bản thân mình luôn chủ động đội MBH khi tham gia giao thông; góp phần không nhỏ cải thiện tình hình trật tự ATGT và không còn có những em bé, những bạn trẻ bị mất đi cuộc sống tươi đẹp do TNGT gây ra” - ông Lê Văn Sinh khuyến nghị.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An toàn cho học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO