An toàn cho môi trường du lịch

THÂN VĨNH LỘC 28/09/2015 09:29

Năm 1999, đánh dấu bước ngoặt lớn của ngành du lịch Quảng Nam khi Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới. Qua gần 16 năm phát triển, du lịch Quảng Nam đã có bước tiến vượt bậc với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm hơn 9%. Tuy vậy, tác động của du lịch cũng làm phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn.

  • GÓP Ý DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII VÀ ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XXI

Tại Mỹ Sơn, Ban quản lý di tích phối hợp với ngành giáo dục địa phương tuyên truyền giá trị di sản đến học sinh. Ảnh: T.CHÂU
Tại Mỹ Sơn, Ban quản lý di tích phối hợp với ngành giáo dục địa phương tuyên truyền giá trị di sản đến học sinh. Ảnh: T.CHÂU

Tác động tiêu cực

Không phủ nhận hiệu quả rõ nét nhất của du lịch mang lại cho các địa phương chính là tạo ra sinh kế việc làm mới, góp phần mang đến thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Tại Hội An, lợi ích từ ngành thương mại, du lịch, dịch vụ đã đóng vai trò rất lớn trong tổng cơ cấu nền kinh tế thành phố khi chiếm gần 65% (năm 2014) với hơn 4,64 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm trực tiếp cho hàng nghìn lao động địa phương. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những tác động tiêu cực do hoạt động du lịch mang lại cũng ngày càng rõ nét, thể hiện trên các mặt tự nhiên và xã hội. Ông Nguyễn Sự - Chủ tịch HĐND TP.Hội An từng nhìn nhận, thách thức của du lịch Hội An hiện nay chủ yếu tập trung vào 3 vấn đề là môi trường xã hội, môi trường tự nhiên và môi trường con người. Ngoài chất lượng phục vụ du khách ở một vài nơi không tốt, việc kiểm soát hoạt động kinh doanh du lịch cũng còn nhiều bất cập. Đặc biệt, du lịch phát triển cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến nếp sống người dân theo hướng thị trường hóa; thay đổi biến dạng dẫn đến tình trạng chụp giựt, cò mồi, níu kéo, cướp giật; sự phân biệt đối xử giữa du khách quốc tế và khách nội địa… làm xấu đi hình ảnh Hội An. “Có nhiều thách thức đang tác động tiêu cực đến môi trường du lịch Hội An nhưng theo tôi lớn nhất chính là biển bị xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng. Nếu không có những giải pháp đồng bộ sẽ ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến chiến lược phát triển du lịch địa phương những năm đến” - ông Sự nói.

Những cảnh báo về tác động của du lịch đến môi trường tự nhiên và nhân văn không chỉ xuất hiện ở Hội An mà còn ở những địa phương làm du lịch trong cả nước. Riêng tại Quảng Nam, ngoài phố cổ Hội An, sự tác động từ du lịch cũng bắt đầu xuất hiện tại Cù Lao Chàm và một số điểm du lịch cộng đồng, miền núi, làng quê. Việc khai thác tận cùng các nguồn lực tự nhiên và nhân văn phục vụ du lịch đã dẫn đến những tác động xấu về môi trường cũng như phản ứng của người dân, nhất là những người không được hưởng lợi trực tiếp từ du lịch… Tất cả đã đặt ra bài toán nan giải cần giải quyết để xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho điểm đến.

Chấn chỉnh môi trường du lịch  

Có thể nhận thấy, những tác động tiêu cực từ du lịch ít nhiều đã xuất hiện tại các điểm tham quan trong tỉnh. Để giải quyết vấn đề này không hề dễ dàng vì liên quan đến nhiều cấp ngành, địa phương. Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, vấn đề an ninh và môi trường không phải thuộc riêng ngành du lịch mà còn có mối quan hệ chặt chẽ với các địa phương. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường chức năng thanh tra du lịch và giúp đỡ du khách giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi thông qua Trung tâm Hỗ trợ du khách, Sở VH-TT&DL phối hợp với địa phương và các cấp ngành liên quan cùng tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh để hướng đến xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và bền vững. “Vấn đề môi trường dù tự nhiên hay xã hội đều liên quan trực tiếp đến địa phương và các ngành nên bản thân một mình ngành văn hóa du lịch thì không thể giải quyết được gì nhiều” - ông Hài nói. Công tác phối hợp gìn giữ môi trường đã được một vài nơi triển khai rất tốt, rõ nét nhất là tại Khu du lịch Mỹ Sơn với việc phối hợp giữa Ban quản lý di tích với ngành kiểm lâm trong phòng chống cháy rừng hay với ngành giáo dục địa phương nhằm tuyên truyền những giá trị di sản đến học sinh, nhất là thái độ ứng xử của thế hệ trẻ với di sản của tiền nhân.

Hiện tượng chèo kéo du khách đã làm xấu đi hình ảnh du lịch Quảng Nam. Ảnh: V.LỘC
Hiện tượng chèo kéo du khách đã làm xấu đi hình ảnh du lịch Quảng Nam. Ảnh: V.LỘC
Nếu như ô nhiễm môi trường tự nhiên là do tác động của thiên nhiên và quá trình đô thị hóa nhanh dẫn đến vấn đề xử lý nước thải, rác thải chưa theo kịp, thì ô nhiễm môi trường xã hội chủ yếu do lượng khách gia tăng quá đông làm phát sinh nhu cầu về buôn bán ăn uống, bán hàng lưu niệm, chèo kéo biến tướng.
(Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An)

Tại Hội An - trung tâm du lịch lớn của Quảng Nam và miền Trung, dù thời gian qua đã có nhiều giải pháp, biện pháp được thành phố triển khai nhưng dường như vẫn chưa triệt để. Ngoài vấn đề môi trường tự nhiên cần có những nghiên cứu khoa học và giải pháp đồng bộ lâu dài thì điều quan tâm nhất chính là môi trường xã hội. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, nếu như ô nhiễm môi trường tự nhiên là do tác động của thiên nhiên và quá trình đô thị hóa nhanh dẫn đến vấn đề xử lý nước thải, rác thải chưa theo kịp, thì ô nhiễm môi trường xã hội chủ yếu do lượng khách gia tăng quá đông làm phát sinh nhu cầu về buôn bán ăn uống, bán hàng lưu niệm, chèo kéo biến tướng. “Ban đầu thành phố cho phép kinh doanh ăn uống các món ăn truyền thống trên một số đường trong phố cổ như mỳ Quảng, chè, tàu xá, xí mà…  Nhưng bây giờ khách quá đông, người ta mở rộng kinh doanh lấn chiếm cả vỉa hè. Chưa nói, trước đây mình yêu cầu ghế ngồi làm bằng gỗ nhưng dần dần họ bày cả ghế nhựa ra đường làm phá vỡ không gian phố cổ. Rồi vấn đề “hội chứng” lồng đèn khi khách sạn, nhà hàng nào cũng treo, nhất là những nhà hàng dọc đường Nguyễn Phúc Chu, nên sắp tới cũng phải quy hoạch lại” - ông Sơn cho hay.

Ngoài ra, việc sắp xếp lại hàng hóa, bảng hiệu theo đúng quy định số lượng hay kiểm soát tình trạng “chảy máu” di tích, thay đổi chủ sở hữu dẫn đến thay đổi chức năng và không gian tâm linh của ngôi nhà làm mất đi cái hồn của phố cũng cần phải chú trọng. “Thành ủy và UBND thành phố cũng đã quyết tâm sẽ tập trung cho vấn đề sắp xếp lại môi trường trong khu phố cổ. Trước mắt, thành phố đã có chỉ thị cấm kinh doanh bằng loa và xe đẩy. Nói chung vấn đề nào cũng nan giải cả, nhưng phải giải quyết để tạo môi trường du lịch Hội An lành mạnh. Tuy vậy, chủ yếu vẫn là tuyên truyền, tập trung vào những người từ nơi khác đến kinh doanh trong phố cổ. Thứ hai, kiên quyết xử lý, kể cả tịch thu các mặt hàng kinh doanh không đảm bảo cảnh quan di tích. Riêng với những hộ trong hẻm kiệt ra buôn bán, thành phố sẽ hướng dẫn, chuyển đổi ngành nghề cho họ, tìm cách bố trí việc làm hoặc tìm địa điểm bố trí kinh doanh bên ngoài phố cổ, vừa giải quyết được đời sống vừa hạn chế ảnh hưởng đến di tích” - ông Sơn cho biết.

THÂN VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An toàn cho môi trường du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO