Bên cạnh triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh do chủng mới của vi rút corona (Covid-19), bắt đầu từ việc kiểm soát, khám sàng lọc sức khỏe y tế, vận động đồng bào hạn chế tổ chức các hoạt động thăm thân, kết nghĩa,… cửa ngõ biên giới tuyến miền núi của tỉnh luôn được đặt trong tâm thế sẵn sàng, đảm bảo an toàn trước mọi tình huống.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Nam Giang vào cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống dịch Covid-19 đã yêu cầu tăng cường công tác kiểm soát, giám sát một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt cửa ngõ biên giới, nhằm phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đặt tình huống Nam Lào có dịch
Một kịch bản mới được đưa ra ngay tại buổi làm việc, trong đó đặt tình huống các tỉnh của Nam Lào xảy ra dịch Covid-19, hàng nghìn công nhân, doanh nghiệp và Việt kiều sẽ đổ xô trở về nước qua đường cửa khẩu. Khi đó, mức độ phức tạp sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với kịch bản chưa có dịch như hiện nay.
Ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, từ những thuận lợi về đường sá, lưu lượng phương tiện và du khách qua lại mỗi ngày tại Nam Giang khá đông đúc. Điều đó đang đặt ra nhiều lo ngại về nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại địa phương. Một nỗi lo khác cũng không kém phần tiềm ẩn “rủi ro” với Nam Giang, chính là Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc, nơi thông giao với huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào) - hiện có rất đông chuyên gia, lao động Trung Quốc sinh sống và làm việc ở khu vực biên giới. Trong khi đó, đây lại là địa bàn có mối quan hệ thân tộc lâu năm giữa đồng bào giáp biên của Việt Nam và Lào, với những cuộc gặp gỡ thăm thân, kết nghĩa thường xuyên được tổ chức. Trước những nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh, để đảm bảo an toàn tại khu vực biên giới, thời gian qua, bên cạnh phối hợp với lực lượng biên phòng, hải quan và chỉ đạo chính quyền các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cơ sở, hạn chế việc đi lại thăm thân giữa đồng bào hai bên biên giới, huyện Nam Giang còn xây dựng các phương án phòng ngừa, chủ động theo 3 tình huống của kịch bản từ chưa có dịch, có dịch cho đến dịch lây lan trong cộng đồng
“Từ các kịch bản này, chúng tôi đã thiết lập 3 điểm cách ly, đảm bảo các quy trình bố trí cách ly, điều trị tại chỗ theo sơ đồ khép kín gồm: khu vực cửa khẩu, khu vực Chà Vàl và khu vực vùng thấp - được đặt tại Trung tâm Y tế huyện, với đầy đủ điều kiện về phòng ốc, thuốc men điều trị bệnh nhân” - ông Sơn nói.
Đánh giá cao công tác phòng chống dịch của Nam Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân lưu ý, mọi công tác ứng phó phải được phối hợp một cách chặt chẽ, đồng bộ, nhất là khâu kiểm soát người dân qua lại tại khu vực biên giới thông qua đường tiểu ngạch, đường cửa khẩu, nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng miền núi. Theo đó, cùng với triển khai kiểm soát nghiêm ngặt toàn bộ khu vực biên giới, các lực lượng làm nhiệm vụ chuyên trách tại cửa khẩu cần tăng cường công tác phối hợp với lực lượng hải quan, công an của Lào để nắm bắt tình hình dịch bệnh, cũng như lịch trình đi lại của người dân đến đăng ký xuất nhập cảnh qua biên giới để có biện pháp xử lý đúng theo quy định pháp luật của mỗi nước và thông lệ quốc tế.
“Bên cạnh làm tốt công tác kiểm soát phòng chống dịch như hiện nay, chúng ta cũng cần đặt ra tình huống các tỉnh Nam Lào có dịch Covid-19, khi đó cả hàng nghìn công nhân, doanh nghiệp, Việt kiều trở về nước, việc cách ly đối với các trường hợp đến từ vùng dịch tễ phải được tính toán đảm bảo theo quy trình. Trước tình huống này, Sở Y tế - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu xây dựng các phương án bố trí cách ly, thu dung và điều trị ở mức độ kịch bản cao hơn, đảm bảo theo quy trình kiểm dịch y tế quốc tế. Ngoài cách ly tại chỗ ở Nam Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc tại Đại Lộc, cần thiết tỉnh cũng sẽ bố trí ở khu cách ly tập trung tại Trung đoàn 885, cùng một số điểm cách ly khác phù hợp” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh.
Ưu tiên trang thiết bị phòng dịch
Kiểm soát chặt chẽ đồng bào Mông tại khu vực biên giới
Theo báo cáo của huyện Nam Giang, cả thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán, một số đồng bào Mông ở các tỉnh phía Bắc đã tìm đến khu vực biên giới Việt Nam - Lào để khai thác dược liệu. Theo đó, từ ngày 28.1 - 3.2, qua kiểm tra, ngành chức năng địa phương phát hiện 6 vụ/22 người và đã xử lý 5 vụ/20 người tự ý vào rừng khai thác trái phép dược liệu cây sâm tam thất, xử phạt hành chính hơn 8 triệu đồng. Toàn bộ số người này đã được đưa ra khỏi khu vực biên giới. Qua lời khai, hiện có khoảng 20 - 30 người còn đang ở trong rừng thuộc địa bàn huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào) để tìm sâm tam thất.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát và tiến hành xử lý một số cá nhân liên quan nhằm đảm bảo an toàn tại khu vực biên giới, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân lưu ý lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật, nhất là trong việc kiểm tra sàng lọc sức khỏe y tế, phòng ngừa với dịch Covid-19.
Trung tá Đỗ Xuân Trinh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang cho biết, là địa bàn thông thương, qua lại giữa công dân hai nước Việt Nam - Lào, thời gian qua, số lượng người và phương tiện xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua cặp Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc tương đối đông, chủ yếu là công nhân và tiểu thương buôn bán, làm việc tại khu vực giáp biên. Trong thời điểm dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp, việc kiểm soát, xử lý các biện pháp phòng chống dịch bệnh được nâng cao theo quy trình kiểm dịch quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay đơn vị mới chỉ có 1 máy phun tiêu độc khử trùng loại công suất nhỏ, không đáp ứng nhu cầu theo quy mô lớn; trong khi cơ số thuốc sát trùng Cloramin B khá hạn chế, gây khó khăn trong việc phòng dịch theo quy trình tại chỗ.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân giao Sở Y tế ưu tiên tăng cường thêm máy phun tiêu độc khử trùng; máy đo thân nhiệt loại tốt cho các đơn vị làm nhiệm vụ tại cửa khẩu, nhằm đảm bảo việc phòng chống dịch, đem lại sự an toàn cho người dân tại cửa ngõ biên giới. Ngoài ra, Sở Y tế cũng phải khẩn trương tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn và trang bị cơ số thuốc cho ngành y tế địa phương theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân thống nhất với đề xuất thành lập Đội kiểm dịch y tế Covid-19 hoạt động tại Cửa khẩu Nam Giang. Đồng thời giao cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang có trách nhiệm thành lập lực lượng liên ngành, bao gồm cán bộ y tế của khoa Kiểm dịch quốc tế (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh); Trung tâm Y tế huyện phối hợp với quân y cửa khẩu, cán bộ hải quan làm nhiệm vụ tại khu vực cửa khẩu. Theo đó, ngoài nhiệm vụ kiểm soát đo thân nhiệt, sàng lọc dịch bệnh ban đầu, Đội kiểm dịch còn tiến hành các bước kiểm tra sức khỏe đối với hành khách xuất nhập cảnh và xử lý, phun thuốc tiêu độc khử trùng đối với các loại hàng hóa, phương tiện đi lại khu vực biên giới.