An toàn đập thủy điện mùa mưa lũ: Dự lường cho tình huống xấu

ALĂNG NGƯỚC 24/10/2016 08:41

Cùng với tập trung xây dựng phương án an toàn đập và các hồ chứa trên hệ thống thủy điện ở miền núi, chủ đầu tư cùng các địa phương cần lên “kịch bản” dự lường cho tình huống xảy ra lũ, đặc biệt là lũ lớn bất ngờ.

Không chủ quan

Lâu nay, vấn đề an toàn đập thủy điện trong mùa mưa lũ luôn được dư luận quan tâm. Trước hàng loạt sự cố thủy điện xảy ra trong thời gian vừa qua càng khiến người dân lo lắng và mong muốn có được câu trả lời từ những người có trách nhiệm để giúp họ yên tâm. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, trước những thực trạng về nguy cơ lũ quét, lũ gây ngập lụt tại các vùng miền núi và hạ du lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều cuộc làm việc với đại diện các nhà máy thủy điện và chính quyền địa phương nhằm tìm ra giải pháp tối ưu để vùng hạ du được đảm bảo an toàn tuyệt đối, kể cả khi xảy ra sự cố tiêu cực từ các công trình thủy điện, cũng như trước hiện tượng thời tiết cực đoan như hiện nay. Do vậy, phải hoàn toàn chủ động ứng phó với bão lũ, không để đến khi có tình huống bất ngờ xuất hiện thì “đùn đẩy nhau”, rồi chờ ý kiến từ trung ương. “Phải đặt ra ngay từ bây giờ và thống nhất xây dựng phương án linh hoạt bổ sung quy chế để ứng phó khi ́sự cố xảy ra. Tuyệt đối không được chủ quan trước diễn biến phức tạp của thời tiết” - ông Thanh nói.

Đập thủy điện Sông Tranh 2, Bắc Trà My. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đập thủy điện Sông Tranh 2, Bắc Trà My. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Cho rằng quy chế phối hợp giữa các nhà đầu tư, địa phương và ban ngành của tỉnh liên quan đến quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định 1357 của Chính phủ vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc và chưa phù hợp với thực tiễn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu cần tiếp tục thảo luận và tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm thống nhất phương án an toàn đập, sẵn sàng ứng phó với mưa lũ. Theo đó, để tìm được “tiếng nói chung” trong xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương, đơn vị, ngoài đảm bảo an toàn cho đập thủy điện ở miền núi và tăng tính chủ động cho vùng hạ du, chủ hồ thủy điện và địa phương vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng cần xây dựng nhiều kịch bản cụ thể, đảm bảo tính tương tác và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, kỹ năng tránh lũ đến người dân.

Ông Lê Đình Bản - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của các chủ hồ là tình trạng mưa cực đoan liên tục xuất hiện, khiến công tác dự báo cũng gặp nhiều trở ngại, rủi ro. Trong khi đó, ở một số vùng miền núi nhiều khu vực không có sóng để đặt hệ thống báo động. “Trách nhiệm của chủ hồ là dự báo lượng mưa về hồ chứa. Tuy nhiên, chúng tôi không thể làm được điều này nên đã hợp đồng với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ để tìm đặt trạm đo mưa tại một số khu vực. Trong phạm vi 682km2, chúng tôi đã lắp đặt 5 trạm, so với tiêu chuẩn thủy văn thì vượt, nhưng trên thực tế phải cần đến 5 trạm nữa. Trong khi đó, nhiều vùng hiện nay không tìm ra sóng, vì thế cần tăng cường các trạm BTS Viettel để đảm bảo độ phủ sóng, khi đó dự báo sẽ tốt hơn” - ông Bản nói.

“Kịch bản” an toàn cho hạ du

Câu hỏi để ngỏ...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, tất cả “kịch  bản” về an toàn đập thủy điện, cũng như ứng phó với ngập lụt vùng hạ du đều phải được xây dựng trên phương án cụ thể, rõ ràng. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền cho phép, các chủ hồ cần kịp thời báo cáo lên cấp trên để tìm hướng xử lý. “Giả sử cùng một lúc nước ở hồ chứa dâng cao lên báo động 3 hoặc xấp xỉ báo động 3, trong khi tại địa phương mưa lớn kéo dài, bên kia sông Bung xả nước về, thì xử lý thế nào?” - ông Thanh đặt câu hỏi với đại diện các chủ hồ trong một cuộc họp mới đây. Tuy nhiên, chưa có câu trả lời thỏa đáng trước chất vấn của Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với quy trình vận hành hồ chứa và cách xử lý trước tình huống bất ngờ do mưa lũ.

Quyết định 1357 của Chính phủ về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông  Vu Gia - Thu Bồn ban hành từ tháng 9.2015, được áp dụng cho các hồ các hồ: A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A và Sông Bung 5. Theo ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, nhiều năm qua địa phương luôn chủ động các phương án ứng phó với mưa lũ, nhất là lũ bất thường do các hệ thống thủy điện xả về. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du, địa phương cũng đã xây dựng nhiều kịch bản ứng phó, phối hợp với Công ty Thủy điện Sông Tranh tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ và nắm bắt kịp thời để tránh lũ khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, ông Hiệu băn khoăn, mặc dù các kịch bản ứng phó thường xuyên được xây dựng, nhưng trên thực tế nhiều năm nay tại Quảng Nam nói chung và địa bàn Tiên Phước nói riêng không xảy ra hiện tượng mưa lũ bất thường, khiến nhiều kịch bản ứng phó chưa được “kiểm chứng” cụ thể. Do vậy, ông Hiệu đề nghị, ngoài tính toán tích hợp quy trình vận hành, phía thủy điện cũng cần dự báo chính xác các khu vực bị ảnh hưởng tại hạ du, cũng như mực nước dâng cao tại các điểm ngập là bao nhiêu, để người dân chủ động trong việc phòng tránh lũ an toàn.

Ông Nguyễn Văn Lân - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, hệ thống camera đã được lắp đặt sẽ giám sát toàn bộ quy trình vận hành điều tiết nước, và cung cấp hình ảnh cho tất cả đơn vị có liên quan, từ trung ương đến địa phương. Cũng theo ông Lân, thông thường khi mực nước hồ đạt cao trình (172 - 175m), nếu xảy ra sự cố bất thường, trong vòng 24 - 48 giờ đồng hồ sẽ rút dần mực nước về cao trình đối lưu (165m). Bày tỏ khó khăn trong công tác vận hành dự báo đón đỉnh lũ, do thời điểm đỉnh lũ thường về từ 1 - 3 giờ sáng, ông Lân góp ý các chủ hồ cần phải tính toán thật kỹ, lường trước sự việc và kịp thời xử lý một cách an toàn nhất, hạn chế ngăn mức nước điều tiết gây ngập lụt, ảnh hưởng đến đời sống và tính mạng người dân vùng hạ du.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An toàn đập thủy điện mùa mưa lũ: Dự lường cho tình huống xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO