Trong điều kiện thời tiết bình thường, người tham gia giao thông vốn luôn đối mặt với những nguy cơ mất an toàn giao thông, do một bộ phận người đi đường chưa tuân thủ quy tắc an toàn, hạ tầng không theo kịp với tốc độ gia tăng của xe cộ, điều kiện xe hỗn hợp cùng lưu thông chưa đảm bảo yêu cầu về mặt kỹ thuật và nhiều yếu tố khách quan khác. Vào mùa mưa bão, nguy cơ rủi ro sẽ tăng cao hơn rất nhiều, nên mọi người cần phải chú ý để đảm bảo an toàn cho chính mình, nhất là người điều khiển xe đạp, xe máy.
Theo các chuyên gia về an toàn giao thông, nếu cần thiết phải lưu thông trong lúc trời mưa gió bằng xe máy, người dân nên chọn loại áo mưa phù hợp, tốt nhất là gọn gàng chứ không quá rộng, kẻo tà áo bị vướng vào bánh xe.
Ngoài việc giúp hạn chế bị ướt, một áo mưa vừa cỡ sẽ tránh bị vướng víu, cản gió, bị phất lên che khuất tầm nhìn dẫn đến tai nạn không đáng có. Mũ bảo hiểm phải kín đầu, có tác dụng bảo vệ đầu khỏi các chướng ngại vật có thể bay hoặc va đập vào mặt, mắt lúc đang chạy xe.
Đặc biệt, dù trời gần mưa hoặc bắt đầu rơi hạt, người điều khiển xe máy cần tuân thủ quy định tốc độ cho phép, không vội vã lao đi sẽ mất kiểm soát tay lái. Lúc đó, gặp chướng ngại vật lại phanh gấp, mà hệ thống phanh giảm tác dụng, còn độ ma sát cũng giảm do mặt đường trơn trợt sẽ tự té ngã hoặc tông trực diện gây thương vong là điều khó tránh khỏi.
Việc bật đèn xe sáng, bật đèn xi nhan khi muốn sang đường sẽ giúp cho người đối diện sớm nhận ra giữa cơn mưa xối xả, để mà giữ khoảng cách an toàn và kịp thời xử lý tình huống bất ngờ thật chuẩn xác.
Do hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, nhiều tuyến đường bị hư hỏng tạo “ổ gà”, “ổ voi” gây mất an toàn giao thông. Nước mưa làm ngập chỗ sụt lún, tạo nên cạm bẫy nguy hiểm.
Chính vì vậy, người điều khiển phương tiện nếu lạ đường phải đi chậm và quan sát kỹ nhằm tránh rủi ro đang ẩn dưới mặt nước. Người chạy xe máy phía sau ô tô cũng cần giữ khoảng cách, tránh sóng nước do ô tô đi qua tác động ngược vào xe máy gây mất thăng bằng, làm té ngã.
Thực tế cho thấy, có tình trạng người vừa đi xe máy vừa cầm ô (dù) che cho khỏi bị nước mưa làm ướt, hoặc che nắng, nhất là phụ huynh đi đón con nhỏ. Đây là thói quen cần được loại bỏ, bởi nếu gặp gió sẽ khiến ô bị bật qua lại, tay lái chao đảo theo. Đó là chưa kể, ô có thể bị lật ngang che mắt người cầm lái, dẫn tới mất phương hướng và tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn trên đường.
Chính vì vậy, pháp luật đã quy định người đi xe máy, kể cả người ngồi phía sau không được sử dụng ô (dù). Nếu không tuân thủ, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng; chở người ngồi trên xe sử dụng ô (dù) bị xử phạt 100 - 200 nghìn đồng.