An toàn đường thủy nội địa: Còn nhiều nỗi lo!

N.B 07/07/2023 07:30

Nỗ lực tăng cường quản lý, chấn chỉnh, xử lý vi phạm an toàn giao thông đường thủy nội địa của các cấp, các ngành là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn đường thủy nội địa còn đó nhiều nỗi lo, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước trong lòng hồ thủy lợi, thủy điện cần phải tuân thủ quy định. trong Ảnh: Hoạt động phục vụ du khách tại lòng hồ Phú Ninh. Ảnh: N.B
Việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước trong lòng hồ thủy lợi, thủy điện cần phải tuân thủ quy định. trong Ảnh: Hoạt động phục vụ du khách tại lòng hồ Phú Ninh. Ảnh: N.B

Nỗi lo cũ

Tròng trành giữa con nước, những chuyến đò ngang đưa khách qua sông, nhưng phần lớn không ai mặc áo phao. Chỉ khi thấy lực lượng chức năng, chủ bến hoặc người lái đò mới đưa áo phao “hối” khách mặc vào.

Theo Sở GTVT Quảng Nam, đây là thực trạng chung ở hầu hết bến khách ngang sông, mặc dù chủ bến hay chủ phương tiện đều đã ký cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) và từng dự nhiều cuộc tuyên truyền, vận động về lợi ích của việc mặc áo phao, dùng dụng cụ nổi. Chủ đò bến Duy Tân (huyện Duy Xuyên) từng biện minh rằng, mình đã đưa áo phao nhưng hành khách không chịu mặc, thậm chí còn từ chối nhận.

Một thanh tra viên của Thanh tra Sở GTVT chia sẻ, qua kiểm tra, lực lượng chức năng nhận thấy còn đó không ít hạn chế trong quản lý nhà nước lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ).

Như ở địa bàn Núi Thành, phương tiện hoạt động tại các bến khách ngang sông Tam Giang 1, Tam Hòa 1 và Tam Hòa 2 hết hạn kiểm định, người lái không có chứng chỉ chuyên môn phù hợp với loại phương tiện điều khiển. Đáng lo là chưa khắc phục xong vi phạm, chủ bến thỉnh thoảng lại lén lút chở khách.

Tại khu vực bến Bạch Đằng (Hội An), hay trên các tuyến sông Hội An và Thu Bồn chảy qua địa phận Hội An, Điện Bàn và Duy Xuyên, chủ phương tiện vận tải khách du lịch hoạt động song bố trí không đảm bảo định biên thuyền viên, có phương tiện hết hạn kiểm định.

UBND tỉnh quy định, công tác quản lý phương tiện thủy nội địa thô sơ (có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người hay bè) thuộc trách nhiệm của địa phương cấp huyện.

Báo cáo với UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh vừa qua, Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Lê Quang Hiếu cho biết, trừ các huyện Đại Lộc, Thăng Bình, Bắc Trà My và TP.Hội An, các địa phương còn lại không có thống kê, báo cáo về quản lý phương tiện. Các huyện Đại Lộc, Thăng Bình và Bắc Trà My tuy có thống kê, báo cáo nhưng chưa đảm bảo đầy đủ về nội dung quản lý, như thiếu kẻ số đăng ký, dấu mớn nước phương tiện…

Cần sớm chấn chỉnh

Còn nhớ năm 2020, 2 vụ tai nạn lật ghe trên sông Vu Gia đoạn qua xã Đại Cường (Đại Lộc) và sông Thu Bồn, địa phận xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) khiến 11 người tử vong. Ban ATGT tỉnh xác nhận, cả 2 ghe có công suất nhỏ, không đăng ký, đăng kiểm, chở quá số người, người lái không có giấy phép, người trên ghe đều không mặc áo phao.

Hai vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng kể trên đã từng gióng lên hồi chuông cảnh báo về độ mất an toàn của phương tiện thủy thô sơ khi lưu thông trên sông nước, đến nay vẫn còn là bài học nóng hổi. Tuy nhiên, công tác quản lý đang bị bỏ ngỏ, nhất là ghe được người dân dùng đi lại sản xuất, thu hoạch nông sản, đánh bắt cá trên sông, lòng hồ thủy lợi, thủy điện.

Tại Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, Hội An), có 9 phương tiện thủy chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn quy định do hết hạn kiểm định, cấp đăng kiểm phương tiện chưa đạt cấp SB nhưng vẫn lén lút vận chuyển khách quanh đảo.

Ngành chức năng hiện có thêm nỗi lo khác, đó là việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước để phục vụ khách du lịch. Qua kiểm tra phát hiện tại vùng nước khu vực Bãi Ông (xã đảo Tân Hiệp, Hội An) có hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép vùng hoạt động phục vụ theo quy định.

Một số địa phương khác cũng tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước, song chưa chấp hành đúng Luật Giao thông ĐTNĐ cùng các nghị định liên quan, nhất là Nghị định số 48 ngày 5/6/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước.

Để tăng cường công tác quản lý, Sở GTVT vừa có văn bản đề nghị cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương hướng dẫn tuyên truyền cho doanh nghiệp, chủ phương tiện, thuyền viên khi đưa phương tiện thủy nội địa tham gia vận chuyển hành khách hoặc phương tiện vui chơi giải trí dưới nước phải tuân thủ quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm theo Nghị định 139 ngày 31/12/2021 của Chính phủ.

Ngành chức năng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện tiếp tục rà soát các loại phương tiện thủy hiện có; tuyên truyền, yêu cầu các chủ phương tiện làm thủ tục đăng ký, kiểm định.

Các địa phương phải khẩn trương tăng cường quản lý bến khách ngang sông, phương tiện thuộc phạm vi, thẩm quyền theo quy định pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh. Chú trọng kiểm tra, đảm bảo an toàn về phương tiện, người điều khiển, trang bị cứu sinh, trọng tải chở khách; xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An toàn đường thủy nội địa: Còn nhiều nỗi lo!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO