An toàn giao thông cho học sinh

CÔNG TÚ 08/09/2020 09:34

Hiểm họa tai nạn, mất an toàn giao thông (ATGT) luôn rình rập đối với học sinh (HS). Do đó, việc chủ động phòng tránh rủi ro cần có sự vào cuộc của chính bản thân HS, nhà trường và phụ huynh.

Cảnh ùn tắc giao thông giờ tan học trước cổng một trường tiểu học ở TP.Tam Kỳ. Ảnh: C.T
Cảnh ùn tắc giao thông giờ tan học trước cổng một trường tiểu học ở TP.Tam Kỳ. Ảnh: C.T

Hiểm họa rình rập

Tùy theo độ tuổi, pháp luật về trật tự ATGT quy định, để đến trường hằng ngày, HS có rất nhiều lựa chọn như đi bộ, đi xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện hoặc xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50 phân khối. Dù vậy, trên hành trình di chuyển, các em sẽ phải đối diện bao hiểm họa rình rập trước dòng xe cộ qua lại; trong số đó, chắc hẳn có không ít phương tiện khác cùng lưu thông chưa tuân thủ các quy tắc an toàn.

Chẳng hạn, người lái xe tải phóng nhanh, vượt ẩu; bị phân tán sự tập trung do vừa cầm vô lăng vừa nghe điện thoại sẽ không để ý phía trước, hai bên và phía sau là những cô cậu học trò đang vô tư vừa đạp xe vừa vui vẻ cười đùa.

Ngay cả đi bộ, khi qua đoạn lề đường, vỉa hè bị người dân lấn chiếm làm nơi họp chợ tự phát, buôn bán, tập kết vật liệu, các em đành bước xuống lòng đường nên dễ bị xe cộ va quẹt. Giờ tan trường, nhiều HS phải “chen lấn” giữa dòng người và phương tiện ùn tắc, nguyên do các bậc phụ huynh chờ đón con cái trước cổng không theo quy tắc nào.

HS cũng là tác nhân tạo nên sự mất ATGT cho chính mình. Điển hình như qua đường vội vã, thiếu quan sát, hay tụ tập thành nhóm dưới lòng đường gây cản trở giao thông, đạp xe ngược chiều, dàn hàng ngang… Ven quốc lộ 1, vẫn còn tình trạng HS bất chấp xe cộ đông đúc trèo qua dải phân cách để sang đường. Có không ít HS chưa đủ tuổi vẫn đi xe máy điện, thậm chí xe máy phân khối lớn đến trường, tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn.

Vụ tai nạn xảy ra vào đầu tháng 6.2018 khiến 2 HS ở xã Đại Nghĩa (Đại Lộc) tử vong, 1 em bị thương tật, đến nay vẫn còn khiến nhiều người thương tâm khi nhắc nhớ. Nguyên nhân là các nạn nhân đi chung mô tô có dung tích xi-lanh trên 50cm3, đầu không đội mũ bảo hiểm (MBH), đã không làm chủ được tay lái, tông vào máy trộn bê tông để trong sân của nhà hộ dân ven đường.

Tăng cường trách nhiệm

Nhân dịp khai giảng năm học 2020 - 2021, được sự ủy nhiệm của Ủy ban ATGT quốc gia và Công ty Honda Việt Nam, Ban ATGT tỉnh đã trao tặng 27.904 MBH cho học sinh lớp Một toàn tỉnh. Sự kiện này diễn ra tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP.Tam Kỳ). Theo ông Lê Ngọc Sơn - Phó Chánh Thanh tra phụ trách ATGT (Thanh tra Sở GTVT), những năm qua, Honda Việt Nam là đơn vị đồng hành cùng với Ủy ban ATGT quốc gia trong hoạt động tặng mũ bảo hiểm cho học sinh trên toàn quốc, vì mục tiêu giảm thiểu hậu quả của tai nạn giao thông.

Thời gian qua, Ban ATGT tỉnh cũng như ngành chức năng và nhà trường đã rất quan tâm đến giáo dục văn hóa giao thông nhằm góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật về ATGT và ý thức tham gia giao thông cho HS. Ở nhiều nơi, địa phương và nhà trường tích cực huy động nguồn lực xây dựng khu thực hành giáo dục ATGT ngay trong khuôn viên trường. Nhưng nhìn chung, công tác này vẫn chưa mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là tại không ít cơ sở giáo dục nặng về chuyên môn, ít quan tâm đến rèn luyện kỹ năng sống cho HS.

Việc kiểm tra, kiểm soát HS đội mũ bảo hiểm, kể cả mũ đã được các mạnh thường quân tâm huyết trao tặng, cũng không thấy chú trọng. Thành thử, nhiều HS đã vào lớp 1 vẫn không đội mũ bảo hiểm khi phụ huynh chở bằng xe đạp điện, xe máy điện hoặc xe máy đến trường. Ở các trường trung học, có không ít HS đi xe máy đến gần trường rồi vào gửi nhà dân, nhà trường dù biết nhưng không mấy chú tâm, hoặc ngại va chạm đã không chủ động phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, có biện pháp xử lý phù hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của HS còn hạn chế; lỗi này là do chính các em và nhất là cách thức giáo dục của nhà trường. Song phải nhìn nhận thực tế, HS chỉ ngồi trên ghế học đường chủ yếu một ngày khoảng 4 tiếng, nhiều nhất là 8 tiếng đồng hồ đối với trường dạy 2 buổi/ngày, thời gian còn lại thuộc về trách nhiệm quản lý của phụ huynh.

Có thể khẳng định, vai trò giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của con em mình từ phía phụ huynh là rất lớn, thậm chí là nhân tố quyết định. Vậy nên, mọi lời nói, cử chỉ, hành động của người lớn khi tham gia giao thông cần phải chỉn chu, nghiêm túc để làm gương con trẻ.

Không vì chiều chuộng, thương con đi học vất vả mà cho sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi quy định. Nhiều phụ huynh khi qua ngã tư, dù đèn đỏ đã bật lên vẫn chở con cố tình vượt tới… Sự thiếu gương mẫu, xem thường pháp luật trật tự ATGT của các bậc phụ huynh như trên đã góp phần khiến cho hành vi vi phạm ở HS diễn ra phổ biến, khó sửa đổi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An toàn giao thông cho học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO