Học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) diễn ra phổ biến; trong khi đó việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật có liên quan cũng như việc quản lý, xử lý từ phía người có trách nhiệm chưa đạt hiệu quả.
Nhiều kiểu vi phạm
Sở GD-ĐT cho biết, nhiều đơn vị, trường học đã chủ động phối hợp với Công an huyện, thị xã, thành phố hay phòng chức năng thuộc Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh, triển khai “Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường - tháng 9”. Nội dung chủ yếu tập trung vào giáo dục kiến thức, quy định về ATGT; tăng cường tích hợp, lồng ghép việc giảng dạy, phổ biến văn hóa giao thông cho học sinh phổ thông; triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT tại khu vực cổng trường học, không để xảy ra ùn tắc giao thông. Vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trang bị đủ cặp phao, áo phao, dụng cụ nổi cho học sinh thường xuyên đi học bằng phương tiện đường thủy; tiếp nhận, cấp phát MBH miễn phí cho học sinh, hướng dẫn đội MBH đảm bảo chất lượng, đúng kỹ thuật. Cạnh đó, phối hợp với các đơn vị có chuyên môn hướng dẫn học sinh lái xe an toàn...
Quan sát khu vực gần nhiều trường THPT, kể cả vùng nông thôn hay thành thị trước giờ vào lớp và sau khi tan học, có thể thấy học sinh điều khiển xe máy khá phổ biến, nhiều bạn không đội mũ bảo hiểm (MBH) mà chỉ treo trên xe. Để tránh sự kiểm tra, giám sát của nhà trường, xe máy được gửi ở nhà dân (có thu phí) nằm cạnh đó. Đơn cử, một vài điểm bán nước mía, nước dừa nằm võng ven quốc lộ 1, đoạn thuộc xã Quế Phú (Quế Sơn) nay chủ yếu dành chỗ giữ xe máy cho học sinh một trường THPT đóng chân trên địa bàn.
“Học sinh sử dụng mô tô, xe máy điện để đi học đang khá phổ biến. Điều này bộc lộ nhiều nguy cơ mất an toàn, và thực tế đã có một số vụ tai nạn giao thông do các em chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe máy điện gây ra” - đại diện Sở GD-ĐT thừa nhận.
Theo Sở GD-ĐT, qua theo dõi tình hình, học sinh vi phạm đa số thuộc các trường THPT nằm cạnh quốc lộ 1, cảnh sát giao thông đã phát hiện hàng chục trường hợp học sinh vi phạm về ATGT, tạm giữ nhiều mô tô và nhắc nhở, cảnh cáo. Các lỗi vi phạm chủ yếu như điều khiển xe mô tô dung tích 50cm3 trở lên nhưng chưa đủ 18 tuổi; không có giấy đăng ký xe theo quy định; dàn hàng ngang, kéo theo bạn bè đi xe đạp hoặc chở 3, chở 4; không đội MBH… Nhiều gia đình giao xe máy cho con dù chưa đủ tuổi và không đủ điều kiện sử dụng xe gắn máy có dung tích trên 50cm3...
Ghi nhận của chúng tôi, học sinh ngồi trên xe máy điện, xe đạp điện không đội MBH diễn ra phổ biến, kể cả cấp học THCS nhưng không được nhà trường quan tâm chấn chỉnh. Thế nên mới có chuyện một số học sinh khi bị lực lượng chức năng nhắc nhở, đều bất ngờ vì nghĩ rằng hành vi không đội MBH của bản thân không thuộc điều chỉnh của pháp luật trật tự ATGT. Ở bậc tiểu học vài năm trở lại đây được một số tổ chức trao tặng MBH, song việc kiểm tra hiệu quả sử dụng chưa được quan tâm.
Cần nghiêm túc chấn chỉnh
Được biết, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh từng tổ chức họp phụ huynh học sinh để tuyên truyền, nhắc nhở và ký cam kết về việc không giao xe máy cho con em chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; phải đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy. Đồng thời tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật về ATGT.
Đáng chú ý, một số trường thiết lập mô hình giáo dục thực hành về trật tự ATGT ngay trong khuôn viên làm cho tiết học sống động, hiệu quả mang lại cao hơn. Tuy nhiên, nỗ lực nêu trên trong giáo dục văn hóa giao thông học đường chưa được nhân rộng; nhiều phụ huynh học sinh không tuân thủ trật tự ATGT, trở thành tấm gương xấu cho trẻ. Để chấn chỉnh tồn tại về ATGT trong học đường, Sở GD-ĐT cho biết sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật có liên quan; tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật về ATGT; tuyên truyền và quán triệt đối với phụ huynh tuyệt đối không giao xe gắn máy cho học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển; tăng cường giám sát việc sử dụng xe gắn máy đến trường của học sinh.
Cùng với đó, ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục quán triệt đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong đơn vị chấp hành tốt ATGT trong dịp cao điểm của từng năm (nghỉ lễ, tết...); chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện nghiêm túc quy định trong tổ chức đưa đón học sinh bằng ô tô.
Giám đốc Sở GTVT Văn Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho rằng, ngành GD-ĐT cần phối hợp với các ban, ngành liên quan của địa phương giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; văn hóa giao thông và các kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATGT, lái xe mô tô an toàn, giao lưu “Giao thông học đường” gắn với thông điệp “ATGT cho nụ cười trẻ thơ”, “ATGT cho nụ cười ngày mai”.
Sở GD-ĐT cần đề nghị các phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục và trường học tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Trưởng ban ATGT tỉnh về nhiệm vụ phải thực hiện trong Năm ATGT 2021. Đáng chú ý là phải tổ chức cho học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm quy định. Đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự ATGT vào tiêu chí đánh giá hạnh kiểm của học sinh trong năm học và đánh giá thi đua của các trường, cơ sở giáo dục. Phối hợp với Ban ATGT tỉnh, các phòng chức năng của Công an tỉnh và các địa phương tổ chức phổ biến nội quy, quy tắc ATGT cho học sinh hiểu, thực hiện. Cạnh đó, phối hợp với Tỉnh đoàn, Ban ATGT các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Cổng trường ATGT - xanh - sạch - đẹp”.