An toàn giao thông ở Đông Giang

CÔNG TÚ 02/06/2020 13:31

Số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) tuy không cao, nhưng lại gia tăng bắt đầu từ năm 2019 cho thấy tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) tại Đông Giang diễn biến khó lường.

Lực lượng CSGT Đông Giang thực hiện tổng kiểm soát phương tiện đường bộ. Ảnh: C.T
Lực lượng CSGT Đông Giang thực hiện tổng kiểm soát phương tiện đường bộ. Ảnh: C.T

Triển khai nhiều giải pháp

Thời gian qua, UBND huyện Đông Giang đã chỉ đạo triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT như: tuyên truyền pháp luật, khắc phục hư hỏng đường sá, tuần tra kiểm soát (TTKS), quản lý, đăng ký phương tiện, quản lý hành lang giao thông.

Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng, Phó Trưởng ban ATGT huyện Đông Giang - ông Nguyễn Đức Huy cho biết, năm 2019 đã tiến hành 12 đợt tuyên truyền tại các xã: Tư, Sông Kôn, Jơ Ngây, Tà Lu và ở 2 điểm trường, kết hợp phát tờ rơi phổ biến pháp luật và trao tặng mũ bảo hiểm. Chỗ làm việc của Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) - trật tự cơ động Công an huyện, các cán bộ chiến sĩ vừa thực hiện đăng ký xe cho người dân, hoàn tất thủ tục xử phạt đối tượng vi phạm vừa phát tờ rơi tuyên truyền về ATGT.

Còn theo Trung tá Trần Viết Bằng - Phó Trưởng Công an huyện Đông Giang, lực lượng CSGT tuyên truyền lưu động bằng ô tô vào khung giờ có nhiều người nghe, đó là thời điểm nhân dân còn ở nhà hoặc tập trung nơi công cộng. Thông qua phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, người có uy tín của thôn, bản trực tiếp đứng ra vận động người dân phải tuân thủ các quy định, không được làm chuyện sai trái như uống rượu say rồi lái xe...

Theo ông Nguyễn Đức Huy, năm 2019 Phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo nghề giao thông vận tải Quảng Nam tổ chức đào tạo và thi sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A1 cho gần 300 học viên là người dân có trình độ văn hóa quá thấp. Phối hợp theo dõi sạt lở gây ách tắc trên đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14G, các tuyến đường huyện và nội thị để khắc phục kịp thời; bố trí hơn 1 tỷ đồng bảo trì thường xuyên các tuyến đường huyện và đường xã để đảm bảo cho người dân đi lại.

Bên cạnh đó, Công an huyện đã phân công 1.043 lượt cán bộ, chiến sĩ trực chiến trên các tuyến giao thông để triển khai 47 kế hoạch TTKS theo tuần, 1 kế hoạch công tác năm, 3 kế hoạch mở đợt cao điểm, 1 quyết định huy động công an xã và lực lượng cảnh sát khác tham gia TTKS giao thông. Quá trình này, lực lượng chức năng ra quyết định xử phạt 440 trường hợp với hơn 210 triệu đồng.

Thông tin từ Đội CSGT - trật tự cơ động Công an Đông Giang, tính riêng từ ngày 16.12.2019 đến 19.5.2020 đã phân công 450 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia TTKS và đã phát hiện, lập biên bản 118 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt 204 trường hợp với hơn 125 triệu đồng, trong đó có 3 đối tượng lái xe máy vi phạm nồng độ cồn (phạt 7,5 triệu đồng).

Nhiều trăn trở

Thiếu tá Trần Văn Lai - Đội trưởng Đội CSGT - trật tự cơ động Công an huyện Đông Giang cho hay, đơn vị được giao sử dụng 1 ô tô tải nhẹ cấp từ năm 2008 và 2 mô tô đặc chủng, 3 máy đo nồng độ cồn… Máy bắn tốc độ, cân đo tải trọng xe chưa được trang bị. Đây là một trong những yếu tố hạn chế hiệu quả của quá trình thực thi công vụ. Ngoài ra, người dân không mặn mà với chuyện học, thi để được cấp giấy phép lái xe hạng A1 vì ngại đi xa; bởi theo quy định thi lý thuyết và thực hành phải diễn ra tại Trung tâm sát hạch ở huyện Thăng Bình.

Gần đây, TNGT trên địa bàn Đông Giang đang cho thấy dấu hiệu “nóng” trở lại. Thống kê năm 2019, toàn huyện xảy ra 2 vụ TNGT làm chết 1 người và bị thương 3 người. Như vậy so với năm 2018, số vụ không tăng không giảm, song số người tử vong lại tăng 1 người. Riêng 5 tháng đầu năm 2020, số vụ TNGT bằng một nửa so với cả năm 2019 (xảy ra 1 vụ), nhưng số người chết đã tăng gấp đôi (làm chết 2 người). Thực trạng vừa đề cập cho thấy trật tự ATGT diễn biến phức tạp, TNGT có thể bùng phát trở lại bởi nhiều nguyên nhân tiềm ẩn đang tồn tại. Ban ATGT Đông Giang phân tích, trên địa bàn huyện có 41km chiều dài quốc lộ 14G, 39km đường Hồ Chí Minh đi qua, nhiều năm rồi chủ yếu sửa chữa, bảo trì chứ chưa được mở rộng, mặc dù lưu lượng phương tiện gia tăng nhanh chóng. Kết nối từ cuối tuyến ĐT609, đường An Điềm - Kà Dăng - A Sờ chật chội, hư hỏng nặng nhưng mới chuẩn bị nâng cấp, mở rộng đoạn Kà Dăng - A Sờ, còn đoạn An Điềm - Kà Dăng đang bỏ ngỏ thời điểm thực hiện.

Ngoài hạn chế về hạ tầng, trình độ nhận thức của người tham gia giao thông tại miền núi còn thấp, thậm chí có trường hợp không nắm bắt được luật lệ do không biết chữ nên vi phạm khá phổ biến, lấn chiếm hành lang đường bộ xảy ra nhiều. Trong khi đó, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa phát huy hết vai trò của người đứng đầu, chưa kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Khía cạnh khác, Trung tá Trần Viết Bằng chia sẻ, các tuyến giao thông cần TTKS có lý trình dài, điểm cuối nằm cách khá xa so với trung tâm huyện nên mất nhiều thời gian di chuyển. Đơn cử, quốc lộ 14G từ thị trấn Prao xuống giáp TP.Đà Nẵng dài hơn 41km có mặt đường xấu và quanh co, mỗi khi triển khai lực lượng cần hơn một tiếng rưỡi đồng hồ mới đến nơi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An toàn giao thông ở Đông Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO