Để chủ động ứng phó trước những hiểm họa do mưa dông miền núi, thời gian qua, Điện lực Nam Giang đã triển khai nhiều phương án, huy động lực lượng thực hiện kiểm tra đường dây, kịp thời khắc phục sự cố về điện.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Điện lực Nam Giang, rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay từ đầu năm 2020 này, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân, doanh nghiệp tự chặt tỉa cây cối, đảm bảo an toàn đường dây. Đồng thời thông báo, tuyên truyền đến từng hộ dân về mức độ nguy hiểm khi xảy ra sự cố về điện, nhất là đường dây cao áp. Từ việc làm sát sao đó, thời gian gần đây, trước khi khai thác keo, nhiều chủ rừng đã trực tiếp liên hệ với đơn vị để được hỗ trợ, góp phần giảm bớt những nguy cơ sự cố điện, đảm bảo an toàn hệ thống điện trên địa bàn.
“Năm 2019, dông lốc đã làm gãy đổ cây rừng cách đường dây hơn 20m, kéo theo 5 trụ điện và gần 1km đường dây trung thế tại xã Tà Bhing bị ngã đổ. Để kịp thời khắc phục sự cố, anh em phải làm việc cả ngày đêm để lưới điện được nối thông suốt, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Cảm thông trước nỗ lực của ngành điện, nhiều hộ dân đã tự phát dọn cây cối có nguy cơ vướng vào đường dây, góp sức đảm bảo an toàn cho hệ thống điện lưới” - ông Sơn cho hay.
Xác định công tác phát quang hành lang tuyến là nhiệm vụ thường xuyên của ngành điện, cùng với ra quân tổng rà soát toàn bộ hệ thống đường dây điện, Điện lực Nam Giang còn đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động hạn chế trồng cây gỗ gần khu vực đường dây điện ngang qua, cũng như không chặt hạ cây rừng gây sự cố ảnh hưởng điện lưới quốc gia.
Tuy nhiên, do đặc thù quản lý đường dây trung thế dài gần 300km và đường dây hạ thế 150km (trong đó, nhiều tuyến độc đạo, phụ tải phân bố ở đầu nguồn và cuối nguồn cách nhau hơn 60km, đi qua gần khu vực rừng nguyên sinh, rừng bảo tồn, cây gỗ cao trên 40m) nên nguy cơ cây ngã đổ vào đường dây trong mùa giông lốc là rất lớn. Vì thế, buộc Điện lực Nam Giang phải nỗ lực trong công tác đảm bảo an toàn lưới điện.
Ông Trần Văn Mạnh - Đội trưởng Đội Quản lý tổng hợp Chà Vàl cho biết, đơn vị rất lo về sự cố điện có thể xảy ra trong thời điểm mưa giông ở miền núi. Bởi do đặc thù nên khi có trận mưa lớn, gió mạnh, cây rừng có thể ngã vào đường dây điện bất cứ lúc nào.
“Thời tiết ở miền núi rất phức tạp, chỉ cần thấy mây đen kéo đến là anh em lo chuẩn bị dụng cụ, đồ nghề, áo mưa, đèn pin và cả mỳ tôm nữa, sẵn sàng nhân lực đi kiểm tra lưới điện. Tất cả chỉ vì mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống điện, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu sử dụng điện cho người dân miền núi” - ông Mạnh nói.