“An toàn khu” của Đặc khu ủy Quảng Đà

DUY HIỂN 18/10/2022 06:30

Với nhiều người từng bám trụ tại Hòn Tàu suốt những năm tháng chống Mỹ thì mỗi lối mòn, hang đá, dòng suối… nơi đây đều ăm ắp kỷ niệm về tình đồng đội, tình quân dân và cả những ký ức bi hùng không bao giờ quên.

Di tích nhà làm việc của đồng chí Hồ Nghinh - Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà tại Hòn Tàu.Ảnh: THÀNH CÔNG
Di tích nhà làm việc của đồng chí Hồ Nghinh - Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà tại Hòn Tàu.Ảnh: THÀNH CÔNG

Vị thế “trời cho”

Hòn Tàu là một dãy núi lớn, đỉnh cao nhất tới 953m so với mặt biển, trải dài hàng chục cây số thuộc địa giới các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn, tức vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà thời bấy giờ.

Địa thế núi Hòn Tàu rất hiểm trở với vô vàn hang đá kiên cố có thể chịu đựng được sức công phá của bom tấn, trong đó có hang sức chứa cả tiểu đoàn. Đây là khu vực có vị trí chiến lược rất quan trọng. Đối với ta, đứng ở đây như là thế đứng trên đầu thù; còn với quân địch thì đây là bình phong bảo vệ từ xa cho căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng.

Tháng 10.1967, để chuẩn bị cho Tổng tấn công nổi dậy xuân Mậu Thân, Khu ủy 5 sáp nhập Tỉnh ủy Quảng Đà và Thành ủy Đà Nẵng thành Đặc khu ủy Quảng Đà. Sau đòn tiến công Tết Mậu Thân bất ngờ của ta, quân Mỹ choáng váng đã phản kích quyết liệt. Vùng đồng bằng Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn bị kẻ thù cày ủi trắng, Hòn Tàu trở thành “an toàn khu” của Đặc khu ủy Quảng Đà. Và thiên anh hùng ca Hòn Tàu bắt đầu từ đấy.

Vai trò của Hòn Tàu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở phần Bắc Quảng Nam và Đà Nẵng giai đoạn 1967 - 1975 là vô cùng to lớn, thể hiện bản lĩnh, sự sáng tạo của Đặc khu ủy Quảng Đà trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân. Với vai trò quan trọng ấy, ngày 8/6/2012 Di tích Đặc khu ủy Quảng Đà đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Thực ra từ trước năm 1945, Tỉnh ủy Quảng Nam đã từng đặt căn cứ bí mật ven Hòn Tàu như Nghi Trung, Nghi Hạ, Nghi Thượng xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn; Phú Nham xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên...

Thời Mỹ Diệm tố cộng, Tỉnh ủy và các Huyện ủy Duy Xuyên, Quế Sơn cũng nương náu nơi đây. Đồng chí Hoàng Văn Lai - Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên bấy giờ còn đặt cho vùng chân Hòn Tàu giáp hồ Vĩnh Trinh một danh xưng rất lãng mạn “Lương Sơn Bạc” mà đến giờ nhiều người còn nhắc.

Tuy nhiên từ sau Mậu Thân 1968 thì vị thế “trời cho” của Hòn Tàu mới thể hiện hết tầm vóc của nó. Nơi đây đã trở thành đất thánh cách mạng ở Bắc Quảng Nam. Tất cả cơ quan trực thuộc Đặc khu ủy, các ngành tài mậu, y tế, lương thực giao bưu, an ninh, binh vận, đoàn thể; trạm phẫu của tỉnh, của huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, các kho tàng đều đóng trên hòn Tàu.

Sinh thời ông Lê Công Thạnh - nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 4 có lần khẳng định: “Với con nhà quân sự chúng tôi thì Hòn Tàu là vị trí tuyệt vời. Các đơn vị như Trung đoàn 36 của Sư 2, Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 Tỉnh đội Quảng Đà, các đơn vị pháo binh đều xuất phát tiến công từ đây. Đánh xong lui về củng cố lực lượng, cứu chữa thương binh, chống càn quét và học tập, chỉnh huấn.

Thật hiếm có một vị trí quân sự “tiến khả dĩ công, lui khả dĩ thủ” mà lại nằm ngay giữa vùng đồng bằng như thế này”. Ngoài chỉ huy sở của Mặt trận 4, đây còn là nơi đứng chân của Đoàn 11 quân báo Bộ Tổng tham mưu. Cán bộ các ban ngành thuộc Thành ủy Đà Nẵng cũng thường xuyên vào ra để báo cáo, nhận nhiệm vụ công tác, học tập. Vào lúc cao điểm, vùng Hòn Tàu chứa đến hai nghìn cán bộ, chiến sĩ.

Bia di tích Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà tại Hòn Tàu. Ảnh: D.H
Bia di tích Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà tại Hòn Tàu. Ảnh: D.H

Ký ức bi hùng

Quân địch cũng ý thức rõ sự lợi hại của “chiến gai nhọn” Hòn Tàu nên chúng ra sức tập trung đánh phá quyết liệt. Biệt kích địch là đối tượng tác chiến nguy hiểm nhất với cán bộ, chiến sĩ ở Hòn Tàu.

Ông Nguyễn Đình An - nguyên cán bộ Ban tuyên huấn Đặc khu ủy kể: “Vùng này có nhiều đồi trọc rất thuận lợi cho biệt kích địch hoạt động. Khi phát hiện mục tiêu, chúng tự tác chiến hoặc kêu phi pháo oanh kích. Nhiều khi biệt kích đổ xuống rất gần cơ quan đến mức chúng tôi có thể ngửi mùi thuốc lá thơm của chúng.

Vì vậy, chúng tôi luôn tìm cách giữ bí mật nơi mình đóng. Ví dụ như dầu phụng thì phải khử sẵn đổ vào bi đông để đề phòng chúng nghe mùi. Thậm chí chúng tôi còn biết cách huấn luyện để gà mái đẻ mà không cục tát, thế mới hay chứ!”.

Ngoài đổ quân càn quét liên miên, kẻ địch còn trút xuống đây rất nhiều bom đạn. Bom rải thảm từ pháo đài bay B52, bom tọa độ của B57, bom phản lực, pháo từ các trận địa Bồ Bồ, Cấm Dơi, pháo 410 ly từ hạm đội 7 bắn vào bất kể ngày đêm. Mức độ oanh kích của địch với Hòn Tàu là không kể xiết.

Chỉ tính riêng trong mấy tháng cuối năm 1971 đầu 1972, đã có 8 lần B52, mỗi lần 3 chiếc, ném bom rải thảm, đến mức đá vỡ vụn ra, rừng bị băm nát. Những ngả đường rừng và đồi tranh lúp xúp bị tàu gáo, tàu rọ quần đảo, kiểm soát ráo riết. Bởi vậy, hy sinh mất mát của cán bộ, chiến sĩ ta cũng rất lớn, thống kê sơ bộ cũng đến hàng trăm người, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo Đặc khu ủy, Mặt trận 4.

Thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc

Hòn Tàu địa hình hiểm trở, nhưng đó không phải là điều quyết định để căn cứ này vững vàng tồn tại giữa bốn bề quân giặc. Trong lần trả lời phỏng vấn cho bộ phim tài liệu “Căn cứ của lòng dân xứ Quảng”, ông Trần Thận - nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà từ năm 1972 đến tháng 4/1975 đã khẳng định: “Địa lợi nhưng phải có nhân hòa. Căn cứ Hòn Tàu tuy hiểm trở nhưng nằm xa đường tiếp tế từ miền Bắc vào nên hậu cần chủ yếu phải lo tại chỗ. Nếu không có sự đùm bọc, hỗ trợ của nhân dân Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình sống xung quanh thì cách mạng không trụ được.

Những người dân trụ bám, những cơ sở hợp pháp quanh Hòn Tàu là mạng lưới để ta tổ chức hậu cần tại chỗ, nghĩa là móc nối lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm từ vùng địch đưa lên căn cứ. Ở đây ta còn tổ chức móc nối đổi đô la từ miền Bắc chuyển vào sang tiền miền Nam để chi dùng. Đó là điều kỳ lạ mà chỉ có thể thực hiện trong một thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc”.

Hòn Tàu không có nơi sản xuất nên để giải quyết nhu cầu lương thực, thực phẩm chỉ có thể dựa vào hệ thống hậu cần nhân dân rộng lớn. Đây là hệ thống được Đặc khu ủy Quảng Đà đặc biệt quan tâm chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ, khéo léo. Vậy nên đồng chí Hồ Nghinh - Bí thư Đặc khu ủy chỉ đạo quyết giữ cho được các cửa khẩu.

Rất nhiều kỷ niệm về tình quân dân máu thịt vẫn còn được ông Nguyễn Đình An khắc sâu: “Hòn Tàu giáp giữa hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà theo cách gọi của ta hoặc Quảng Nam và Quảng Tín theo cách địch gọi. Những lần ở phía Duy Xuyên địch đánh mạnh vào cơ quan Đặc khu ủy thì chúng tôi lật cánh qua Quế Sơn, thuộc tỉnh Quảng Nam. Tuy khác về địa bàn hành chính nhưng quân dân, cán bộ chiến sĩ đều vẫn một nhà.

Những chiều chờ trời chạng vạng tối, để vượt đường 104 quãng ở mép núi Sơn Trung, Sơn Thượng, chúng tôi luôn gặp các mẹ cắp những mủng đường bát, dúi cho chúng tôi mỗi người một bát đường quấn sợi rơm vàng ươm mà không hiểu họ làm thế nào để sản xuất được ở giữa nơi biệt kích lùng sục và bom đạn ngút ngàn này”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“An toàn khu” của Đặc khu ủy Quảng Đà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO