An toàn thực phẩm hải sản sau khai thác: Lỏng lẻo từ tàu cá đến bến cảng

NGUYỄN QUANG 03/08/2023 06:31

Từ tàu cá đánh bắt hải sản của ngư dân đến cảng cá khi bốc dỡ hải sản rồi cơ sở thu mua, chế biến, nhìn đâu cũng bất cập về an toàn thực phẩm đối với hải sản sau khai thác. Cần khẩn trương triển khai những giải pháp thiết thực để chấn chỉnh thực trạng trên vì nhiệm vụ gỡ “thẻ vàng” thủy sản, xa hơn là phát triển nghề cá bền vững.

Hầm bảo quản hải sản của hầu hết tàu cá trên địa bàn tỉnh không đảm bảo ATTP. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Hầm bảo quản hải sản của hầu hết tàu cá trên địa bàn tỉnh không đảm bảo ATTP. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Không đảm bảo an toàn thực phẩm

Tàu cá QNa-91777 có công suất máy 718CV vừa được thuyền trưởng Trần Quốc Dũng (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) cập cảng cá Tam Quang để bán hải sản sau khi thu mua trên các tàu cá của ngư dân sản xuất ở vùng biển Hoàng Sa. Có thể nhận thấy hầm bảo quản hải sản trên tàu cá của ông Dũng chưa đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm (ATTP).

Quảng Nam chưa xây dựng được chuỗi liên kết khép kín hải sản bảo đảm điều kiện ATTP. Trong thời gian tới, đây là nhiệm vụ ngành thủy sản cần triển khai để nhân rộng, phát triển bền vững. Bên cạnh công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn về đảm bảo ATTP đối với hải sản sau khai thác, ngành thủy sản cần đặc biệt chú ý đến quản lý, thanh tra, xử lý những trường hợp vi phạm.

Theo quy chuẩn của Bộ NN&PTNT, hầm bảo quản hải sản phải được làm bằng vật liệu chống ăn mòn, không độc, cấu trúc chắc chắn, được bọc cách nhiệt và có nắp đậy khi cần thiết, có lỗ thoát nước đá tan ở đáy, bề mặt nhẵn, không ngấm nước, dễ làm vệ sinh, khử trùng và thường xuyên được giữ gìn sạch sẽ, hợp vệ sinh.

Do không đủ nguồn vốn, 16 hầm cá của tàu ông Dũng không đáp ứng yêu cầu trên. Việc khử trùng, vệ sinh hầm tàu, sàn chứa và các thiết bị tiếp xúc với hải sản trước và sau mỗi chuyến biển chưa được ngư dân thực hiện đúng. Đó cũng là thực trạng của nhiều tàu cá khác.

Cảng cá Tam Quang lớn nhất tỉnh nhưng tồn tại nhiều bất cập về ATTP. Nước từ hải sản, nước đá cây, nước tồn đọng lênh láng khắp mặt cảng cá bốc mùi tanh hôi. Điều kiện hạ tầng không đảm bảo ở cảng cá Tam Quang gây lây nhiễm chéo trong khi thao tác bốc dỡ cá. Các cơ sở kinh doanh đá cây phục vụ tàu đánh bắt hải sản cũng không đảm bảo các điều kiện về ATTP.

Ông Ngô Văn Định - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá cho biết, cảng cá Tam Quang dù đã đi vào hoạt động nhưng chưa được bàn giao hoàn toàn. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT - chủ đầu tư cảng cá vẫn còn “nợ” về khắc phục bất cập của hệ thống thoát nước bấy lâu nay.

Đối với các cơ sở chế biến thủy sản, theo quy định, phải có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo trong quá trình bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói phải tránh tác động của côn trùng, động vật gây hại… Tuy vậy, các quy định về ATTP tối thiểu như trên vẫn là khoảng trống đối với nhiều cơ sở chế biến hải sản.

Cần khẩn trương khắc phục

Để được vươn khơi sản xuất xa bờ, các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải được Chi cục Thủy sản cấp giấy chứng nhận ATTP. Cái khó đối với các chủ tàu cá Quảng Nam hiện nay là trên tàu không có khu vực bố trí nhà vệ sinh, không lắp đặt bồn rửa tay, khử trùng cho lao động.

Ngư dân không có bảo hộ lao động, chưa theo học các lớp tập huấn phổ biến kiến thức về ATTP để được cấp chứng nhận. Bên cạnh đó, dụng cụ vớt, bốc dỡ hải sản trên tàu cá cũng chưa đảm bảo theo quy định…

Dự kiến tháng 10 tới, đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang nước ta đánh giá kết quả thực hiện kiến nghị của EC về gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Trong nhiều nội dung, vấn đề ATTP đối với hải sản sau khai thác được EC đặc biệt quan tâm vì liên quan trực tiếp đến chất lượng hải sản chế biến xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Ông Võ Văn Long - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, ngành chức năng đang tập trung khắc phục các vấn đề tồn tại về ATTP. Cùng với việc đánh giá, cấp giấy chứng nhận ATTP, sẽ thẩm tra, đánh giá lại điều kiện bảo đảm ATTP của các tàu cá, cơ sở sản xuất nước đá, cảng cá, cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến hải sản để đảm bảo duy trì các quy định của Bộ NN&PTNT.

Ông Ngô Văn Định cho rằng, do chưa đáp ứng được các điều kiện hạ tầng liên quan đến ATTP cho nghề cá, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT cần khẩn trương huy động vốn, đầu tư, khắc phục các hạn chế, nhất là khơi thông dòng chảy để xử lý nước thải đúng quy định.

“Chúng tôi sẽ hoàn thiện quy trình giám sát bốc dỡ hải sản tại cảng cá Tam Quang để đảm bảo ATTP, tránh lây nhiễm chéo. Trong thời gian chờ nâng cấp, kiện toàn một số hạng mục cơ sở vật chất chưa đảm bảo, hằng ngày chúng tôi yêu cầu Công ty NHHH Thương mại Thuận Nhân Phát (doanh nghiệp thuê mặt bằng cảng cá Tam Quang để kinh doanh) tổ chức vệ sinh cảng cá, xịt rửa, thu gom, phân loại rác để tập kết, xử lý theo quy định, đảm bảo ATTP” - ông Định nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An toàn thực phẩm hải sản sau khai thác: Lỏng lẻo từ tàu cá đến bến cảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO