An toàn thực phẩm (ATTP) ở các hàng quán bán thức ăn, nhất là thức ăn đường phố, luôn là mối quan tâm lớn vì tiềm ẩn nhiều mối nguy. Bởi vậy, rất cần quản lý chặt để đảm bảo ATTP ở loại hình kinh doanh này.
Nguy cơ mất an toàn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, để xử phạt hành chính đối với các hàng quán bán thức ăn sai phạm quy định ATTP thật sự răn đe thì thông tin người bị xử phạt phải được lưu lại cẩn thận và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Đối với những cá nhân cố tình vi phạm, bị xử phạt nhiều lần, cần phải tăng mức xử phạt. Đối với những cá nhân thực hiện tốt cũng cần phải có hình thức khen thưởng, tuyên dương trên các phương tiện truyền thông để nhân rộng, tạo lan tỏa, lan truyền ý thức đảm bảo ATTP đối với người bán thức ăn đường phố, các hàng quán nói chung.
Với đặc tính tiện lợi, nhanh gọn, rẻ, thức ăn đường phố là chọn lựa của không ít người tiêu dùng. Mỗi sáng, chị Nguyễn Thị Lệ (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) đi mua thức ăn bán ở các vỉa hè đường phố trên địa bàn để dùng cho cả gia đình. Chị Lệ bảo, người bán thức ăn đường phố có dùng trang phục bảo đảm an toàn trong quá trình chế biến, dùng bao tay trước khi chia thức ăn, đóng hộp nên yên tâm.
“Hàng quán bán thức ăn ở lề đường, vỉa hè rộng rãi, thông thoáng, rất tiện lợi khi dừng xe. Ít tốn công, ít tốn tiền nên thức ăn đường phố luôn là ưu tiên của gia đình chúng tôi” - chị Lệ nói.
Chúng tôi nhắc cảnh báo của ngành y tế về nguy cơ mất ATTP từ thức ăn đường phố, chị Lệ bảo: “Điều quan trọng là mình tin tưởng thức ăn đường phố nên thấy ngon miệng khi dùng. Ở những nhà hàng, khách sạn hay các tiệm ẩm thực danh tiếng, chắc gì kiểm soát được 100% thức ăn đảm bảo an toàn tuyệt đối”.
Sự tồn tại của hàng quán bán thức ăn đường phố có nguyên nhân từ sự ủng hộ của người tiêu dùng. Quản lý ATTP đối với thức ăn đường phố cũng vì thế rất khó khăn.
Hầu như ở bất kỳ chợ truyền thống nào trên địa bàn tỉnh cũng có khu vực hàng quán bán thức ăn. Do điều kiện không gian, cơ sở vật chất nên khu vực này có nhiều nguy cơ mất ATTP. Trước hết là nguyên liệu chế biến thức ăn, khi được hỏi, rất hiếm khi nghe được chủ hàng quán truy xuất chính xác nguồn gốc. Theo quan sát của chúng tôi, do hoạt động trong phạm vi nhỏ hẹp, công việc nấu nướng, chế biến thức ăn diễn ra tạm bợ. Do thiếu nước nên việc rửa bát, chén, đĩa không đảm bảo...
Ông Nguyễn Thiện - Trưởng ban Quản lý chợ Nam Phước (Duy Xuyên) cho biết: “Chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn về ATTP của tỉnh, huyện mỗi khi về kiểm tra, giám sát. Thế nhưng, đến hẹn lại lên, công việc này chỉ diễn ra vài đợt trong năm. Chúng tôi luôn nhắc nhở, tuyên truyền, vận động các chủ quán ăn trong chợ đảm bảo các quy định ATTP để tránh ngộ độc thực phẩm cho người dùng, còn việc kiểm tra, xử lý hàng quán bán thức ăn không đảm bảo ATTP thì ban quản lý chợ không có chức năng”.
Tương tự, bà Vũ Thị Thanh Nga - Trưởng ban Quản lý chợ Tam Kỳ cho rằng, do nhỏ lẻ, các hàng quán bán thức ăn ở chợ rất khó tuân thủ đầy đủ quy định về ATTP. Mong ngành chức năng của tỉnh, thành phố mở các lớp tập huấn, giúp chủ hàng quán thực hiện đảm bảo ATTP trong kinh doanh.
Nhiều việc phải làm
Ông Nguyễn Đây - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho biết, từ tháng 10.2018, Nghị định 115/2018 có hiệu lực nhưng việc xử phạt sai phạm ở các quán ăn vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Chủ các hàng quán bán thức ăn chủ yếu lấy công làm lời, không mấy quan tâm đến quy định về ATTP. Công tác tập huấn, truyền đạt kiến thức, quy định về ATTP ở nhiều nơi còn hạn chế. Cứ đến hẹn lại lên, truyền thông về ATTP, băng rôn, biểu ngữ treo đầy đường nhưng khó thẩm định được, mấy ai chú ý và chất lượng thế nào. Bởi vậy, có nhiều việc phải làm để đưa các quán ăn vào nền nếp, đảm bảo quy định về ATTP, bảo vệ người tiêu dùng.
“ATTP là vấn đề nhận thức của người bán lẫn người mua. Xử phạt chỉ là biện pháp sau cùng. Không phải cứ phạt là giải quyết được tất cả mối nguy về ATTP mà cần thời gian lâu dài để giải quyết” - ông Đây nói.
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành đã phổ biến đầy đủ kiến thức, quy định về ATTP đối với hàng quán bán thức ăn ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Điều quan trọng là tạo chuyển biến trong tuyên truyền, phổ biến, lan tỏa cách làm hay về quản lý thực phẩm để chủ các hàng quán bán thức ăn tuân theo, đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng. Nhân Tháng hành động vì ATTP, các cơ quan, địa phương cần cùng vào cuộc, xử lý nghiêm hành vi sai phạm của hàng quán bán thức ăn mất ATTP để răn đe, góp phần tạo ý thức cho người bán hàng. Theo đó, cần thực hiện nghiêm minh, công khai, công bằng, tránh làm theo phong trào hoặc phạt nặng người này nhưng nương nhẹ người kia.