An toàn trong tiêm chủng

THẠCH BÀN 20/12/2021 05:34

Sau hơn 1 tuần tổ chức tiêm vắc xin mũi 1 ngừa Covid-19 cho trẻ độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi, Quảng Nam chưa ghi nhận trường hợp sốc phản vệ, tai biến nặng do vắc xin. Tuy nhiên, sự chuẩn bị về nhân lực, việc quản lý tiêm chủng cần phải được đặt ra nghiêm túc để tiếp tục đợt tiêm mũi 2 cho các em sau 3 - 4 tuần tới.

Gần 140 nghìn trẻ ở độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi trên toàn tỉnh đồng ý tiêm vắc xin. Việc tổ chức tiêm vắc xin cho độ tuổi này hoàn toàn khác biệt với người lớn ở mọi yếu tố, từ điểm tiêm, nhân lực cho đến khâu quản lý. Chưa kể, việc tiêm vắc xin cho trẻ dưới 18 tuổi phải nhận được sự đồng ý từ phía phụ huynh.

Con số phiếu không đồng thuận từ phụ huynh ở nhiều vùng đô thị cho thấy việc họ vẫn băn khoăn, lo ngại về hiệu quả của vắc xin lẫn những tác dụng phụ, phản ứng sau tiêm của vắc xin lên trẻ em.

Ý kiến từ các chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng, trẻ em từ 12 tuổi đã có cơ thể phát triển không khác nhiều so với người lớn, do đó phản ứng sau tiêm hầu như không khác biệt so với người lớn.

Việc quan trọng nhất vẫn là vấn đề khám sàng lọc trước tiêm vắc xin phòng Covid-19 để có được chỉ định chính xác, đảm bảo tiêm an toàn, đúng đối tượng, bởi hiện nay nhiều trẻ em trong độ tuổi 12 - 17 cũng đã xuất hiện những bệnh lý nền, trong đó có cả ung thư.

Việc tổ chức một điểm tiêm cho trẻ em gặp nhiều khó khăn hơn so với việc triển khai tiêm cho người lớn. Trong đó, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng tiêm chủng và những hiểu biết về vắc xin là điều cực kỳ quan trọng.

Tiêm vắc xin cho trẻ em không thể chỉ dựa hoàn toàn vào lực lượng y tế. Nhà trường phải là chỗ dựa đầu tiên để chuẩn bị tâm lý cho học sinh. Vụ việc một nam sinh THPT được tiêm liên tiếp 2 mũi vắc xin tại TP.Tam Kỳ cho thấy rõ khâu tuyên truyền để học sinh hiểu biết về vắc xin vẫn chưa được coi trọng.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, việc tiêm vắc xin cho trẻ em cần lưu tâm vấn đề sàng lọc, xem xét chỉ định hay chống chỉ định tiêm. Trường hợp chống chỉ định duy nhất là từng có phản ứng phản vệ độ 2, còn các tình trạng khác có thể chỉ định tiêm.

Đối với lứa tuổi trung học, việc các em nắm được tiền sử bệnh tật của mình thường không chính xác. Do vậy, quá trình sàng lọc trước tiêm, nên chăng cần có sự tham gia của phụ huynh để tránh những rủi ro sau tiêm.

Ngành Y tế Quảng Nam cũng khuyến cáo các địa phương lập danh sách với những trẻ bệnh nền, trẻ khuyết tật cần được tổ chức tiêm tại bệnh viện, giống như việc chỉ định tiêm cho người lớn.

Không chỉ quan trọng ở khâu sàng lọc trước tiêm và trong quá trình tiêm, với trẻ em, cần đặc biệt lưu ý tới việc theo dõi sau tiêm, phát hiện các phản ứng bất thường và đưa đến cơ sở y tế sớm.

Nếu chủ quan thì khi có tai biến phát sinh, hậu quả không thể lường trước. Cụ thể, thay vì người lớn theo dõi sau tiêm trong vòng 2 - 3 ngày thì trẻ em cần nhiều thời gian hơn, với ít nhất 1 tuần vì khả năng những biến chứng muộn có thể xảy ra.

Chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 2 cho học sinh thời gian tới cần được chuẩn bị bài bản và kỹ lưỡng hơn, với kịch bản cụ thể từ sự phối hợp của ngành y tế, giáo dục và địa phương. Từ câu chuyện mã định danh, nhập liệu, sàng lọc trước tiêm đến khâu quản lý học sinh sau tiêm, cần sự cẩn trọng tuyệt đối.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An toàn trong tiêm chủng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO