Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên” diễn ra với nhiều hoạt động phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đánh giá của Sở LĐTB&XH, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên việc thanh tra kiểm tra về công tác ATVSLĐ không thực hiện được. Tuy nhiên, qua theo dõi của ngành, các doanh nghiệp đã có sự quan tâm đến sức khỏe, việc làm và phòng chống dịch bệnh. Tuy vậy, tình trạng vi phạm các quy định, tiêu chuẩn, quy phạm về ATVSLĐ, vi phạm các biện pháp làm việc ATVSLĐ còn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 335 vụ tai nạn LĐ làm 335 người bị nạn, trong đó có 2 người chết, 17 người bị thương nặng. Nguyên nhân chủ yếu do không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người LĐ (15 vụ, tỷ lệ 4,47%); 21 vụ do người LĐ chưa được tập huấn ATVSLĐ (6,27%); 22 vụ do tổ chức LĐ chưa hợp lý (6,57%); 110 vụ do người LĐ vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn và biện pháp làm việc an toàn (32,84%); 83 vụ do người LĐ không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (24,77%); 35 vụ do máy, thiết bị không đảm bảo an toàn (10,44%); 12 vụ do điều kiện làm việc không tốt (3,58%); 7 vụ do không có quy trình an toàn hoặc biện pháp làm việc an toàn. Lĩnh vực xảy ra tai nạn LĐ chủ yếu là ngành khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng.
Nhiều cái “không” vẫn còn tồn tại như không xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hàng năm, kế hoạch đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại cơ sở, kế hoạch tự kiểm tra về ATVSLĐ.
Không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người LĐ; không trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc có trang bị nhưng người LĐ không thường xuyên sử dụng.
Không thực hiện việc tự kiểm tra thực hiện pháp luật LĐ; không tiến hành đo, kiểm môi trường LĐ; không lập hồ sơ vệ sinh LĐ.
Không tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người LĐ; không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người LĐ theo đúng quy định.
Một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc cho người LĐ, không bố trí hoặc bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ chưa đúng quy định; hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên chưa hiệu quả...
Năm 2021, các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ được thực hiện tại từng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đảm bảo an toàn phòng dịch cũng chính là đã thực hiện tốt các biện pháp về ATVSLĐ trong mỗi đơn vị, doanh nghiệp.
Ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động - việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, năm 2021, ATVSLĐ sẽ gắn liền với phòng chống dịch bệnh. UBND tỉnh đã có kế hoạch, yêu cầu các sở ngành, địa phương thực hiện việc hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân để ngăn ngừa dịch bệnh tại nơi làm việc và ký túc xá cho người LĐ.
Đặc biệt, việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 theo bộ chỉ số đánh giá (được ban hành kèm theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27.5.2020 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) sẽ là cơ sở quan trọng giúp các cơ sở sản xuất chủ động phòng chống dịch bệnh. Từ sự đánh giá này, sẽ xác định được các mức độ nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh để có các biện pháp khắc phục, phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh, đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh.