An toàn từ việc đơn giản

CÔNG TÚ 08/10/2019 10:50

Đi bộ bên phải, đội mũ bảo hiểm (MBH), chạy đúng làn đường, đúng tốc độ, tuân thủ biển báo… là những việc rất đơn giản và dễ thực hiện. Tuy nhiên, nhiều người tham gia giao thông lại cố tình không tuân thủ, gây mất an toàn cho chính mình và bạn đồng hành.

Đẩy mạnh tuyên truyền ATGT trong học đường bằng những nội dung quy định đơn giản nhất, dễ nắm bắt. Ảnh: C.T
Đẩy mạnh tuyên truyền ATGT trong học đường bằng những nội dung quy định đơn giản nhất, dễ nắm bắt. Ảnh: C.T

Hành động đơn giản

Lúc còn thơ, trẻ em đã được thầy cô dặn dò rất kỹ khi đi bộ phải đi sát lề bên phải theo hướng đi của mình. Nếu nơi có vỉa hè dành cho người đi bộ, học sinh cứ bước lên đó mà di chuyển cho an toàn. Muốn đi bộ qua đường, nên quan sát kỹ trước khi di chuyển, nơi có vạch kẻ đường thì bước theo. Với người lớn cũng theo quy tắc như vậy, đi bộ vẫn phải đúng quy tắc an toàn giao thông (ATGT) mới mong hạn chế đến mức thấp nhất tai ương ập đến bất ngờ do người điều khiển phương tiện lơ đễnh, phóng nhanh vượt ẩu, lạc tay lái đâm vào. Một quy tắc an toàn nữa là đội MBH đạt chuẩn khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy (kể cả xe đạp điện) tham gia giao thông. Do thể trạng và tầm vóc, trẻ 6 tuổi trở lên mới bắt buộc sử dụng. Không phải người làm luật nghĩ ra cho vui, để có chuyện xử phạt, yêu cầu vừa nêu nhằm trang bị thiết bị bảo hộ não bộ cho con người, lỡ chẳng may bị té ngã xuống đường, đâm vào lề hoặc va chạm vào phương tiện đồng hành sẽ hạn chế chấn thương sọ não. “Nói không” với đội MBH, não bộ nạn nhân bị tổn thương dễ dẫn đến tử vong. “Còn nếu thoát được lưỡi hái tử thần, nguy cơ cao phải sống đời sống thực vật sẽ làm khổ gia đình, cạn kiệt về tài chính và tạo gánh nặng cho xã hội” - Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cảnh báo.

Tuân thủ tốc độ khi lái xe nhằm đảm bảo cho người điều khiển phương tiện dễ làm chủ được tay lái, có thời gian quan sát chung quanh dễ xử lý tình huống bất ngờ xảy ra trên đường. Tùy vào điều kiện thực tế, cơ quan chức năng cắm biển báo hạn chế tốc độ một số đoạn trên tuyến đường, yêu cầu lái xe phải chấp hành nghiêm để tránh những xung đột, gây tai nạn thương tâm. Những đoạn tuyến nào không có biển báo, người lái xe phải chấp hành quy định lưu thông trên đường đôi, đường một chiều… trong và ngoài khu vực nội thị; sát sườn nhất Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ, sẽ có hiệu lực ngày 15.10.2019. Theo thông tư này, người điều khiển cần phải chấp hành nghiêm quy định về khoảng cách an toàn lúc di chuyển. Đơn cử, với đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên tốc độ tối đa là 60km/h; Đường hai chiều, đường một chiều có một làn xe cơ giới tốc độ tối đa là 50km/h... Tại những điểm giao nhau giữa đường bộ và đường sắt, ngành chức năng và chính quyền địa phương thiết lập những biển báo, biển cảnh báo, kể cả lắp đặt thiết bị cảnh báo tự động cho người trên đường bộ nắm bắt, quan sát kỹ trước khi băng qua đường sắt.

Nhưng không tuân thủ

Rất nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do lái xe chạy quá tốc độ cho phép va vào xe này, rồi tiếp tục lao đi đụng vào phương tiện khác gây thiệt hạn lớn về tài sản, nhất là tính mạng con người. Vụ việc xảy ra vào sáng sớm ngày 30.7.2018, tại km950+700, quốc lộ 1 (tuyến tránh Vĩnh Điện), thuộc địa phận thôn Trung Phú 1, xã Điện Minh (thị xã Điện Bàn) khiến 13 người chết và 4 người bị thương là bài học đau lòng vẫn còn mang tính thời sự. Không tuân thủ về khoảng cách an toàn, nhiều trường hợp xe chạy phía trước bị thủng lốp hoặc gặp sự cố kỹ thuật khác, xe phía sau do đi quá sát không tránh kịp đã đâm sầm vào. Có không ít vụ, do người điều khiển xe máy đứng quá gần ô tô tải dừng đèn đỏ phía trước, rơi vào “điểm mù” của tài xế ô tô nên khi lui ra phía sau một tí là cả người và xe máy đã lọt dưới gầm xe tải. Ở nhiều tuyến đường, cảnh tượng người đi bộ “chiếm dụng” lòng đường rất dễ nhìn thấy; nơi có vạch kẻ họ cũng không bước theo mà còn dàn hàng ngang sang đường giữa làn xe cộ đông đúc.

Đã có biển cảnh báo, nhưng với tâm lý chủ quan, người điều khiển xe trên đường bộ không chú ý quan sát, lắng nghe tiếng còi tàu vội lập tức băng qua đường sắt. Với tốc độ của phương tiện đang lao nhanh, lái tàu không thể nào thắng gấp cho tàu dừng lại lập tức, và thế là hậu quả nghiêm trọng ập đến đối với nạn nhân bị tàu tông và kéo lê hàng chục mét. Phó Chánh văn phòng phụ trách Ban ATGT tỉnh Lê Ngọc Sơn cho hay, trong 174 vụ tai nạn giao thông 9 tháng đầu năm nay, đường sắt xảy ra 5 vụ khiến 4 người chết và 1 người bị thương. Hầu hết nguyên nhân người dân cố tình băng qua đường sắt mà không để ý trước sau. “Chỉ một hành động nhỏ là dừng lại quan sát, ấy vậy mà họ lại không thực hiện” - ông Lê Ngọc Sơn bày tỏ. Một cảnh sát giao thông thì kể, người lớn bị “tuýt còi” do hành vi không đội MBH cho trẻ đã 7, 8 tuổi, họ lập tức lấm liếp phân trần rằng nhà nghèo không có tiền để sắm. Tuy nhiên, trên xe lại đang treo món đồ chơi vừa mua tặng chúng với giá trị chẳng hề nhỏ. Để chung tay bảo vệ an toàn cho trẻ, Ủy ban ATGT quốc gia đã phối hợp trao tặng MBH cho học sinh tiểu học (năm học 2017 - 2018), đồng thời trao MBH cho trẻ bước vào lớp 1 qua 2 năm học liên tiếp (2018 - 2019, 2019 - 2020). Rõ ràng, nhiều bậc làm cha làm mẹ đã không thực hiện bảo vệ cho con trẻ trước nguy cơ tiềm ẩn tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An toàn từ việc đơn giản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO