An toàn vệ sinh thực phẩm: Đã tạm yên tâm?

PHAN HẠO NHIÊN 22/05/2015 09:08

Đợt thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn toàn tỉnh vừa kết thúc với kết luận “an toàn trong mức kiểm soát”. Tuy nhiên…

Rau đã an toàn?

Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành trong Tháng hành động ATVSTP, khi điều tra, phỏng vấn 50 hộ nông dân tại 5 vùng sản xuất rau (Đại An - Đại Lộc, Điện Minh - Điện Bàn, Duy Phước - Duy Xuyên, Trà Quế - Hội An, Trường Xuân - Tam Kỳ), kiến thức áp dụng trong sản xuất rau của người dân rất vững. Như sử dụng đúng loại thuốc có trong danh mục được phép sử dụng, xử lý bao bì, bảo hộ lao động, không sử dụng chất kích thích sinh trưởng. Tuy nhiên, vẫn có 30% hộ nông dân không sử dụng đúng loại thuốc cũng như sử dụng chất kích thích tăng trưởng. Ông Nguyễn Văn Tân - Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho hay: “Kết quả thu thập cho thấy, hầu hết nông dân đều nắm được cơ bản đặc điểm, công dụng của các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để sử dụng trên cây rau. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn số người trồng rau nhưng lạm dụng thuốc BVTV, sử dụng thuốc BVTV nhiều lần trên vụ, phun thuốc không chú ý đến thời gian cách ly; còn sử dụng thuốc có độ độc cao, làm ảnh hưởng đến chất lượng rau, nhất là các hộ sản xuất rau ngoài mô hình VietGAP”.

Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với tiểu thương kinh doanh thịt tại chợ Thanh Quýt (Điện Thắng Trung, Điện Bàn). Ảnh: P.H.N
Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với tiểu thương kinh doanh thịt tại chợ Thanh Quýt (Điện Thắng Trung, Điện Bàn). Ảnh: P.H.N

Được biết, cả tỉnh hiện có hơn 600 đại lý được cấp giấy phép kinh doanh thuốc BVTV. Mỗi năm, Chi cục BVTV cũng tổ chức tập huấn kiến thức sử dụng thuốc BVTV và nâng cao kiến thức về thuốc cho người dân trồng rau thông qua các nguồn ngân sách sự nghiệp của tỉnh, huyện và các chương trình mục tiêu. Tuy nhiên, ông Tân thừa nhận, quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV của người dân là không dễ. Đó là chưa nói đến việc bán thuốc BVTV tràn lan, vô tội vạ. Ông Nguyễn Văn Tân nói: “Ba năm nay, chi cục chưa phát hiện cơ sở nào bán thuốc ngoài danh mục, thuốc không đạt chất lượng thì có bán ở một vài nơi”. Mới đây nhất, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 8 cơ sở trong 12 cơ sở được thanh tra, kiểm tra vi phạm các nội dung như sắp xếp hàng hóa thuốc BVTV, phân bón không theo chủng loại, không có kệ giá, kệ chứa đựng hàng hóa theo quy định. Thậm chí, có đơn vị không có cam kết bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh phân bón và sắp xếp phân bón chưa đảm bảo.

Dàn trải và phân tán

Qua một tháng thanh tra, kiểm tra chất lượng ATVSTP ở mặt hàng thực phẩm tươi, ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh nói: “Thực tế không ở mức kinh khủng như truyền thông đăng tải thông tin mất ATVSTP ở một số địa phương trong cả nước”. Kết quả thử nhanh với 4 mẫu rau tại các hộ buôn bán rau chợ Thăng Bình đều âm tính với dư lượng thuốc BVTV. Ngoài ra, trong 140 cơ sở (5 cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, 3 trang trại nuôi heo, 132 quầy bán thịt heo, bò tại chợ) chỉ có 7 cơ sở vi phạm, chuyển địa phương xử lý. Đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương) chủ trì cũng phát hiện và xử lý chủ yếu các trường hợp vi phạm về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP, giấy khám sức khỏe, giấy tập huấn kiến thức ATVSTP... Chỉ có 2 cơ sở kinh doanh chả không đảm bảo, buộc phải tiêu hủy tại chỗ 8,25kg chả các loại. Trên lĩnh vực quản lý thú y, thanh tra chuyên ngành kiểm tra 60 cơ sở gồm kinh doanh thức ăn, 32 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, lấy 3 mẫu thuốc thú y, 5 mẫu thức ăn chăn nuôi để xét nghiệm các chỉ tiêu về protein thô, lysine, hàm lượng thuốc kháng sinh theo công bố của nhà sản xuất. Theo đó, phát hiện 9 trường hợp vi phạm hành chính như không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, không có chứng chỉ hành nghề, kinh doanh thuốc hết hạn sử dụng và 1 trường hợp thuốc không có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam. Các mẫu xét nghiệm vẫn đang chờ kết quả.  

 “Hầu hết lỗi vi phạm là thủ tục hành chính. Trường hợp kinh doanh thực phẩm thiếu ATVSTP cũng có nhưng ít, không phổ biến và dàn trải” - ông Nguyễn Cam, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh nhận xét. Nhưng, chính bản thân các nhà quản lý về ATVSTP lại “vấp” vào một vướng mắc: dàn trải và phân tán trong kiểm soát, xử lý trên lĩnh vực ATVSTP khi phân chia trách nhiệm cho quá nhiều ngành. Nhiều người thừa nhận, ở một vài trường hợp, chính bản thân họ còn thấy rối rắm. Thêm vào đó, các cơ quan quản lý về ATVSTP ở các ngành đều thiếu con người lẫn kinh phí. “Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT) có tổng cộng 12 người, không có thiết bị kiểm tra, thử mẫu. Kinh phí kiểm tra mỗi năm khoảng 200 triệu đồng được cấp từ Chương trình mục tiêu quốc gia về ATVSTP. Để kiểm tra liên tục và quanh năm thực sự khó khăn, nên chỉ làm theo đợt” - ông Phan Quang Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, cho biết.

PHAN HẠO NHIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An toàn vệ sinh thực phẩm: Đã tạm yên tâm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO