An toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn công nghiệp: Nỗi lo đến từ bữa ăn

QUANG VIỆT - DIỄM LỆ 05/11/2019 10:35

Đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cũng chính là đảm bảo sức khỏe của công nhân và “sức khỏe” của doanh nghiệp. Nhưng nhiều sự cố về ATTP ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cho thấy những bất cập về quản lý, giám sát, xử lý. Việc đảm bảo ATTP cho công nhân đòi hỏi trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý.

Một bữa ăn ca của người lao động tại một doanh nghiệp ở Duy Xuyên. Ảnh: D.L
Một bữa ăn ca của người lao động tại một doanh nghiệp ở Duy Xuyên. Ảnh: D.L

TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP

Bữa ăn của công nhân có đảm bảo hay không phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp. Bằng trách nhiệm và cái tâm của người chủ sử dụng lao động, bữa ăn dành cho lao động của họ cũng sẽ khác nhau.

Nơi tốt, nơi chưa

Chúng tôi đến một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Duy Xuyên đúng vào lúc nhà bếp đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho công nhân. Tại 3 bếp ăn tập thể của Công ty Sedo Vinako, Công ty Sơn Hà Duy Xuyên, Công ty Đại Dương Kính, mọi thứ đều rất gọn gàng, ngăn nắp. Bữa ăn trưa từ 15 đến 20 nghìn đồng/suất, với điểm chung là có đủ món mặn, rau, canh và tráng miệng. Các doanh nghiệp này đều có bếp tập thể nấu ăn cho công nhân. Thực phẩm tươi sống nhập về có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt là có bảo hiểm đảm bảo ATVSTP.

Bà Nguyễn Thị Duyên - Bếp trưởng bếp ăn tập thể Công ty Sơn Hà Duy Xuyên cho biết: “Để được vô đây làm thì yêu cầu đầu tiên là sức khỏe của nhân viên phải tuyệt đối an toàn, nhất là không có bệnh lây nhiễm. Thức ăn tươi sống được đơn vị cung ứng hằng ngày lúc 5 giờ sáng, có bộ phận kiểm tra trước khi nhập hàng. Sau đó chúng tôi chế biến tại chỗ. Bữa ăn ở đây dành cho tất cả người lao động, kể cả bộ phận quản lý công ty. Làm nghề nấu ăn như tôi sợ nhất là có sự cố về thực phẩm, công ty đã thận trọng thì mình phải hết sức cẩn thận, chớ không là bị sa thải. Thức ăn phải được kiểm tra kỹ, nấu nướng phải che đậy an toàn, đảm bảo các khâu đều phải sạch sẽ. Bởi chỗ nấu ăn có đồ tươi sống, nếu để xuất hiện ruồi nhặng sẽ làm thức ăn hỏng ngay”.

Tiếp cận một cơ sở nấu ăn phục vụ bữa ăn trưa của công nhân đang sản xuất ở một công ty thuộc Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được (Bình Phục, Thăng Bình), chúng tôi ngỡ ngàng với các công đoạn chế biến thực phẩm. Khu nấu ăn là gian phòng chật hẹp, mạng nhện và tường nhà loang lổ. Trong quá trình nấu ăn, đầu bếp ăn không sử dụng bảo hộ lao động, không đeo khẩu trang, không dùng bao tay mà trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm chế biến. Khi được hỏi, chị T. - chủ cơ sở nấu ăn cho biết, mỗi suất ăn chưa đến 15 nghìn đồng, tính cả tiền vận chuyển, lợi nhuận ít nên không đủ vốn để đầu tư cho các công đoạn nấu ăn được bài bản. Về nguồn gốc xuất xứ của nguồn nguyên liệu nấu ăn, chị T. cho biết, mua ở khắp nơi, chỗ nào rẻ thì mua. Không có bất cứ hóa đơn, chứng từ nào chứng thực các nguồn nguyên liệu nấu ăn “đủ chuẩn”. Các loại thịt heo, thịt bò, trứng gà, rau, quả đều không có hợp đồng mua bán.

Kiểm tra không thường xuyên

Ông Lê Chính Đông - Chủ tịch LĐLĐ huyện Duy Xuyên cho biết: “Với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, chúng tôi phối hợp với các công đoàn cơ sở đôn đốc các công ty nâng chất lượng bữa ăn ca cho người lao động. Nơi nào có sự quan tâm của lãnh đạo công ty thì nơi đó công nhân được ăn bữa ăn chất lượng, nơi nào còn hạn chế thì công nhân chịu thiệt. Còn việc đi kiểm tra, vào doanh nghiệp thì luôn phải báo trước cho họ, nên lúc mình đến mọi thứ đều tốt. Nếu có nơi nào chưa tốt thì chỉ khi công nhân họ báo hay họ phản ứng mới có thể biết mà đến chấn chỉnh được. Trên địa bàn huyện chưa xảy ra vụ nào liên quan đến sự cố thực phẩm, nên tạm thời xem như bữa ăn cho người lao động vẫn đang được các doanh nghiệp quan tâm”.

Theo ông Lê Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm phát triển Công nghiệp - thương mại - dịch vụ Thăng Bình, ở cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được hiện có 14 doanh nghiệp hoạt động. Trong đó, có doanh nghiệp thuê cơ sở nấu ăn bên ngoài vào nấu tại bếp ăn tập thể, phục vụ suất ăn trưa và bữa ăn tăng ca của công nhân, có doanh nghiệp lựa chọn cơ sở nấu ăn ngay sát cụm công nghiệp và đặt hàng nấu ăn rồi vận chuyển vào phục vụ công nhân.

“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền vận động các doanh nghiệp lựa chọn các cơ sở nấu ăn đảm bảo chất lượng để ký hợp đồng phục vụ bữa ăn công nhân được bài bản, tránh ngộ độc thực phẩm. Chúng tôi cũng vận động các công đoàn cơ sở quan tâm kiểm tra, giám sát quá trình chế biến thức ăn ở các bếp ăn tập thể. Chất lượng của bữa ăn công nhân phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp chứ công tác kiểm tra của các đoàn liên ngành không thường xuyên, không đột xuất nên khó nhận diện những cái khó để có giải pháp phù hợp” - ông Huy nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện vẫn có hơn 50% doanh nghiệp ở các cụm công nghiệp chưa tổ chức được bếp ăn tập thể, một số có tổ chức bếp ăn tập thể nhưng lại “bỏ mặc” cho đơn vị cung cấp dịch vụ tự làm. Thực tế cho thấy, do giá cả suất ăn thấp nên bữa ăn trưa và bữa ăn ca của người lao động tại không ít doanh nghiệp không đảm bảo chất lượng thực phẩm. Một số cơ sở nấu ăn chế biến thức ăn trong các điều kiện không đảm bảo nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. Nhiều nơi, thức ăn chín và các nguyên liệu chế biến thức ăn để bừa bộn dưới nền nhà, không được che đậy cẩn thận.

Đáng quan ngại ở chỗ, công đoàn cơ sở với nhiệm vụ chăm lo đời sống của công nhân ở nhiều công ty, doanh nghiệp lại thiếu quan tâm đến bữa ăn của công nhân mà hệ lụy rõ ràng nhất là công nhân ngừng việc tập thể do chất lượng bữa ăn ca không đảm bảo. Hơn nữa, do nhu cầu về suất ăn cho công nhân ở các khu công nghiệp lớn nên không ít doanh nghiệp đã không thể quán xuyến, chu toàn mà khoán trắng cho nhà cung cấp suất ăn cho công nhân.

NHIỀU BẤT CẬP

Luật về ATTP không có bổ sung sửa đổi nhưng nhiều nghị định liên quan về ATTP đã được ban hành, trong đó có nghị định không có thông tư hướng dẫn triển khai khiến cho các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh lúng túng.

Bữa ăn ca tại Công ty Panko Tam Thăng sau khi xảy ra sự cố thực phẩm đã có sự giám sát chặt chẽ hơn từ khâu nhập thực phẩm đến chế biến. Ảnh: D.L
Bữa ăn ca tại Công ty Panko Tam Thăng sau khi xảy ra sự cố thực phẩm đã có sự giám sát chặt chẽ hơn từ khâu nhập thực phẩm đến chế biến. Ảnh: D.L

Chủ yếu khắc phục sau sự cố

Điểm lại một số vụ ngưng việc tập thể xảy ra trên địa bàn tỉnh năm 2018, 2019, có thể thấy một trong những nguyên nhân đến từ bữa ăn ca không đảm bảo, hoặc chất lượng quá thấp. Với người lao động, bằng mắt thường, họ không thể nhận biết bữa ăn đó có an toàn hay không nếu không xảy ra sự cố. Họ chỉ có thể biết nó có đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng của bản thân hay không.

Chị N.T.L., một công nhân làm việc tại một công ty đã từng xảy ra vụ việc lãn công vì chất lượng bữa ăn thấp tại cụm công nghiệp Tam Đàn (Phú Ninh) nói: “Đối với chúng tôi, bữa ăn cần có đủ dưỡng chất thì mới cải thiện được sức khỏe mà làm việc. Từ sau vụ đình công năm 2018, đến nay công ty đã quan tâm hơn đến chất lượng bữa ăn, bằng cách tăng bữa ăn trưa lên 15 nghìn đồng/suất, không tính đến tiền gas, điện, nước. Chúng tôi ăn trưa thấy vừa miệng, no bụng là thấy đảm bảo rồi. Còn việc có an toàn hay không thì chúng tôi không thể biết được, vì công ty lấy thực phẩm ở đâu, do ai cung cấp chúng tôi không biết. Đó là việc của nhà bếp, của công ty, còn khi nào có sự cố thì công nhân chỉ còn cách phản ứng để đòi hỏi quyền lợi”.

Quay lại với vụ việc ngưng việc tập thể do sự cố thực phẩm tại Công ty Panko Tam Thăng hồi tháng 9 vừa qua, qua làm việc với lãnh đạo công ty này có thể thấy họ nhập thực phẩm từ một công ty lớn do người Hàn Quốc làm chủ, quản lý là người Việt. Thực phẩm được công ty này chuyên chở từ TP.Hồ Chí Minh, có kho đông lạnh bảo quản tại TP.Hội An và được vận chuyển vào công ty mỗi buổi sáng sớm.

Sau sự cố, lãnh đạo Công ty Panko cùng với công đoàn cơ sở kiểm soát đầu vào của thức ăn kỹ càng hơn, giám sát từng khâu chế biến thực phẩm của nhà bếp. Như lãnh đạo của Công ty Panko nói thì việc kiểm soát được làm kỹ, nhưng khi sự cố xuất hiện họ trở tay không kịp. Việc nấu ăn cho 6.700 người lao động không hề đơn giản, chỉ một sự cố nhỏ đã khiến công ty thiệt hại nặng nề nên công ty sẽ hết sức thận trọng. Về phần người lao động, họ nói rằng từ sau sự cố, họ đã cẩn thận hơn trong ăn uống.

Chị T.T.Tr. nói: “Cảm giác nhợn nhợn khi ăn trưa vẫn còn những ngày sau khi phát hiện giòi, trứng ruồi trong thức ăn. Nhưng chúng tôi vẫn phải ăn để có sức làm việc, nên chúng tôi tự kiểm tra vậy. Trước mỗi bữa ăn, tôi luôn kiểm tra kỹ phần ăn của mình xem có cái gì lạ không, rồi mới ăn. Tôi thấy công ty luôn có quản lý ở bếp ăn, công đoàn cơ sở cũng có người giám sát nên yên tâm phần nào. Tôi chỉ mong mọi thứ an toàn, để chúng tôi làm việc vì sắp tết rồi, hàng hóa nhiều, mà lao động cũng phải có thu nhập để lo cho gia đình”.

Bất cập quy định

Trước đây, các cơ sở nấu ăn bắt buộc phải được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP nhưng sau đó quy định này bị bỏ. Thay vào đó, các cơ sở nấu ăn phải ký cam kết đảm bảo ATTP với công ty, doanh nghiệp. Từ năm 2018 đến nay quy định trên cũng bị bỏ nên hiện nay, các cơ sở nấu ăn không cần giấy phép nào vẫn có thể hoạt động. Khi các thủ tục hành chính được giảm đi thì đòi hỏi cơ sở nấu ăn phải tăng trách nhiệm và công tác hậu kiểm của cơ quan chức năng cần được nâng cao nhưng đã không khả thi.

Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong năm 2018, toàn tỉnh có 360 bếp ăn tập thể ở các khu, cụm công nghiệp nhưng ngành chức năng chỉ kiểm tra được 4 bếp ăn tập thể. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 365 bếp ăn tập thể nhưng cũng chỉ có 6 bếp ăn tập thể đón tiếp đoàn kiểm tra của tỉnh. Các lần kiểm tra, thanh tra chỉ được tiến hành theo kế hoạch, ngành chức năng thông báo trước lịch kiểm tra, thanh tra chứ không tiến hành đột xuất nên xảy ra nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: “Lực lượng của chi cục chỉ có 10 người, quá mỏng, không thể tiến hành thanh tra, kiểm tra hết các bếp ăn tập thể ở các khu, cụm công nghiệp. Còn ở tuyến huyện, chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ nên quản lý còn bất cập, khó đảm bảo ATTP cho công nhân”.

Theo hồ sơ kiểm tra của một số bếp ăn mà Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã thực hiện, nhiều bếp ăn tập thể không được thiết kế và tổ chức theo nguyên tắc một chiều; không bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường; không tách biệt với nhà vệ sinh và các nguồn ô nhiễm. Nhiều bếp ăn tập thể và các cơ sở nấu ăn phục vụ công nhân ở các khu, cụm công nghiệp không ghi chép sổ kiểm thực 3 bước, sổ lưu mẫu thức ăn theo quy định.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh không có trung tâm kiểm định thực phẩm, khi phát hiện nghi vấn, lấy mẫu thực phẩm đi xét nghiệm thì đến 7 ngày sau mới có kết quả, lúc đó chuyện đã rồi. Nhiều khi, đoàn kiểm tra, thanh tra phát hiện sai phạm của các bếp ăn tập thể thì chủ yếu chỉ dừng lại mức nhắc nhở, xử phạt không đủ sức răn đe. Nguyên nhân của những khó khăn về quản lý ATTP ở các khu, cụm công nghiệp chủ yếu là do ban chỉ đạo liên ngành về ATTP của các địa phương, các cấp chưa thực sự quan tâm, sâu sát dẫn đến bất cập trong phòng chống các nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Các cơ quan chức năng cho rằng, rất cần những giải pháp đồng bộ, toàn diện để khắc phục những tồn tại nói trên.

CẦN CỘNG ĐỒNG TRÁCH NHIỆM

Chú trọng tuyên truyền, vận động để các cơ sở nấu ăn phục vụ công nhân ở các khu, cụm công nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm, đảm bảo chất lượng bữa ăn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là các giải pháp để tránh ngộ độc thực phẩm, gây ảnh hưởng xấu đến sức lao động của công nhân cũng như “sức khỏe” của doanh nghiệp.

Kiểm tra bữa ăn ca dành cho người lao động cần được thực hiện thường xuyên hơn. Ảnh: D.L
Kiểm tra bữa ăn ca dành cho người lao động cần được thực hiện thường xuyên hơn. Ảnh: D.L

Ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục  An toàn vệ sinh thực phẩm: Cần nâng cao trách nhiệm, tăng cường kiểm tra

ATTP ở các doanh nghiệp có hơn 500 công nhân thuộc phạm vi quản lý của cấp tỉnh, từ 50 đến 500 công nhân thuộc quản lý cấp huyện, dưới 50 thuộc phạm vi cấp xã. Trong khi cán bộ chuyên trách cấp tỉnh thiếu thì cán bộ cấp huyện, xã chỉ phụ trách, kiêm nhiệm nên việc quản lý ATTP nói chung là vừa thiếu vừa yếu. Do vậy, đội ngũ quản lý ATTP cấp huyện, cấp xã cần được tập huấn, đào tạo bài bản để đáp ứng nhu cầu kiểm tra, chấn chỉnh ATTP.

Công tác tuyên truyền cần chú trọng hơn và đi trước một bước để giúp doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm về ATTP, hiểu rõ các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện bài bản, nền nếp hơn. Tôi cho rằng, mỗi năm chỉ có vài đợt thanh tra, kiểm tra ATTP là quá ít. Thêm nữa, sự phối hợp của các cơ quan y tế, công thương, nông nghiệp còn chồng chéo, nên chăng cần tăng cường vai trò của công an tỉnh. Nhất là các cơ sở nấu ăn, cần nâng cao trách nhiệm, hạn chế chạy theo lợi nhuận mà cung cấp cho công nhân suất ăn không đảm bảo chất lượng do sử dụng nguyên liệu không đảm bảo ATTP.

Việc xử lý vi phạm về ATTP trong thời gian qua còn nhẹ tay, chủ yếu chỉ nhắc nhở, việc này cần được khắc phục, xử lý đủ sức răn đe. Nếu như doanh nghiệp nào cố tình vi phạm các quy định về ATTP, chất lượng bữa ăn quá thấp kém để xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động thì tổ chức công đoàn và người lao động có thể khởi kiện giám đốc doanh nghiệp và khi đó chính doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật vì đã không quan tâm thực hiện tốt các quy định về ATTP. Có như vậy mới bảo vệ được sức khỏe cho người lao động.

Ông Nguyễn Ngọ - Trưởng Ban quản lý Khu  công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc: Chuyên nghiệp để đảm bảo chất lượng suất ăn

Ở khu công nghiệp này có rất nhiều doanh nghiệp lớn, nước ngoài đầu tư như Pepsi, Coca Cola, Heineken, Đồng Tâm, Rieker với đơn hàng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu rất lớn nên họ phải đảm bảo chất lượng bữa ăn trưa và bữa ăn tăng ca cho công nhân. Nhiều doanh nghiệp đã tự lo bữa ăn cho công nhân, công nhân không phải đóng góp khoản tiền 20 - 30 nghìn đồng/suất ăn nên yên tâm sản xuất, dành tâm huyết cho công việc. Công đoàn cơ sở ở khu công nghiệp rất quan tâm đến đời sống của công nhân, bên cạnh việc kiểm tra, giám sát bữa ăn tập thể, họ đề xuất ban lãnh đạo doanh nghiệp tăng thêm các hình thức hỗ trợ, nhất là các suất ăn trong mỗi ngày làm việc.

Các doanh nghiệp cũng đã huy động rất nhiều nhà cung cấp và lựa chọn các cơ sở uy tín, chất lượng để nấu ăn cho công nhân, tránh ngộ độc thực phẩm, tăng giá trị bữa ăn. Doanh nghiệp nước ngoài rất chuyên nghiệp, họ ý thức rằng, sức lao động của công nhân là điều kiện tiên quyết đảm bảo “sức khỏe” của doanh nghiệp nên họ chăm sóc bữa ăn công nhân rất chu đáo. Tôi nghĩ việc này không quá khó, cần nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Ông Phan Minh Á - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh: Phối hợp trong thanh tra và đôn đốc từ công đoàn cơ sở

Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành như Sở LĐ-TB&XH, Y tế, Công an tỉnh... kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp, trong đó có kiểm tra ATTP tại bếp ăn, suất ăn cho công nhân. Việc kiểm tra chủ yếu để nhắc nhở, chấn chỉnh những điều chưa tốt, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện tốt hơn, chứ việc xử phạt rất hiếm khi xảy ra. Chỉ doanh nghiệp nào có nhiều hạn chế mà kiểm tra vài lần vẫn không khắc phục thì các cơ quan chức năng mới tính đến việc xử phạt hành chính.

Với trách nhiệm của công đoàn, là cơ quan kiến nghị và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các công đoàn cơ sở chăm lo cho người lao động, bằng cách kiến nghị, phối hợp với chủ sử dụng lao động nâng chất lượng bữa ăn cho công nhân. Thường thì các doanh nghiệp hay tính bữa ăn là 15 hay 20 nghìn đồng có cả tiền công nấu ăn, điện, gas, nước. Chúng tôi kiểm tra nếu có yếu tố này thì yêu cầu doanh nghiệp nên tách bạch ra, các phụ phí khác không tính vào suất ăn mà 15 hay 20 nghìn đồng đó chỉ tính cho phần cơm, thức ăn và gia vị dùng nấu ăn. Nhiều doanh nghiệp có tiếp thu và sửa đổi, nâng chất lượng bữa ăn ca cho công nhân tốt hơn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
An toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn công nghiệp: Nỗi lo đến từ bữa ăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO