Ấn tượng lễ hội sâm núi Ngọc Linh

BÍCH LIÊN - NGUYỄN DƯƠNG 02/08/2018 07:52

Tin liên quan

  • Độc đáo lễ hội thi sâm Ngọc Linh (lần II)
  • Hương sắc sâm Ngọc Linh
  • Nam Trà My có trang tin thực tế ảo du lịch vùng sâm
  • Tưng bừng lễ hội sâm Ngọc Linh

(QNO) - Trong dịp kỷ niệm 15 năm tái lập huyện, Nam Trà My cũng đồng thời tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 2 - năm 2018 với chủ đề "Hương sắc Ngọc Linh" (diễn ra từ ngày 1 - 3.8). Hoạt động tại lễ hội này để lại nhiều ấn tượng cho du khách đến tham gia sự kiện.

Các chương trình nghệ thuật “Hương sắc Ngọc Linh”, hội thi sâm và hội chợ sâm Ngọc Linh, trưng bày triển lãm ảnh nghệ thuật về chủ đề sâm Ngọc Linh, lễ rước biểu tượng sâm Ngọc Linh, giới thiệu hàng nông sản đặc trưng miền núi, hội trại truyền thống và các trò chơi dân gian… đã thu hút đông đảo quan khách, người dân địa phương tham dự, hưởng ứng.

Trao giải cho các tác giả đạt giải ảnh nghệ thuật về sâm Ngọc Linh
Trao giải cho các tác giả đạt giải ảnh nghệ thuật về sâm Ngọc Linh

Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, lễ hội lần này nhằm quảng bá, giới thiệu đến với bạn bè trong và ngoài nước loại cây dược liệu quý, hiếm của nước ta, trong đó có sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam, kỳ vọng các sự kiện này sẽ đưa sâm Ngọc Linh trở thành cây dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao, được thế giới biết đến như sâm Hàn quốc, sâm Mỹ, sâm Nga, sâm Canada… Sự kiện cũng bao gồm nhiều hoạt động giao thương, văn hóa văn nghệ thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà đầu tư, tạo cơ hội quảng bá du lịch và thu hút đầu tư cho ngành dược liệu, nông nghiệp sạch của Nam Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung…

Sâm Ngọc Linh có từ bao đời nay tại vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Nam Trà My và huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, đây là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch trên 15.000ha để trồng sâm; phong trào trồng sâm trong nhân dân phát triển mạnh mẽ, số hộ trồng sâm tăng lên đến 1.500 hộ với diện tích trồng là 1.600ha, tại 7/10 xã được quy hoạch. Giá sâm Ngọc Linh không ngừng tăng lên thời gian qua. Các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng sâm, sản xuất sản phẩm từ sâm. Đặc biệt, phong trào trồng sâm đi đôi với công tác bảo vệ và phát triển rừng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư trên đỉnh Ngọc Linh…

Độc đáo nghi thức rước biểu tượng sâm

Tại hội sâm năm nay, nghi thức rước biểu tượng sâm Ngọc Linh thu hút sự quan tâm của quan khách, và người dân. Đội chiêng trống và tốp múa người Xơ Đăng do các già làng vùng sâm dẫn đầu đã thực hiện nghi thức rước biểu tượng sâm Ngọc Linh về trung tâm hội chợ, làm lễ cúng thần linh, sau đó biểu tượng được trưng bày tại trung tâm hội chợ để người dân và du khách tham quan.

Nghi thức rước biểu tượng sâm Ngọc Linh
Nghi thức rước biểu tượng sâm Ngọc Linh

Nghi thức rước biểu tượng sâm gắn liền với truyền thuyết sâm Ngọc Linh của đồng bào Xơ Đăng vùng Nam Trà My.

Chuyện ngày xưa, vùng đất Ngọc Linh nơi đây có đôi vợ chồng thầy lang sinh ra một người con gái mắt đen tròn, da trắng ngần, mái tóc dài mềm như dòng suối, làm say đắm bao chàng trai. Ngày ngày, nàng theo cha đi hái lá rừng về làm thuốc giúp dân làng chữa bệnh. Đồng bào Xơ Đăng được sống trong yên bình, hạnh phúc, không còn sợ con ma rừng gieo rắc ốm đau chết chóc.

Một ngày nọ, trời đất bổng nổi cơn giông tố, cô gái đi hái thuốc trong rừng không về nữa, các chàng trai chia nhau đi tìm mà không thấy. Vợ chồng thầy lang thưởng nhớ con cũng ngã bệnh mà chết, dân làng Xơ Đăng càng buồn hơn khi vắng bóng gia đình thầy lang nhân hậu. Rồi một hôm, giữa trưa hè oi ả, bỗng một tiếng nổ lớn, sấm chớp giông tố nổi lên, mọi người sợ hãi tìm nơi trú ẩn. Thiên nhiên nổi giận khi con người chặt phá rừng, làm ô nhiễm môi trường, nguồn nước và bệnh tật, chết chóc lan dần ra các bản làng. Cô con gái thầy lang lên rừng hái thuốc không về nữa và đã hóa thân thành cây sâm trên đỉnh núi Ngọc Linh. Được sự dẫn đường của con bướm vốn là linh hồn cô gái, dân làng đã tìm đến ngọn núi Ngọc Linh xa xôi để lấy cây thuốc giấu về chữa bệnh, cứu nhiều người thoát khỏi bệnh tật. Đức hạnh của cô gái được dân làng Xơ Đăng xem như viên ngọc quý và ngọn núi mà cô gái nằm lại được đặt tên là núi Ngọc Linh...

Bán sâm Ngọc Linh tại hội chợ.
Bán sâm Ngọc Linh tại hội chợ.

Già làng Hồ Văn Du (thôn 2, xã Trà Linh) - một trong những người dẫn đầu đoàn rước biểu tượng sâm chia sẻ, lễ rước biểu tượng sâm Ngọc Linh nhằm tri ân, cầu mong thần linh trên núi phù hộ cho con cháu, phù hộ cho buôn suối, buôn sông được sống no ấm, sung túc. Người dân vùng Ngọc Linh nói riêng, Nam Trà My nói chung cũng nguyện làm tốt công tác giữ rừng, không chặt phá rừng để cây sâm được phát triển dưới tán rừng.

Cũng theo già Du, lâu nay, cây sâm Ngọc Linh đã được dân làng xem là của để dành, nhiều gia đình khá giả còn trao cho con cái tài sản là cây sâm dưới tán rừng. Mỗi đứa trẻ đến ngày sinh nhật được cha mẹ và dân làng tặng những cây sâm giống trồng dưới tán rừng làm của để dành sau này. Là một trong những người có uy tín trong làng, già Hồ Văn Du cho biết sẽ tích cực vận động bà con, dân làng giữ rừng, trồng sâm để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững…

BÍCH LIÊN - NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ấn tượng lễ hội sâm núi Ngọc Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO