Ăn và lo…

ĐIỆN NAM 30/05/2014 09:29

“Ăn bữa nay lo bữa mai”, “Ăn tối lo mai”, đại để là lời ông bà ta dặn phải biết lo xa, tiên liệu và chuẩn bị mọi việc từ trước. Những căng thẳng từ tình hình biển Đông, với sự ngang ngược của Trung Quốc ngày càng lộ rõ, nên chuyện lo ngày mai làm ăn buôn bán với nước này thế nào đặt ra nhiều suy tư cho người Việt.

Ngẫm ra, lo cũng phải. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đạt hơn 50 tỷ USD năm 2013 (theo số liệu của Tổng cục Hải quan), là con số không nhỏ. Cán cân mậu dịch bất quân bình khi Việt Nam nhập từ Trung Quốc khoảng 37 tỷ USD, và chỉ xuất khẩu được hơn 13 tỷ USD. Tuy nhiên, 10% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thu được từ Trung Quốc, ngoài máy tính, linh kiện điện tử và các mặt hàng khác, còn chủ yếu là nhờ xuất số lượng lớn các mặt hàng như cao su, rau quả, thủy sản, gạo, hạt điều, tinh bột sắn… Do vậy, nếu căng thẳng bang giao ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu thì hẳn nhiên đối tượng dễ tổn thương là nông dân. Phân tích điểm này, tại diễn đàn Quốc hội, ông Mai Xuân Hùng (đại biểu Hậu Giang) tỏ ra lo lắng: “80% nguyên vật liệu đầu vào của Việt Nam đang phụ thuộc vào Trung Quốc, 60% xuất khẩu nông sản đang phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu tình hình biển Đông diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu, cần phải tính toán nhiều kịch bản về kinh tế”. Ở góc độ khác, về môi trường đầu tư, nhiều công trình, dự án lớn có nhà thầu Trung Quốc, có thể bị ngưng trệ nếu căng thẳng leo thang. Tóm lại, nói như đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), các nguy cơ có thể xảy ra nếu quan hệ Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục bất ổn: “Đó là nguy cơ nông sản giảm giá khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc giảm. Thiếu nguyên liệu phụ trợ cho công nghiệp dệt may hiện phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc có khả năng phát điện không đúng tiến độ. Tiềm ẩn sự đình trệ của các doanh nghiệp có nguồn vốn từ Trung Quốc. Sự phát triển của ngành du lịch bị ảnh hưởng”.

Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam để ứng phó với các tiên liệu trên là điều đáng suy ngẫm. Một số chuyên gia tỏ vẻ lạc quan khi cho đây là “cơ hội” để điều chỉnh chiến lược thu hút đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam nhằm ngăn ngừa sự phụ thuộc quá sâu vào Trung Quốc, tái cơ cấu lại ngành hàng và nâng cao chất lượng nông sản để xúc tiến thương mại thị trường đa phương hơn. Suy tính này có lẽ đúng, hơn thế khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, phát huy tính sáng tạo, vượt khó của người Việt. Dĩ nhiên, giải pháp thực thi không phải một sớm một chiều.

Trở lại vấn đề suy ngẫm cho sự lo xa. Không chỉ việc phải “ăn tối lo mai”, mà ông bà ta còn khuyên những câu độc đáo. Tỉ như câu “Ăn mắm thì ngắm về sau”. Ăn mắm phải liệu mà ăn, kẻo ăn nhiều quá thì sau sẽ khát nước. Nghĩa bóng là làm việc gì mình cũng phải nghĩ trước đến ảnh hưởng của việc đó về sau và nếu xét có ảnh hưởng xấu sau này thì đừng làm. Như vậy, những chuyện “ăn” trong đầu tư hay mậu dịch, cũng xét đó mà liệu thì ta sẽ tìm được cách chuyển hướng (ngắm có tốt mới nên làm). Lại nói về chọn bạn hàng, chọn “sân chơi” trên trường buôn bán, có lẽ phải lo xa với câu dặn dò “Ăn có chỗ, đỗ có nơi”.  Ăn phải có chỗ ăn uống ngon lành cẩn thận, ngủ (đỗ) phải có nơi chắc chắn, tử tế. Thời loạn lạc, khách bộ hành nhiều khi bị quân gian đánh thuốc mê, thuốc độc vào cơm nước để lột của, hoặc đặt cạm bẫy ở nhà trọ để hãm hại khách qua đường. Những nơi như thế gọi là “hắc điếm”, cái quán ngủ, quán cơm đen tối, ám muội. Việc mua móng trâu, mua lá điều, rễ tiêu, mua đỉa, mua trà trộn phân và bùn thối… của một số thương lái Trung Quốc, như cạm bẫy của “hắc điếm” mà ta  phải coi chừng.

ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ăn và lo…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO