Tròn 20 năm (1955 - 1975) hoạt động trong vùng địch kiểm soát tại Tam Kỳ, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau như: Đội trưởng Đội công tác vũ trang hoạt động khu tỉnh đường Quảng Tín, Phó ban Tuyên huấn Tam Kỳ, Bí thư Thị ủy Tam Kỳ... ông Trần Chí Thành đã để lại trong lòng đồng đội, nhân dân nhiều dấu ấn khó phai bởi những chiến công vang dội.
|
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bảy Thành chỉ bị bắt một lần vào tháng 10.1961, khi làm giao liên Huyện ủy Tam Kỳ. Bấy giờ, trục đường từ Chiên Đàn lên Cẩm Khê ở khu vực cống Lở nếu xe muốn chạy qua phải lách xuống đường mới chạy được. Nhắm địa thế thuận lợi cho việc gài mìn đánh xe, Bảy Thành báo cáo với tổ chức ý định đó. Được sự đồng ý của đồng chí Nguyễn Xuân Cúc - Huyện ủy viên, ông cùng một chiến sĩ trinh sát tiến hành gài mìn tại cống Lở vào lúc 3 giờ đêm 15.1.1961. Sáng hôm sau, chiếc xe chở 4 tên công dân vụ bị dính mìn chết tại chỗ. Trận đánh tuy nhỏ, nhưng diễn ra ngay trong sào huyệt của địch nên gây được tiếng vang lớn, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào khả năng tác chiến của ta. Ngược lại, bọn tay sai vô cùng hoang mang dao động. Chúng tổ chức bắt giam một số người mà chúng nghi ngờ, trong đó có Trần Chí Thành. “Trong tù, tôi tuyệt đối không khai báo và tiếp tục bí mật liên lạc với bên ngoài để thông báo tình hình cho tổ chức. Đến năm 1963, Diệm bị lật đổ, chính quyền mới thả tôi và một số anh em tù chính trị” - ông Thành nhớ lại.
Những trang giấy ghi lại hoạt động, công tác của nguyên Bí thư Thị ủy Tam Kỳ - Trần Chí Thành trong chống Mỹ. Ảnh: NGUYỄN SỸ LONG |
Ra tù, Trần Chí Thành báo cáo với tổ chức và được Bí thư Thị ủy Tam Kỳ - Đỗ Thế Chấp giao nhiệm vụ tiếp tục hoạt động hợp pháp, tập trung xây dựng cơ sở, diệt ác ôn, chuẩn bị thực lực phục vụ đồng khởi. Chấp hành sự phân công của trên, Bảy Thành liên lạc với các cơ sở cũ mà ông đã xây dựng, vận động 6 thanh niên vùng địch Kỳ Hương (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ bây giờ) thoát ly ra vùng cách mạng để xây dựng lực lượng. Thời gian này, bọn ác ôn tăng cường đánh phá phong trào, tên trưởng đoàn công dân vụ tỉnh Quảng Tín đã bắt đồng chí Đinh Huynh (cán bộ Huyện ủy Tam Kỳ ở lại sau năm 1954) tra tấn rồi thủ tiêu. Nhận thấy tên này còn sống ngày nào thì còn nguy hại đến tổ chức, tối 10.2.1964, Bảy Thành và hai cơ sở cải trang thành “quân giải phóng”, đột nhập vào nhà riêng của hắn, nổ súng tiêu diệt. Trận đánh như một đòn cảnh tỉnh khiến bọn ác ôn hoang mang, dao động đến nỗi phải trốn vào nội ô Tam Kỳ. Để đảm bảo bí mật, sau chiến công đó, cấp trên quyết định rút Bảy Thành thoát ly ra vùng giải phóng. Trước lúc đi, anh còn kịp vận động được 10 thanh niên cùng lên đường.
Tháng 10.1965, sau khi ta giải phóng xã Kỳ Mỹ (Tam Kỳ), Trần Chí Thành được tổ chức điều về Thị ủy Tam Kỳ làm Đội trưởng Đội công tác vũ trang khu tỉnh đường Quảng Tín. Ở đây, ông và đồng đội đã xây dựng được 160 cơ sở thường xuyên bám trụ trong lòng địch. Đặc biệt, ta còn thành lập một chi bộ Đảng gồm 7 đảng viên trong đó có các đồng chí: Nguyễn Bá Tuân (Xã trưởng), Huỳnh Hoài (Trung đội trưởng Dân vệ, Bí thư Chi bộ), Lê Thái Thịnh (Cảnh sát trưởng của xã)… Đây là lực lượng đóng vai trò rất lớn trong việc phát động quần chúng đấu tranh hợp pháp, đòi dân sinh dân chủ. Về cá nhân, họ đã gắn bó với Bảy Thành trong nhiều trận sinh tử, trong đó có chiến công tiêu diệt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quốc dân đảng tỉnh Quảng Tín - những tên Quốc dân đảng đã chôn sống hàng trăm cán bộ, nhân dân vùng Sơn - Cẩm - Hà (Tiên Phước) năm 1956. “10 giờ ngày 26.12.1965, tôi được đồng chí Nguyễn Bá Tuân báo cáo 19 giờ tối cùng ngày bọn Quốc dân đảng họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quốc dân đảng tại trụ sở Quốc dân đảng Quảng Tín ở số nhà 186 Phan Châu Trinh, Tam Kỳ” - ông Trần Chí Thành nhớ lại. Sau khi kiểm tra tình hình thực địa và bàn bạc với đồng chí Huỳnh Hoài, Bảy Thành quyết định dùng một ký thuốc nổ đánh sập căn nhà đúc bê tông một tầng này. Đúng 19 giờ 30 phút, Bảy Thành và một đồng chí trong đội công tác cải trang thành lính ngụy mang vũ khí do các cơ sở đưa đến trận địa đồng thời sẵn sàng tiếp ứng ở bên ngoài. Không khí căng thẳng đến nghẹt thở khi khối thuốc nổ được áp vào góc tường. Bốn chiến sĩ lặng lẽ rút êm và chờ đợi. Mấy phút sau, một tiếng nổ bùng lên, căn nhà sập nát. Năm tên Thường vụ Tỉnh ủy Quốc dân đảng và một tiểu đội biệt chính phải đền tội, tên Phan T. - Ủy viên Trung ương Quốc dân đảng bị thương nặng.
Trong thời gian làm Đội trưởng Đội công tác, dấu ấn của Bảy Thành còn được khắc ghi trong các chiến công: bắt tên lưới trưởng tình báo F8, tiêu diệt Mỹ lết tại Kỳ Quế ngày 23 và 24.4.1967, chỉ huy trưởng khu tỉnh đường Quảng Tín trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968, chỉ đạo tổng tấn công giải phóng thị xã Tam Kỳ ngày 24.3.1975... Có thể thấy, trong mỗi bước trưởng thành của nguyên Bí thư Thị ủy Tam Kỳ - Trần Chí Thành luôn hiện hữu hình bóng của người dân xứ Quảng dành cho cách mạng, đúng như trong một bản báo cáo ông đã viết: “Thành tích của cá nhân tôi cũng là thành quả chung của đồng đội và nhân dân thị xã Tam Kỳ trong những năm chống Mỹ, cứu nước đầy cam go và ác liệt”.
Đất nước ca khúc khải hoàn, người đội trưởng năm xưa chuyển sang làm Phó Giám đốc Sở Lương thực tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Giám đốc Công ty Lương thực tỉnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.Đà Nẵng. Ông về hưu năm 2002, nhưng đến nay vẫn chưa chịu nghỉ vì còn… nặng nợ với nhân dân.
____________________________
Kỳ cuối: Chưa về với đời thường
NGUYỄN SỸ LONG