Tối 28.3 (giờ địa phương), Thủ tướng Anh Theresa May đã ký bức thư mang tính lịch sử đánh dấu việc chính thức khởi động tiến trình đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit).
Nhiều khó khăn được dự báo trong tiến trình thực hiện Brexit. Ảnh: Internet |
Bức thư sẽ được Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow chuyển đến Chủ tịch EU Donald Tusk tại trụ sở EU ở Brussels (Bỉ) vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 29.3. Qua đó chính thức thông báo việc rời khỏi Liên minh châu Âu, bằng cách kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Mặc dù thực hiện đúng lịch trình kích hoạt Điều 50 vào cuối tháng 3, nhưng Thủ tướng Anh Theresa May có thể sẽ phải chờ thêm 4 - 6 tuần nữa để chính thức ngồi vào bàn đàm phán với EU. Trong khoảng thời gian này, 27 thành viên EU sẽ tìm kiếm sự đồng thuận về việc khởi động tiến trình đàm phán Brexit với Anh.
Cùng ngày, bà May chủ trì một cuộc họp nội các và có bài phát biểu trước quốc hội để xác nhận với các nghị sĩ về tiến trình đếm ngược tới ngày rời khỏi EU. Được biết, trong tối 28.3, bà May đã có các cuộc điện đàm với Chủ tịch EU Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, trong các cuộc điện đàm, các nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng “một châu Âu mạnh mẽ là lợi ích của tất cả các bên và nước Anh vẫn sẽ là một đồng minh tin cậy và gần gũi”. Điều 50 của Hiệp ước Lisbon sẽ cho phép các bên có 2 năm để đi đến thỏa thuận. Nếu không có gì bất thường xảy ra, Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29.3.2019 sau 44 năm gắn bó.
Trước sự kiện này, ông Michel Barnier - Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, đã viết trên mạng Twitter rằng, tất cả 27 thành viên còn lại của liên minh này đã sẵn sàng áp đặt những biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động hải quan. Đặc biệt, ông Barnier cho biết, Anh có thể sẽ phải trả cho EU từ 55 - 60 tỷ euro (tương đương 59 - 65 tỷ USD). “Không có giá cho một quốc gia để rời khỏi liên minh, nhưng chúng tôi phải giải quyết các vấn đề. Không hơn không kém” - nhà lãnh đạo EU Michel Barnier nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà May luôn giữ thái độ cứng rắn về các cuộc đàm phán với EU, đặc biệt trong vấn đề nhập cư và thương mại. Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ đáp ứng nhu cầu chính của chiến dịch Brexit bằng cách cắt giảm số lượng người nhập cư EU di chuyển sang Anh - khoảng hàng trăm nghìn người mỗi năm, và đưa Anh ra khỏi cơ chế thị trường duy nhất để thực hiện điều này.
Theo BBC, bà May sẽ hứa hẹn “đại diện cho mỗi cá nhân trên tòa Vương quốc Anh” trong suốt quá trình đàm phán rời khỏi EU. Tờ The Guardian của Anh dự báo, bà May sẽ phải vượt qua nhiều thách thức khi bà bắt đầu tiến trình đàm phán được coi là phức tạp nhất lịch sử nền chính trị nước Anh. Đồng thời cây bút bình luận Keir Starmer của tờ này cảnh báo: “Cách tiếp cận cứng rắn đối với Brexit sẽ là thảm khốc và chia rẽ, gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế, mức sống và xã hội của nước Anh. Trong một thế giới phức tạp và bất ổn, ngay cả khi không phải là thành viên của EU, Anh nên là một đối tác tốt.
TÂY BÌNH (tổng hợp)