(QNO) - Sáng 1.2 (giờ Việt Nam), nước Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) sau 47 năm là thành viên của khối này.
Đúng 6 giờ sáng 1.2, lá cờ của nước Anh lặng lẽ được gỡ bỏ khỏi khu vực treo quốc kỳ các nước thành viên EU ở Hội đồng châu Âu cũng như bên ngoài tòa nhà Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ.
Trước đó vào ngày 29.1, các thành viên của Nghị viện châu Âu thống nhất chuẩn thuận thỏa thuận rút lui Brexit, mở đường cho nước Anh chính thức rời EU.
Trong khi những người ủng hộ Anh rời EU tụ tập đông đúc bên ngoài tòa Quốc hội Anh để chào đón giây phút lịch sử mong đợi này thì cũng có không ít người dân Anh đau buồn khi không còn là công dân EU, họ thắp nến cầu nguyện trong nước mắt.
Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận rằng đất nước bị chia rẽ. Ông Johnson nói: “Đối với nhiều người, đây là khoảnh khắc hy vọng đáng kinh ngạc, một khoảnh khắc họ nghĩ sẽ không bao giờ đến. Cũng có rất nhiều người cảm thấy một cảm giác lo lắng và mất mát...”.
Vì vậy, nhà lãnh đạo Anh kêu gọi người dân Anh đoàn kết, hóa giải những bất đồng gây chia rẽ gần 4 năm qua cũng như tiến trình đàm phán giữa Anh và EU về Brexit luôn gặp khó khăn. Thủ tướng Boris Johnson cho rằng, thời khắc Anh chia tay EU không phải là thời điểm kết thúc mà là thời khắc bắt đầu, đổi mới thực sự cho đất nước Anh.
Đây cũng là thời điểm Luân Đôn và Bruxelles bắt đầu đàm phán về quan hệ tương lai giữa nước Anh và 27 thành viên còn lại của EU hay bắt đầu thời kỳ chuyển tiếp với thời hạn đàm phán dự kiến sẽ kéo dài đến cuối năm nay.
Do đó, trong thời gian này, Anh sẽ không còn vị trí trong tất cả thể chế chính trị thuộc EU, không có tiếng nói trong việc xây dựng chính sách của khối. Tuy nhiên, tất cả ràng buộc hiện tại về luật pháp, kinh tế, thương mại, vấn đề công dân sẽ chưa thay đổi.
Nhiều chính trị gia cho rằng, phần khó khăn nhất của cuộc “ly hôn” Anh và EU này vẫn đang ở phía trước. Trong khi đó, Anh đang hướng tới đạt được thỏa thuận thương mại tự do với EU và các cuộc đàm phán thương mại này dự kiến sẽ chính thức được bắt đầu vào tháng 3 tới đây.
Được biết, ngay sau khi Anh chính thức rời EU, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang chuẩn bị áp đặt kiểm tra hải quan và biên giới đối với tất cả hàng hóa châu Âu nhập vào Anh.
Trước đó vào tháng 6.2016, người dân Anh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân để quyết định nên ở lại hay rời EU. Kết quả là họ chọn ra đi khi 52% bỏ phiếu ủng hộ Brexit và 48% phiếu chống rời khỏi khối, một sự kiện chưa từng có tiền lệ ở một quốc gia thuộc EU.