Năm nào cũng vậy, dẫu khi còn bé thơ hay đến tận lúc lập gia đình, hễ giáp tết, tôi lại về nhà phụ má dọn dẹp mọi thứ. Nhìn má lui cui lau chùi mấy tấm ảnh cũ, tôi nói với má mà như nói với lòng mình: “Má ơi, con nhớ quê quá!”…
Thực ra, má vẫn hiểu nỗi nhớ quê của tôi lớn lao biết chừng nào. Đó là niềm khắc khoải hoài niệm về mấy cái tết xưa của những tháng ngày thăng trầm, gian khó mà ắp đầy an vui.
Có lẽ sẽ không áp đặt khi nghĩ rằng những tấm ảnh cũ là chứng nhân của bao đổi thay, vui buồn, hạnh đạt đời người. Nhìn lại ảnh cũ, tôi thấy biết ơn má, biết ơn mái quê đã cho tôi lớn khôn và trưởng thành. Và cứ độ giáp tết, anh em chúng tôi lại có cái để nhớ, để thương nhau mà quay về.
Nhà tôi tuy không khá giả, nhưng “tài sản ký ức” chất đầy nơi mấy cuốn album ảnh cũ. Có khi đó là tấm ảnh Út Sang qua nhà bác hàng xóm chơi, tiện thể nhà người ta có khách Sài Gòn về và sẵn máy ảnh lại chớp một kiểu dù chưa kịp cười. Khi khác là tấm ảnh má dắt tôi và anh Hai đi ăn cưới, anh Hai thấy chiếc xe Cup của ông thợ chụp ảnh, xin ngồi lên với lý do: “ngồi cho biết xe máy”.
Thế là, ông thợ chụp ảnh thương quý, tặng cho chiếc mũ nồi bê rê thật đẹp rồi chụp kiểu ảnh thật sang trọng. Hồi bà nội tôi còn sống, cái nghèo cứ bám lấy gia đình, ăn thiếu, mặc thiếu chứ nói gì đến chụp ảnh. Vậy mà, khi bà nhận được khoản tiền chính sách dành cho vợ liệt sĩ, bà nội liền bồng bế mấy anh em tôi ra bờ tre trước ngõ, gọi thợ ảnh đến chụp.
Nội vừa móm mém nhai trầu, vừa dặn thiệt kỹ: “Chụp cho đẹp, hồi tao chết còn có ảnh cho mấy đứa cháu để thờ, nghe bây!”. Nên chăng, những cái tết về sau này khi nội đã đi xa, má tôi vẫn lần giở từng tấm ảnh cũ của bà nội rồi khóc một mình.
Tôi thích nhất tấm ảnh hồi Tết Đinh Sửu, tôi lên bảy, còn anh Hai vừa tròn mười tuổi, thằng Út nhà tôi đã biết chạy nhưng vẫn nằng nặc đòi má bồng. Đó là lần đầu tiên mấy má con tôi được chụp ảnh chung, và cũng là món quà lì xì ý nghĩa nhất của ông cậu tặng cho chúng tôi nhân dịp tết.
Được đứng trước chiếc máy ảnh, bên khóm hoa thược dược màu hồng rực rỡ, tôi hồi hộp đến độ không dám nở nụ cười. Mà lòng thì đã nở biết bao bông hoa niềm vui, nhất là khoảnh khắc nhận tấm ảnh mới.
Anh Hai thỏ thẻ: “Má mình đẹp quá, phải không mấy đứa?”. Cho đến mãi sau này, dẫu đôi tay má đã chai sần, gương mặt má đã in hằn bao vết chân chim, anh Hai vẫn hỏi tôi và thằng Út câu nói đầy tình thương gói trong sự hiếu thuận vô bờ.
Đã bao mùa thay lá, mưa nắng thời gian phủ rêu xanh, giêng xuân lại đến, gia đình tôi vẫn giữ cho bằng được những tấm ảnh cũ tuy rằng chúng đã sờn màu. Có cái đã nhạt nhòa và chẳng ra hình thù gì cả, nhưng bằng cách này hay cách khác, tất cả vẫn được gói cất cẩn thận.
Nhờ có tấm ảnh cũ, trái tim tôi mới được xoa dịu bởi gọng bàn tay xiết chặt của kỷ niệm. Để cứ độ mỗi dịp tết về, giữa mùi hương của bánh chưng, bánh tét, dưa kiệu, tôi có thể khơi dòng ký ức. Tôi nhớ và hồi tưởng về tuổi thơ êm đềm thấm đẫm thương yêu, bằng mường tượng…