Anh em nhà bác sĩ

ANH TRÂM 09/02/2013 10:45

Sau hơn 30 năm ly hương, cuộc trò chuyện của anh em bác sĩ Đinh Tuệ ngay tại quê nhà vẫn rặt giọng Quảng. Họ nói về căn nhà thờ tổ ở Hội An, về tuổi thơ ở Đà Nẵng, về ước nguyện của ba mình và đau đáu niềm quê  sau mỗi chuyến về nhà…

Bác sĩ Đinh Tuệ là con trai của cố giáo sư - bác sĩ Đinh Văn Tùng, người mà đa số cư dân của Quảng Nam Đà Nẵng xưa đều biết. Giáo sư Tùng đã cống hiến cả đời cho y học, sáng lập ra Trung tâm Y tế Toàn khoa Đà Nẵng (Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng bây giờ). Bốn người con đều là bác sĩ, và cũng luôn hướng về quê hương… Hẹn bác sĩ Tuệ từ Hà Nội khi biết ông là bác sĩ người Việt duy nhất trong đội phẫu thuật bộ phận sinh dục cho “chú lính chì” Thiện Nhân, tôi bất ngờ khi ông dời lịch hẹn về Đà Nẵng. Vì còn có em trai ông, bác sĩ Đinh Trí đang thực hiện chuyến công tác xã hội hằng năm tại quê nhà, và là dịp về Hội An thắp nhang cho nhà thờ tổ.

Ký ức về cha

Căn nhà số 127 Trần Phú - Hội An bây giờ vẫn còn di ảnh cố giáo sư Đinh Văn Tùng. Đây là địa điểm mà sinh viên y khoa thực tập tại Mỹ và nhiều đoàn bác sĩ từ thiện khi đến Việt Nam đều ghé thăm, thắp nén nhang lên bàn thờ giáo sư Tùng. Cả bác sĩ Tuệ và Trí đều không biết điều gì đã cuốn ba mình vào y nghiệp, nhưng chắc chắn người đã lựa chọn đúng và tiếp tục hướng dẫn các con đi theo. Bác sĩ Đinh Tuệ kể: “Ngày xưa tôi học ở trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Trong nhiều lần trở về quê, tôi vẫn thường đến đó khi trường tan học. Người bảo vệ không biết tôi, nhưng lại biết cha tôi và nói đã được cha tôi “sinh” ra. Sau mấy chục năm, vẫn còn rất nhiều người ở Quảng Nam, Đà Nẵng nhớ về cha tôi như vậy”.

Bác sĩ Đinh Tuệ (hàng đứng, thứ 4 từ trái sang) và đại gia đình tại Mỹ.                              Ảnh: A.TRÂM
Bác sĩ Đinh Tuệ (hàng đứng, thứ 4 từ trái sang) và đại gia đình tại Mỹ. Ảnh: A.TRÂM

Đã có biết bao đứa trẻ chào đời nhờ bàn tay của giáo sư Đinh Văn Tùng. Khi làm Giám đốc Trung tâm Y tế Toàn khoa Đà Nẵng, giáo sư đã đưa về Đà Nẵng những phái bộ y tế giỏi nhất từ những nước tiên tiến trên thế giới. Và từ đó, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng trở thành trung tâm y tế tiên tiến của miền Trung. Những ngày đầu trên đất Mỹ khi nhận học bổng y khoa tại Đại học John Hopkins Hospital - Baltimore, bác sĩ Tùng lại cắp sách đến trường. Chính hình ảnh miệt mài học đó của người cha đã ăn sâu trong tiềm thức các con ông sau này. Trong lịch sử giảng huấn của ngành y khoa Mỹ, ít người được lên cấp mau như bác sĩ Tùng: 3 năm làm giảng sư, 5 năm là giáo sư ủy nhiệm rồi trở thành giáo sư thực thụ của Đại học Y khoa Galveston. Tài sản mà cố giáo sư Đinh Văn Tùng để lại không chỉ là những công trình nghiên cứu, mà còn có sự thành đạt của con cái: 3 giáo sư y khoa Đinh Anh Tuấn, Đinh Anh Tuệ, Đinh Anh Trí và 1 tiến sĩ y tế cộng đồng Đinh Anh Thơ.

Cuộc trở về

Bác sĩ Đinh Anh Trí tâm sự: “Điều mà tất cả chúng tôi luôn ghi nhớ là trăn trở của ba tôi trong suốt những năm sống ở đất Mỹ, rằng không được quên quê hương đất tổ, giữ gìn tiếng nói như chính trái tim mình và phải trở về để giúp đỡ cho những người còn nghèo khó”. Từ nguyện ước đó, mỗi năm các con ông đều sắp xếp công việc về Đà Nẵng, ghé Hội An tổ chức những cuộc hội thảo về y khoa, mổ từ thiện các ca phức tạp tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và giảng dạy các kỹ thuật y khoa chuyên ngành theo lời mời của các bệnh viện ở miền Trung. Cuộc trở về hằng năm đó đã trở thành nếp sống của gia đình bác sĩ từ 10 năm nay như đúng lời cha dặn “cùng đồng nghiệp quê nhà làm điều gì đó cho người dân quê mình”.

Nối nghiệp cha, cả ba anh em trai đều theo chuyên ngành phụ sản. Bận rộn với phòng khám, lịch giảng dạy tại các trường đại học, các hội thảo, công trình nghiên cứu y khoa tại Hoa Kỳ, nhưng mỗi năm anh em họ lại phân chia nhau về quê thực hiện các chuyến công tác xã hội. Có khi cả gia đình đều cùng về kết hợp mời các bác sĩ danh tiếng ở Mỹ tổ chức thành một nhóm từ thiện. Nói về cơ duyên gắn bó với kỹ thuật đặc biệt - tái tạo bộ phận sinh dục, bác sĩ Tuệ nói ngay cả ở Mỹ cũng rất ít người tham gia chuyên ngành hẹp này.  Hơn 10 năm trước, ông bắt đầu mày mò đi học kỹ thuật mà ông gọi là “xây lại bộ phận sinh dục nam” cho những trường hợp rất hãn hữu bị cắt cụt hay khiếm khuyết dương vật. Ở Mỹ, hiện không có nhiều trường hợp gặp tình huống tế nhị này. Từ kỹ thuật mà đồng nghiệp đi trước đã chỉ vẽ, ông bắt đầu triển khai kỹ thuật tái tạo dương vật bằng cách lấy một bó cơ và da dài khoảng 14 cm ở phần trong của cánh tay, đem tái tạo thành bộ phận sinh dục nam và khâu nối mạch máu, thần kinh dưới sự hỗ trợ của kính hiển vi phẫu thuật.

Cố giáo sư Đinh Văn Tùng (ảnh) tốt nghiệp trung học tại trường Yersin Đà Lạt, học Y khoa tại Hà Nội và luôn là sinh viên xuất sắc nhất. Ông cũng là một trong số ít ỏi bác sĩ Việt Nam thời đó nhận học bổng y khoa tại Đại học John Hopkins Hospital, Baltimore. Sau đó, ông trở về coi sóc ngành sản phụ tại Trung tâm Y tế Toàn khoa Đà Nẵng. Giai đoạn 1966-1975, bác sĩ Đinh Văn Tùng là giáo sư khoa Sản phụ, Đại học Y khoa Huế. Lúc đó, Trung tâm Y tế Toàn khoa Đà Nẵng trở thành bệnh viện thực tập cho các sinh viên y khoa nội trú năm cuối của Đại học Y khoa Huế.

Nhưng cơ duyên để gặp nhau trong “hành trình Thiện Nhân” ở Việt Nam lại từ cô em gái, tiến sĩ y tế cộng đồng Đinh Anh Thơ. “Một năm trước, Anh Thơ giới thiệu tôi với ông Creig Craft - Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á, cha nuôi của bé Thiện Nhân và hỏi tôi có thể tham gia chương trình mổ tái tạo bộ phận sinh dục cho bé được không. Nhưng chuyên ngành của tôi là người lớn nên tôi lại giới thiệu bác sĩ De Castro người Ý, đồng thời cũng nhận lời tham gia hỗ trợ kỹ thuật”. Hai người anh luôn dành những lời khen ngợi em gái: “Chúng tôi là bác sĩ thì chỉ cứu được số ít người qua những ca phẫu thuật, còn em gái Anh Thơ hoạt động y tế cộng đồng nên giúp đỡ được rất nhiều người. Em ấy có nhiều công trình nghiên cứu y học xuất sắc và có thể cứu được hàng ngàn người. Chính em ấy đã kết nối rất tốt cho chúng tôi nhiều chương trình để hỗ trợ mỗi chuyến về quê của gia đình”.

Nghe anh em nhà bác sĩ Đinh Tuệ kể về chuyện nghề, chuyện gia đình, chuyện ngôi nhà ở Hội An cùng những dự định cho chuyến về quê năm tới, chúng tôi quá đỗi ngạc nhiên vì chất giọng Quảng rặt không thay đổi, dù đã 37 năm họ sống ở miền Texas nước Mỹ xa xôi.

ANH TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Anh em nhà bác sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO