Trong kháng chiến chống Mỹ, với khẩu M79 trên tay, mỗi lần người chiến sĩ Lê Thanh Vinh (SN 1950, thôn Bình Phụng, xã Bình Quế, Thăng Bình) khai hỏa, ít nhất phải có một mục tiêu của địch bị tiêu diệt. Vì vậy, đồng đội yêu mến lẫn nể phục gọi ông bằng cái tên thân thương “anh Hai 79”.
Ông Lê Thanh Vinh say sưa kể chuyện với chúng tôi về một thời hào hùng. Ảnh: Biên Sương |
Gặp ông Vinh trong những ngày đầu tháng 12, trời mưa rả rích và se lạnh nhưng chúng tôi cứ bị cuốn theo khí thế hào hùng trong câu chuyện ông kể. Tham gia cách mạng năm 1965, khi ấy, ông Vinh mới 15 tuổi. Một năm sau, ông Vinh làm xã đội phó rồi xã đội trưởng xã Bình Quế. Tháng 12.1967, ông được điều động bổ sung vào V15 huyện Thăng Bình và được giao nhiệm vụ Trung đội phó phụ trách tác chiến. Đến tháng 12.1969, ông được điều trở về công tác tại địa phương với cương vị Xã đội trưởng. Từ đây, ông tham gia hầu hết trận đánh để bảo vệ mảnh đất Bình Quế.
Người chỉ huy đa tài
Nhâm nhi ly nước trà nóng, khóe mắt người cựu chiến binh rưng rưng, ông kể cho chúng tôi nghe về một trong những trận đánh quan trọng mà chỉ cần sơ hở một tí thôi là đối diện với cái chết. Tháng 7.1967, một đại đội tăng cường có máy bay, pháo hỗ trợ và cả lính Mỹ đi cùng từ hướng Tuần Dưỡng kéo lên chiếm cao điểm 74 (rừng Trạng, thôn Bình Phụng) tiến thẳng vào xóm Sơn Đông (nay là tổ 14, thôn Bình Phụng, xã Bình Quế). Tại đây, chúng thực hiện 3 sạch “đốt sạch, phá sạch và giết sạch”. Bởi lẽ, nơi đây được chỉ điểm là đang cất giữ kho gạo và vũ khí. Địch càn quét, tiếng súng đạn, tiếng reo khóc vang lên bao trùm cả một xóm nhỏ vốn yên bình. Vì tình huống lúc đó rất dễ bị lộ nếu sử dụng toàn đơn vị nên chỉ huy động 6 đồng chí chia thành 2 nhóm để hỗ trợ ứng chiến. Trước khi xuất phát, cả 6 người, trong đó có ông Vinh đều làm lễ tuyên thệ dưới cờ Đảng. Bởi, họ xác định sự nguy hiểm, ác liệt của đợt tiến công lần này, và lường trước rất có thể họ sẽ hy sinh. Lợi dụng khói do quân địch đốt nhà, dưới sự chỉ huy của ông Vinh các chiến sĩ lẻn vào trong xóm. Tổ thứ yếu có nhiệm vụ hỗ trợ và ngăn đường lui của địch. Lúc này, sau một hồi lùng sục, địch vẫn không tìm ra được bất kỳ manh mối gì, chúng tập trung quân và thông báo chuyển qua vơ vét tài sản, đồng thời đi tìm kiếm hầm bí mật của ta. Ẩn nấp cách địa điểm tập trung của địch chỉ một hàng rào, ông Vinh cùng 2 đồng đội, mỗi người trang bị 3 quả lựu đạn và súng. Đúng “giờ G” tổ của ông Vinh điểm hỏa bằng quả lựu đạn M26 và nhả tiếp nhiều loạt tiểu liên tiêu diệt ngay bộ chỉ huy địch làm cho chúng hoang mang, nháo nhào bỏ chạy ra ngoài đồng mà không dám chống trả. Hệ thống truyền tin không còn liên lạc được để kêu cứu, quân địch trên máy bay L19 bị khói che nên tự bị vô hiệu hóa... Ông Lê Thanh Vinh kể tiếp, khi ông đang giải một tù binh địch thì không ngờ một tên địch khác bị thương nặng đang cố giương súng lên bắn, rất may viên đạn bị lệch xuống đất, cách chân ông chỉ bằng lóng tay. Đến sáng hôm sau, địch mới dùng bộ binh có xe tăng, máy bay, pháo hỗ trợ tổ chức phản kích.
“Ở ông Vinh chúng tôi học được rất nhiều điều. Trong công việc là một người đồng chí; trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày là một người cha, người chú. Ông Vinh vừa nghiêm khắc nhưng cũng vừa nhiệt tình, hết lòng giúp đỡ, góp ý để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ”. (Ông Nguyễn Thanh Long - Bí thư Đảng ủy xã Bình Quế) |
Trong cuộc chiến không cân sức ấy, ta vẫn diệt gọn nhiều quân địch, thu được 3 máy BRC25, 23 khẩu súng R15… Ông Vinh bồi hồi nhớ lại không khí vui mừng lúc ấy, ngay tối đó nhân dân trong xóm đã mổ heo ăn mừng. Sáng hôm sau, ta lại thực hiện vườn không nhà trống để tránh truy kích của địch. Từ sau trận đánh này, bọn ngụy quân, ngụy quyền tại địa phương xuống nước, không dám hà hiếp nhân dân, tạo cơ hội cho ta tiếp tục lùng sâu diệt ác, phá kèm xây dựng cơ sở ở vùng địch, mở rộng vùng giải phóng.
Còn sức còn cống hiến
Hòa bình lập lại, trở về với cuộc sống thường nhật, phát huy tinh thần người lính năm xưa, ông Vinh vừa phát triển kinh tế gia đình vừa tiếp tục góp sức cống hiến cho địa phương. Với suy nghĩ còn sức lực còn tiếp tục cống hiến, ông Lê Thanh Vinh đảm nhiệm nhiều cương vị như Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và hiện tại là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bình Quế. Ở vị trí nào, ông Vinh cũng luôn giữ gìn tư cách, phẩm chất của người đảng viên, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt ông Vinh luôn nâng cao ý thức trách nhiệm học tập và làm theo gương Bác Hồ, hết lòng phục vụ nhân dân.
Là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bình Quế, ông Vinh luôn năng nổ trong hoạt động phong trào. Điều từng trăn trở là làm sao có thể giúp đỡ được nhiều người cao tuổi đang phải chống chịu với bệnh tật, với sự cô đơn lúc tuổi già... đã được ông hóa giải bằng nhiều cách. Như vận động tặng quà, tổ chức khám sức khỏe, thành lập các câu lạc bộ dưỡng sinh để người cao tuổi ở địa phương sống vui, sống khỏe và sống có ích. Trong tháng 11.2016, Hội Người cao tuổi xã Bình Quế phát động Tháng hành động vì người cao tuổi và thu về hơn 22 triệu đồng. Từ số tiền này, hội đã trao 15 suất quà cho hội viên nghèo. Địa bàn xã Bình Quế, chẳng có nẻo đường nào là thiếu dấu chân ông Vinh đi qua. Trong những lần đi cơ sở, ông luôn lắng nghe ý kiến, tâm tư của các cụ, giải thích cho họ về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, của hội đối với người cao tuổi.
Ông Nguyễn Thanh Long- Bí thư Đảng ủy xã Bình Quế (Thăng Bình) cho biết, ông Lê Thanh Vinh đã tham gia 49 trận đánh lớn nhỏ để giữ gìn mảnh đất Bình Quế. Những chiến công của ông Vinh đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. Đặc biệt trong trận đánh Sơn Đông (năm 1967) do ông Lê Thanh Vinh trực tiếp chỉ huy được ghi vào lịch sử “10 trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện Thăng Bình”.
Ở tuổi gần 70 với 50 năm tuổi đảng, “anh Hai 79” lại tiếp tục truyền lửa cho thế hệ trẻ qua các câu chuyện trong thời đạn bom chống Mỹ. Dẫu rưng rưng đau thương, nhưng những ai từng được nghe ông kể, được sống dậy khí thế hào hùng của ngày ấy, không khỏi cảm thấy tự hào về thế hệ cha ông.
GIANG BIÊN - THU SƯƠNG