Vậy là cuối cùng, Út cũng đã có được tấm bằng đại học. Một tấm bằng đại học thấm đẫm bao mồ hôi nước mắt của không chỉ riêng Út mà còn của một người khác: anh Hai. Thậm chí, Út biết rất rõ điều này, mồ hôi nước mắt của anh Hai còn nhiều hơn của Út nữa.
Trước khi đi nhận việc tại một cơ quan nhà nước, Út về quê thăm anh. Hôm đó, hai anh em làm mâm cơm để “vừa ăn mừng vừa báo tin cho má!”. Anh Hai khui một chai bia, rót đầy hai ly rồi nâng cốc. Anh nói, vẻ trịnh trọng nhưng ánh mắt rạng rỡ: “Út của anh đã tốt nghiệp đại học, có việc làm. Coi như nhiệm vụ của anh Hai hoàn thành! Giờ anh Hai có tin mừng cho Út đây. Tháng sau anh Hai cưới vợ! Người ta chờ anh lâu quá rồi!”. Anh nháy mắt: “Vậy là sắp tới Út sẽ có chị Hai nữa nha!”.
Út xịu mặt ngồi im. Út sợ khi anh Hai có vợ, Út sẽ bị “ra rìa”. Thấy Út buồn, anh nắm tay Út, lay nhẹ: “ Út sao vậy? Không vui khi anh Hai lấy vợ à?”. Út gật đầu, mắt rân rấn. Anh Hai cười to, âu yếm: “Trời đất! Lớn rồi mà sao còn con nít vậy? Út yên tâm đi! Chẳng phải đã nói rồi sao? Anh mãi mãi là anh Hai của Út! Với lại, chị Hai cũng sẽ thương Út nhiều như anh Hai vậy. Anh chắc chắn đó! ”.
Út lau mắt, toét miệng cười…
Tuy gọi là anh Hai nhưng Út với anh không chung một dòng máu.
Mùa hè năm đó, khi vừa chập chững biết đi thì cả cha và mẹ Út đều qua đời trong một cơn lũ. Má anh là dì Sáu đã dang rộng vòng tay đón Út về nuôi. Má không biết tên thật của Út nên cứ gọi là Út. Miết rồi thành tên luôn. Anh lớn hơn Út 6 tuổi, rất quý đứa em gái không cùng huyết thống với mình. Đi đâu anh Hai cũng tha Út theo, kè kè như tha một con nhái. Có gì ngon anh cũng để dành cho Út.
Hết hè, anh Hai phải đi học. Trường anh cách nhà chừng hai cây số. Hàng ngày, dì Sáu phải đi làm, không thể trông Út được. Nhưng cũng không thể bỏ Út ở nhà một mình. Anh và má bàn đi tính lại hoài mà không nghĩ ra cách giải quyết. Cuối cùng, anh nói với má sẽ đem Út đến lớp. Dì Sáu gạt đi: “Trường nào cho đem con nít theo?”. Nhưng anh cương quyết là sẽ có cách.
Cách của anh Hai rất đơn giản. Anh gặp cô giáo, trình bày “hoàn cảnh neo đơn” và xin phép cô cho anh mang em gái đến trường. Lúc đầu, cô giáo bật cười và từ chối. Nhưng rồi anh năn nỉ quá nên cũng chấp nhận, với điều kiện Út không được làm ảnh hưởng đến các học sinh khác.
Từ đó, mỗi buổi sáng, anh cõng Út lên lưng, cẩn thận quàng một cái địu để hai tay rảnh rỗi cầm cặp sách và một cái chiếu. Đến lớp, anh trải chiếu trong góc, đặt Út ngồi xuống đó với một thứ gì có thể gặm được như trái ổi xanh, quả bần chín hay một miếng bánh tráng… Anh ngồi bàn cuối để thỉnh thoảng ngó em. Trước khi bắt đầu tiết học, anh hay dỗ dành Út vài câu. Câu đầu tiên bao giờ cũng là một câu hỏi: “Út có thương anh Hai không?”. Chắc chắn là Út gật đầu lia lịa. Anh vuốt vuốt mái tóc em gái: “Út thương anh thì phải ngoan, đừng khóc nha! Khóc là cô giáo la anh đó!”. Út lại gật đầu.
Sau này anh kể, hồi đó, dù bé tí hi nhưng Út khôn sớm. Biết thân biết phận nên rất ngoan. Mặt khác, Út thương anh Hai, sợ anh bị cô giáo la nên không bao giờ khóc lóc hay mè nheo vòi vĩnh gì. Với lại, Út cũng biết rằng nếu Út không ngoan sẽ bị bỏ ở nhà một mình. Thế là ngày này sang ngày khác, Út cứ ngồi đó, gặm các thứ anh Hai đưa rồi nằm lăn ra ngủ. Giờ ra chơi, anh Hai dắt Út ra sân, đi qua đi lại xem các anh chị chơi lò cò, đá cầu, đuổi bắt nhau… Tan trường, anh Hai lại cõng Út về. Đói và mệt, Út ngủ vùi trên lưng anh. Cứ thế, Út lớn dần lên trong sự chăm sóc, đùm bọc của anh Hai và má.
Ngày đầu tiên đi học, Út được anh Hai đưa đến trường. Nhìn thấy những đứa khác có ba má cầm tay, Út buồn muốn khóc. Anh Hai dỗ dành: “Út không có ba nhưng có anh Hai nè! Mấy đứa khác làm gì có anh Hai?”. Út nhìn quanh và nhận ra anh có lý nên toét miệng cười. Từ đó về sau, đứa nào ỷ lớn bắt nạt, Út dọa: “Tao mét anh Hai giờ!”, là chúng nó lảng luôn. Bởi chẳng đứa nào lạ anh Hai cao to của Út. Trường anh Hai cách chỗ Út học chừng một cây số. Hàng ngày, anh dẫn Út tới lớp rồi mới co cẳng chạy ngược đến trường. Trưa, anh hộc tốc chạy từ trường anh sang đón Út. Út hớn hở nắm chặt tay anh, líu ríu đủ chuyện. Anh Hai lắng nghe, tủm tỉm cười.
Do làm lụng quá vất vả, dì Sáu bệnh nặng rồi mất. Lúc hấp hối, dì hết nhìn Út rồi nhìn anh Hai, miệng mấp máy, nước mắt trào ra. Chắc là dì muốn nói gì đó mà không thốt ra lời. Anh Hai lau nước mắt, nắm chặt tay dì Sáu, nhỏ nhẹ: “ Má yên tâm đi! Con hứa sẽ chăm lo cho Út!”. Vừa nghe anh Hai nói xong, gương mặt dì Sáu dãn ra, mắt khép lại. Dì ra đi thật nhẹ nhàng.
Chôn cất má xong, trong nhà chẳng còn đồng bạc nào. Anh Hai đành nghỉ học, đi làm thuê ở lò gạch để kiếm tiền nuôi em. Quần quật hết ngày này sang ngày khác, kể cả chủ nhật và ngày lễ. Đầu tiên anh chỉ làm những việc đơn giản như bưng gạch ra phơi nắng, xếp gạch vào lò, chất củi, đốt lò... Có lần Út đến lò gạch. Nhìn cái dáng cao lêu đêu mà gầy ngẳng của anh Hai lom khom bê chồng gạch nặng chịch, Út trào nước mắt vì thương anh Hai. Anh Hai đến cạnh Út, nhe hàm răng trắng lóa trên gương mặt đen thui vì nắng cũng có mà vì bùn đất cũng có, cười thật tươi: “Nín đi! Anh Hai không sao đâu!”. Rồi anh đứng thẳng lưng, hai chân xuống tấn, hai tay khuỳnh khuỳnh: “Út coi nè! Ngó vậy thôi chứ gạch nhẹ hều à!”. Út ngó điệu bộ mắc cười của anh Hai, cũng bật cười theo.
Dần dần, do chăm chỉ và siêng năng, anh Hai không phải bê gạch nữa mà được “lên chức”: đứng máy cắt gạch, trông coi lò, đánh giá sản phẩm… Công việc đỡ cực mà tiền công cao hơn… Vào dịp tết, lò gạch đóng cửa. Anh Hai quay sang làm cửu vạn cho mấy người đi chợ tết, gánh nước thuê… Nhờ vậy, hai anh em cũng đủ rau cháo qua ngày.
Ngày nào cũng vậy, anh Hai rời nhà khi trời còn mờ sương. Nhá nhem tối anh mới trở về. Tắm táp xong, hai anh em ngồi vào mâm cơm đạm bạc Út nấu sẵn. Biết anh vất vả, Út gắp cho anh thứ gì ngon nhất có trong mâm. Nhưng anh gắp ra, đặt vào chén em gái: “Để Út ăn cho có sức học!”. Mà thật ra, ngày đó, món ăn chính của Út và anh Hai quanh đi quanh lại chỉ có tép rang hay cá tạp kho thật mặn, ăn với canh rau tập tàng Út hái trong vườn. Chỉ vào ngày giỗ hay tối ba mươi cúng tất niên mới có thịt ba chỉ luộc. Vậy mà sao hai anh em đều thấy ngon ghê. Vừa ăn, anh Hai và Út vừa nói chuyện rôm rả. Anh hỏi Út chuyện ở trường, ở xóm… rồi kể những chuyện xảy ra ở lò gạch. Toàn những chuyện Út đã nghe, đã biết rồi. Nhưng anh kể rất có duyên nên Út nghe hoài không chán. Thỉnh thoảng, anh khoe, có chị Ba, cô Tư nào đó cứ tìm cách gặp anh. Út xịu mặt: “Vậy là anh Hai sắp bỏ Út hả?”. Anh Hai vừa lúc lắc cái đầu húi cua, vừa cười rất tươi: “Anh nói giỡn mà Út cũng tin? Không bao giờ anh bỏ Út đâu. Tụi mình là anh em mà!”. Út cười tít mắt: “Em hổng cho anh Hai lấy vợ đâu!”. Anh gật đầu: “Ừa! Anh còn phải lo cho Út chớ! Lấy vợ sao được”.
Không ít lần, thấy anh Hai làm việc cực quá, Út đòi nghỉ học. Anh nhìn Út, nghiêm nghị: “Không được nói bậy! Anh Hai giận đó! Út thương anh thì ráng học cho giỏi”.
Út đậu đại học. Út vui một thì anh Hai vui mười. Anh xin nghỉ hai ngày để đưa Út lên thành phố nhập trường. Tất bật lo cho xong mọi việc, anh trở về ngay, chưa kịp ngắm thành phố mà anh xuýt xoa là “đẹp như cổ tích” ấy.
Với số tiền “trợ cấp” thấm đẫm mồ hôi của anh cùng với tiền lương gia sư, Út cũng xong được quãng thời gian đằng đẵng trên giảng đường.
Hôm nay, Út viết những dòng này, như một lời cám ơn gửi tới anh Hai. Cả đời này, Út mãi mãi biết ơn và thương anh Hai nhiều lắm, anh Hai à!
TRẦN THỊ GIAO THỦY