1. “...Cao điểm Hòn Đằng, địch chiếm hết rồi/ Quân ta vẫn ngồi, trong vòng vây chúng/ Anh Ngự ra lệnh, ta quyết đánh trận này/ Dù địch có vây, ta không hề nản chí/ Vững vàng công sự, chờ chúng tiến quân/ Lựu đạn sẵn sàng, xông lên mà đánh trả”. Đây là bài vè ca ngợi tinh thần tiến công trong trận đánh cao điểm Hòn Đằng (Quế Sơn) do Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Ngự chỉ huy.
Đó là vào năm 1964, đơn vị ông Nguyễn Ngự phối hợp với đội công tác có nhiệm vụ phát triển lực lượng xuống các xã đồng bằng của huyện Quế Sơn, với phương thức hoạt động nhỏ lẻ tạo yếu tố bí mật, bất ngờ để diệt ác, phá kèm. Ngày 14.5.1964 địch mở trận càn quy mô lớn, huy động tiểu đoàn Bảo An, 2 đại đội dân vệ có máy bay và pháo binh yểm trợ, chia làm 5 mũi tấn công đánh chiếm thôn 4 Phương Trì. Dưới sự chỉ huy của ông, lực lượng vũ trang huyện bám đánh quyết liệt, tổ chức phòng thủ vững chắc tại cao điểm núi Hòn Đằng suốt 7 ngày đêm. Hai ngày sau địch củng cố lực lượng tiếp tục tổ chức tấn công với đủ các loại hỏa lực được chi viện. Lúc bấy giờ lực lượng do ông Ngự chỉ huy chỉ có 36 người chia làm 9 cụm phòng ngự, dựa vào hang động để đánh trả, đẩy lùi 14 đợt tấn công của địch. Từ trận chống càn này, nhân dân xã Phú Hương đã sáng tác bài vè “Trận chống càn đồng chí Ngự chỉ huy” để ca ngợi và động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí của lực lượng vũ trang huyện Quế Sơn, dưới sự chỉ huy tài tình của ông Nguyễn Ngự. Bài vè sau đó được lan truyền khắp nơi và lưu lại cho đến hôm nay, trong đó có đoạn: “...Chiến công lịch sử/ Do đồng chí Ngự/ Trực tiếp chỉ huy/ Đánh tại Phương Trì/ Thôn 4 An Lộc/ Địch quân tàn khốc/ Đổ bộ 4 phương/ Buổi sáng tinh sương/ Rạng ngày 14/ Lũ địch chộn rộn/ Càn quét trận này/ Chúng cứ đường dây/ Phương Trì lên thẳng/ Quân ta yên lặng/ Tư thế đường hoàng/ Chiến đấu sẵn sàng/ Chờ khi có lệnh/… Lệnh ta nổ súng/ Tinh thần anh dũng/ Liên tục xung phong/ Địch đã thiệt vong/ Trăm tên bỏ mạng/… Tiếp 4 ngày đêm/ Máy bay đại bác/ Một tiểu đoàn khác/ Đưa tiếp viện lên/ Còn đánh phía trên/ Đường dây Đòn Gánh/ Địch phục cố đánh/ Cắt đứt của ta/… Nhưng lệnh đồng chí/ Chỉ huy của ta/ Quân mình trở qua/ Hòn Đằng cố thủ/ Sáu ngày chưa đủ/ Địch tiếp càn lên/… Vừa đến giữa cua/ Hòn Hầm lớn nhỏ/ Quân ta bám nó/ Đánh tiếp trận này/ Bảy ngày đêm sau/ Tinh thần đồng chí/ Không cần suy nghĩ/ Vượt mọi khó khăn/ Quyết tâm san bằng/ Không còn bóng địch/… Mấy dòng từ ngữ/ Kể lại bà con/ Chỉ huy rất khôn/ Của đồng chí Ngự”.
Tuy địch bị thất bại nặng nề, nhưng chưa từ bỏ âm mưu chiếm lại vùng giải phóng thôn 4 Phương Trì. Tháng 5.1964, trong 14 ngày đêm địch đã tiến hành 18 trận càn lớn nhỏ vào vùng này nhưng đều bị quân ta đẩy lùi, gây cho chúng nhiều tổn thất. Nhờ đó, thôn 4 Phương Trì, xã Phú Hương được giữ vững và làm hậu thuẫn vững chắc cho vùng căn cứ cách mạng ở khu vực cánh đông huyện Quế Sơn… Sau trận đánh, ông Ngự được Huyện đội Quế Sơn chọn đi báo cáo điển hình ở Tỉnh đội Quảng Nam và Quân khu 5.
2. Anh hùng Nguyễn Ngự tên thật là Nguyễn Xuân Ngự, sinh năm 1935 ở làng Bình Huề, xã Sơn Bình, huyện Quế Sơn (nay là xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức). Tiếp nối truyền thống quê hương và gia đình, từ những năm 1950 ông đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động bí mật xây dựng phong trào kháng chiến và bị địch bắt giam ở nhà lao Hội An hơn 2 năm. Sau khi được thả, năm 1960 ông Ngự cùng với 30 thanh niên xã Sơn Bình tình nguyện nhập ngũ, thuộc huyện đội Quế Sơn. Ông đã được cấp trên tín nhiệm giao giữ nhiều chức vụ quan trọng như Huyện đội phó rồi Huyện đội trưởng Huyện đội Quế Sơn, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 72 Tỉnh đội Quảng Nam. Trong sự nghiệp cách mạng của mình, ông Ngự đã xây dựng nhiều cơ sở cách mạng vững chắc, trực tiếp chiến đấu và chỉ huy đơn vị chiến đấu hơn 100 trận lớn nhỏ.
Ngoài trận đánh Hòn Đằng, còn có biết bao chiến công vang dội của ông được nhân dân và đồng đội lưu truyền đến ngày hôm nay. Như trận đánh vào ngày 5.10.1962. Rạng sáng hôm đó, địch bất ngờ dùng pháo bắn cấp tập vào 2 thôn Trà Linh, Nhơn Trạch. Nửa tiếng sau, địch dùng khoảng 30 trực thăng định đổ quân xuống Hố Khách, thôn Trà Linh. Khi chúng chưa kịp tiếp đất, ông Ngự ra lệnh tất cả cơ súng của đơn vị nhằm vào mục tiêu của máy bay trực thăng địch nhả đạn. Kết quả ta bắn rơi và làm bị thương nhiều máy bay, cùng với lực lượng du kích bao vây tiêu diệt địch, buộc chúng phải rút lui. Đây là lần đầu tiên địch dùng chiến thuật trực thăng vận ở chiến trường Quảng Nam và bất ngờ bị bộ đội địa phương đánh phủ đầu bẻ gãy trận càn quy mô lớn. Sau thắng lợi này, Tỉnh đội Quảng Nam phát động phong trào thi đua bắn rơi máy bay địch trong toàn tỉnh. Và năm đó ông Ngự được bình bầu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, điển hình của chiến trường Quân khu 5.
Đầu tháng 7.1964, Tỉnh ủy Quảng Nam mở hội nghị quán triệt nghị quyết của Khu ủy 5 về phát động phong trào đồng khởi giải phóng nông thôn đồng bằng. Đơn vị của ông Ngự được giao nhiệm vụ bằng mọi giá phải đánh cho được chốt tiền tiêu của địch tại Sơn Hiệp (nay là xã Quế Lưu, Hiệp Đức), phải giải phóng hoàn toàn Sơn Hiệp để tạo bàn đạp vững chắc cho hậu phương vùng tây sông Tranh. Nhận lệnh, ông Ngự lập tức khảo sát, điều nghiên địa hình để lên kế hoạch tổ chức trận đánh. Đúng 5 giờ sáng ngày 22.7.1964, các mũi đồng loạt nổ súng tấn công hạ đồn địch, tiêu diệt lực lượng địch và thu nhiều vũ khí, ta làm chủ hoàn toàn xã Sơn Hiệp…
Năm 1968, ở Quảng Nam địch cố thông lại trục đường Tam Kỳ - Tiên Phước. Ngày 3.9.1968 địch càn lên, dùng xe tăng và máy bay yểm trợ để chiếm lại trục đường Tam Kỳ đi Tiên Phước - Trà My. Đến 4 giờ chiều, một đại đội lính cộng hòa tạm dừng trên dốc Bà Tỏ. Nắm chắc thời cơ, ông Ngự lệnh cho đơn vị xuất kích và trực tiếp chỉ huy Đại đội 1 đánh thẳng vào trung tâm, làm cho địch bất ngờ trở tay không kịp. Trong lúc trận chiến đấu bước vào thời điểm quyết định cho thắng lợi hoàn toàn thì ông bị thương ở bụng, máu ra ướt đẫm; để giữ vững ý chí chiến đấu cho bộ đội, ông dùng băng cá nhân nhét vào vết thương và tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu đánh địch. Thời điểm quân ta tiêu diệt hoàn toàn quân địch cũng là lúc Nguyễn Ngự trút hơi thở cuối cùng trên vòng tay của những người đồng đội. Ông ra đi khi thù nhà chưa trả hết, nợ nước còn nặng trĩu đôi vai, bỏ lại vợ và ba đứa con nhỏ dại. Gần 3 năm sau đó, vợ ông cũng đã hy sinh trong một trận càn của địch.
Năm 2010, ông Nguyễn Xuân Ngự được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Khi nhắc đến ông, nhân dân và đồng đội luôn nhớ về một chiến sĩ cách mạng trung kiên, người chỉ huy mưu trí, linh hoạt, gan dạ, dũng cảm, nắm chắc thời cơ, đánh và thắng nhiều trận tiêu biểu...
HÀ AN