"Anh hùng" theo cách phụ nữ

20/10/2015 09:46

Chiến tranh hay thời bình, các chị, các mẹ đều là những “anh hùng” theo cách riêng mình. Có người một đời gắn với danh phong “Dũng sĩ” từ thuở thiếu thời, có người lặng lẽ làm dân vận góp công, góp sức, cũng có người nỗ lực trọn phận trách nhiệm bản thân…

15 lần được phong "Dũng sĩ", đó là điều đáng nhớ trong suốt cuộc đời nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Văn Thị Xoa (SN 1950, khối phố Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên).

Tháng 1.1964, Văn Thị Xoa chính thức trở thành du kích mật của xã Xuyên Mỹ (nay là thị trấn Nam Phước), khi chị mới 14 tuổi. Hàng ngày, Xoa vừa đi học vừa lân la đến những nơi địch tụ họp để theo dõi hoạt động của chúng. Vốn thông minh, cô học trò nhỏ kết thân với con cháu của hội đồng xã và binh lính ngụy. Lợi dụng mối quan hệ với đám bạn này, Xoa vào ra đồn bốt địch để nắm tình hình, rải truyền đơn, vẽ lại sơ đồ hệ thống các điểm canh gác và đánh cắp tài liệu, vũ khí của địch. Với sự mưu trí, gan dạ, chỉ trong vòng một năm, Xoa đã hơn 30 lần rải truyền đơn, treo biểu ngữ trót lọt, đánh cắp hàng chục quả lựu đạn, 1 khẩu súng ngắn và nhiều tài liệu. Ngày 5.2.1965, trên đường đi rải truyền đơn thì Xoa bị địch bắt. Suốt 3 ngày bị giam giữ, bỏ đói, đánh đập nhưng Xoa không một lời khai báo. Lợi dụng sơ hở của địch, Xoa trốn thoát ra vùng giải phóng và hoạt động công khai.

Giữa năm 1965, Xoa được tổ chức chọn vào tổ "Vành đai diệt Mỹ" với địa bàn ra tận huyện Hòa Vang. Trong năm ấy, Xoa được khen tặng danh hiệu "Thiện xạ diệt Mỹ". Đầu năm 1966, Văn Thị Xoa được bổ nhiệm làm Xã đội phó và sau đó được cử làm chính trị viên xã đội Xuyên Mỹ. Dù là nữ nhưng Xoa đã chỉ huy du kích địa phương đánh nhiều trận táo bạo, khiến địch luôn ở trong trạng thái bất an. Với trận đánh ngay gốc đa làng Xuyên Đông 2, Xoa được nêu gương "Nữ du kích dũng cảm, mưu trí".

Hầu hết các trận đánh, Văn Thị Xoa là người đi đầu, vào tận sào huyệt địch tiêu diệt đến cùng. Có nhiều trận đánh, ban đầu ta ở phía bị động nhưng nhờ mưu trí, dũng cảm, nữ dũng sĩ đã chuyển tình hình sang thế chủ động tiến công và thu được chiến công lẫy lừng. Trận đánh đêm 27.12.1966 là một ví dụ. Hôm đó, 1 tiểu đội thuộc Trung đoàn 51 của địch từ Nam Phước kéo ra hướng chùa Hà Linh. 19 giờ, Xoa cùng tổ du kích mật phục tại chùa Hà Linh để tiêu diệt tiểu đội này, đồng thời hỗ trợ cho đoàn công tác của huyện đang phát động quần chúng kháng chiến ở làng Mỹ Khê Tân. Đến 20 giờ, địch không đi lùng sục như thường lệ, ở hướng Mỹ Khê Tân lại có tiếng súng nổ. Nhận định đồng đội bị địch phục kích, Xoa và tổ du kích nhanh chóng tổ chức lại đội hình, áp sát và đánh bọc sườn từ phía sau lưng địch. Vậy là, từ thế bị động ta chuyển sang thế chủ động tiến công làm đại đội lính biệt kích thiệt hại nặng, bảo vệ an toàn cho đoàn công tác của huyện. Với thành tích này, các đồng chí trong tổ du kích đều được tặng danh hiệu "Dũng sĩ", riêng Xoa được bình chọn chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và được tặng Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba.

Cũng trong trận đánh này, Xoa bị trúng đạn của địch khiến vỡ xương vùng mặt. Vết thương đã khiến khuôn mặt của cô gái đang tuổi xuân thì nham nhở, dúm dó. Nhìn khuôn mặt Xoa lúc đó, nhiều người đã bật khóc vì thương nữ du kích. Kể về việc này, Xoa nói: "Năm ấy tôi mới 17 tuổi, đang thì con gái. Vết thương lại ở trên mặt, dĩ nhiên tôi cũng buồn, vì tôi cũng muốn mình xinh đẹp. Nhưng trước khi tham gia cách mạng, tôi cũng xác định rồi, tính mạng mình còn không tiếc, tiếc chi nhan sắc...".

Sau những chiến công vang dội, tháng 10.1968, Văn Thị Xoa được cấp trên bổ nhiệm Đội trưởng đội trinh sát vũ trang huyện. Trong 6 năm, từ 1964 đến 1970, Xoa tham gia chiến đấu và trực tiếp chỉ huy gần 80 trận, tiêu diệt trên 100 tên địch, thu 8 súng các loại, đưa phong trào đấu tranh du kích địa phương ngày càng lớn mạnh.

Ngày 16.12.2014, Văn Thị Xoa chính thức được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng, từ rất lâu, chị đã là nữ anh hùng trong lòng người dân đất Quảng...

Nhiều cán bộ ở xã Quế Long (Quế Sơn) vẫn thường nói "Việc gì khó cứ nhờ chị Tiến vận động" khi nhắc đến bà Âu Thị Kim Tiến (66 tuổi) hiện đang là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã. Với uy tín cùng tinh thần bám sát quần chúng, bà Tiến đã vận động nhân dân trên địa bàn xã Quế Long tự nguyện hiến hàng trăm mét đất, chặt phá cây cối, hoa màu giải phóng mặt bằng, đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các tuyến đường giao thông, kênh mương nội đồng và thiết chế văn hóa... Những nơi phát sinh vụ việc nổi cộm, vướng mắc, bà Tiến luôn xông xáo đến giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề. Bà Tiến chia sẻ. "Vào năm 2013, việc thi công tuyến đường ĐH từ Quế Long đi các xã Quế Phong, Quế Hiệp của huyện Quế Sơn bị một số hộ dân cản trở, không cho thi công, tôi đã cùng một số cán bộ xã trực tiếp xuống giải thích, vận động, từ đó người dân hiểu rõ chủ trương đúng đắn và nhận thấy lợi ích thiết thực nên tự giác bàn giao mặt bằng để tuyến đường được hoàn thành đúng tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống".

Bà Âu Thị Kim Tiến vận động và trực tiếp cùng hội viên CCB trồng, chăm sóc rừng keo để gây quỹ hội. Ảnh: D.T
Bà Âu Thị Kim Tiến vận động và trực tiếp cùng hội viên CCB trồng, chăm sóc rừng keo để gây quỹ hội. Ảnh: D.T

Trên cương vị là Chủ tịch hội CCB xã Quế Long, bà Âu Thị Kim Tiến luôn nỗ lực vận động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ xóa nhà tạm cho CCB và giúp đỡ hội viên vượt khó. Từ năm 2012 đến nay, bà Tiến đã vận động xây mới và sửa chữa được 6 căn nhà cho hội viên CCB gặp khó khăn. Trong năm 2015, bà Tiến tiếp tục vận động tặng 1 con bò giống cho hội viên vươn lên phát triển kinh tế, vận động xây dựng "Quỹ trợ tang" hội CCB xã được 25 triệu đồng, vận động các chi hội CCB triển khai trồng sắn, trồng rừng để gây quỹ hội. Phong trào CCB giúp nhau việc đồng án, dựng nhà, quyên góp ủng hộ cho hội viên gặp hoạn nạn, ốm đau được duy trì thường xuyên. Đến nay, hội CCB xã Quế Long không có hội viên thuộc diện hộ nghèo. Ông Lê Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Quế Long nhận xét: "Chị Tiến rất nhiệt huyết với phong trào ở địa phương và được nhân dân rất mực tin tưởng, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, nhiều điểm xảy ra vướng mắc, cán bộ chuyên trách không giải quyết được thì chúng tôi thường nhờ chị Tiến đến vận động, thuyết phục là vấn đề được tháo gỡ".

Trực tiếp thực hiện và vận động chị em tiết kiệm với mô hình "nuôi heo đất" giúp đỡ người nghèo, chị Lưu Thị Mỹ Bình (36 tuổi) - Phó khối dân vận - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đông Phú vừa được huyện Quế Sơn khen thưởng về thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua "dân vận khéo" giai đoạn 2011 - 2015. Chị Bình cho biết, triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác hội kết hợp với "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và phong trào thi đua "dân vận khéo", Ban chấp hành Hội LHPN thị trấn Đông Phú quyết định chọn mô hình tiết kiệm "nuôi heo đất" để giúp đỡ người nghèo. Ban đầu, mô hình được phát động trong Ban chấp hành và 6 chi hội phụ nữ, qua 6 tháng mô hình đã tiết kiệm được trên 5 triệu đồng nên chị em rất phấn khởi. "Hàng tháng, chúng tôi đều tổ chức sinh hoạt ở các chi, tổ phụ nữ, kết hợp với tuyên truyền, vận động chị em tiết kiệm tiền để giúp đỡ những người nghèo khó, nên sau giờ họp chị em đều tự giác bỏ 2000 - 5000 đồng vào heo đất" - chị Bình nói.

Thấy được hiệu quả rõ rệt từ mô hình, chị Bình nỗ lực vận động các chi hội phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng trong tất cả hội viên phụ nữ, từ đó phong trào lan tỏa và đạt hiệu quả thiết thực. Qua gần 5 năm, mô hình "nuôi heo đất" đã tiết kiệm được hàng chục triệu đồng để trao tặng heo, bò giống tạo sinh kế bền vững và nhân lên niềm vui cho người nghèo. Chị Phan Thị Mai ở thôn Cang Tây (Đông Phú, Quế Sơn) bộc bạch: "Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, nhờ chị em tiết kiệm, quan tâm hỗ trợ cho tôi con bò giống nên tôi rất mừng, đây chính là động lực giúp gia đình tôi vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống". Từ mô hình tiết kiệm "nuôi heo đất", Hội LHPN thị trấn Đông Phú cũng đã tặng hàng chục suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học và các gia đình chính sách, thường xuyên giúp đỡ, tặng quà cho 2 học sinh được hội nhận đỡ đầu. Chị Bình tâm sự: "Nhiều chị em trên địa bàn còn rất khó khăn nhưng họ vẫn hưởng ứng nhiệt tình, người khó tiết kiệm giúp người khó hơn nên mô hình đạt hiệu quả thiết thực, hơn ai hết, bản thân tôi và các chị em trong Ban chấp hành hội luôn thấu hiểu, sẻ chia và tiên phong, gương mẫu trong các phong trào để vận động chị em làm theo, góp phần giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn".

 Suốt 15 năm dạy học, cô Nguyễn Thị Kim Lâm (Trường Tiểu học Lý Tự Trọng - TP.Hội An) luôn được phụ huynh tin tưởng, học sinh yêu mến, đồng nghiệp nể phục.

Cô Kim Lâm tổ chức hội thi Rung chuông vàng cho học sinh Trường TH Lý Tự Trọng.
Cô Kim Lâm tổ chức hội thi Rung chuông vàng cho học sinh Trường TH Lý Tự Trọng.

Thành tích của cô giáo Kim Lâm có thể tóm gọn: Giải nhì Giáo viên trẻ sáng tạo cấp thành phố, giáo viên dạy giỏi cấp thành phố nhiều năm, giải Nhất hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và giải Ba hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. Chia sẻ với những thành tích đạt được, cô khiêm tốn: "Tôi hạnh phúc với những gì đạt được nhưng cũng đi kèm trách nhiệm. Thành tích đạt được không lớn bằng sự đầu tư, rèn luyện của mình được ghi nhận. Và trong đó có phần đóng góp rất lớn của đồng nghiệp, những người luôn ủng hộ tôi".

Không chỉ giỏi về chuyên môn, cô Kim Lâm còn là "cây văn nghệ" của trường cũng như của ngành giáo dục Hội An. Trưởng thành từ phong trào đoàn - đội, khi đã đứng lớp, cô vẫn hăng say hoạt động văn hóa nghệ thuật. Không chỉ đạt thành tích cao trong các hội diễn nghệ thuật ở xã, phường mà cô còn khẳng định tài năng của mình qua việc đạt giải xuất sắc hội thi Phụ nữ thế kỷ 21 toàn quốc năm 2004.

Mới đây cô lại đón nhận thêm niềm vui khi bài dự thi cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp đạt giải Ba cấp tỉnh và vượt qua hàng nghìn bài dự thi khác tiến thẳng vào vòng chung khảo toàn quốc. Không chỉ dạy giỏi, hát hay, cô Lâm còn dẫn đầu trong phong trào giữ vở rèn chữ ở trường cũng như thành phố. Có nhiều em đã đạt được giải cao tại hội thi Vở sạch chữ đẹp các cấp dưới sự dìu dắt của cô. Bản thân cô cũng ý thức được việc gìn giữ nét chữ nên tham gia các lớp luyện chữ cùng học trò. Có thâm niên hơn 15 năm đi dạy, cô hiểu được những khó khăn cũng như thách thức của nghề giáo. Từ những ngày còn dạy ở xã nghèo cho đến khi về thành phố cô vẫn luôn trăn trở làm sao có thể giúp học sinh phát triển toàn diện. Cô tâm niệm: "Không chỉ dạy chữ, dạy viết, dạy tính toán mà còn dạy cả việc hình thành nhân cách làm con người tốt, có ích cho xã hội. Dạy làm sao cho học sinh có kỹ năng sống, chân thành với mọi người mới là điều quan trọng. Từng lớp học sinh của cô đã trưởng thành trong công việc lẫn cuộc sống, bạn Thạch Thúy cho biết: "Cô Lâm là giáo viên giỏi lại có tâm, tận tụy với tụi em lắm. Nhờ cô mà em trưởng thành hơn trong cách nghĩ, lối sống". Cô giáo Kim Lâm chia sẻ: "Việc đổi mới dạy và học diễn ra liên tục, tạo áp lực cho giáo viên, nhưng chúng tôi luôn động viên rằng phải tìm niềm vui và sáng tạo từ đó. Có lúc cũng thất bại nhưng không nản chí và dường như khó khăn cũng đầu hàng trước sự kiên trì của bản thân".

PHƯƠNG NAM – DUY THÁI – PHƯƠNG LOAN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Anh hùng" theo cách phụ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO