Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu: Hội An dễ bị tác động

XUÂN THỌ 21/11/2017 09:29

Trong bối cảnh ảnh hưởng bởi thiên tai từ biến đổi khí hậu, TP.Hội An là khu vực dễ bị tác động do có vị trí địa lý ở cuối sông, cửa biển...

Nước ngập trên đường Bạch Đằng (Hội An) chiều 20.11. Ảnh: XUÂN THỌ
Nước ngập trên đường Bạch Đằng (Hội An) chiều 20.11. Ảnh: XUÂN THỌ

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng một trong những điểm mà thành phố dễ bị tác động là nằm ở vị trí thấp, cuối hạ lưu sông Thu Bồn nên dễ bị lũ lụt. Đặc biệt trong trận lũ vừa rồi, Hội An là một trong các địa phương gánh chịu mức lũ lớn đỉnh điểm là 3,17m, trên mức báo động 3 là 1,17m, đồng thời tiệm cận mức đỉnh lũ 3,21m của cơn lũ năm 1999. Bên cạnh đó, đợt lũ từ ngày 4 đến 10.11 vừa qua là một trong những đợt lũ kéo dài nhất ở Hội An. “Sở dĩ có điều này là vì mưa lớn, thủy điện xả lũ điều tiết nước và thủy triều dâng mà người dân ở đây hay gọi là “hàn cửa”, đã khiến cho nước lũ lâu rút hơn so với mọi năm cũng như những địa phương khác” - ông Hùng lý giải.

Bên cạnh lũ lụt, thêm mối quan ngại của Hội An là tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại và bồi lấp luồng cửa biển Cửa Đại. Nhiều năm qua, tình hình sạt lở bờ biển Cửa Đại diễn ra hết sức phức tạp và chính quyền thành phố, UBND tỉnh đã mời nhiều chuyên gia, nhà khoa học tổ chức các cuộc hội thảo, nghiên cứu để bàn cách khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề. Sau khi bị ảnh hưởng bão số 12 và đợt lũ lụt vừa qua, có 1.500m bờ biển Cửa Đại về phía bắc bị sạt lở nghiêm trọng và do thời tiết vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nên việc khắc phục, gia cố bờ biển vẫn chưa thể tiến hành theo dự kiến. Ông Hùng cho biết, theo các nhà khoa học, từ năm 2011, trong các kịch bản biến đổi khí hậu, Hội An sẽ chịu tác động nhiều bởi nước biển dâng. Trong khi đó, luồng cửa biển Cửa Đại lại tiếp tục bị bồi lấp, khiến cho tàu thuyền gặp khó khăn khi lưu thông, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, nhất là ngư dân. Sau khi đi khảo sát hiện trạng này vào ngày 13.11, đến ngày 17.11, UBND TP.Hội An cùng Cục Quản lý đường thủy nội địa - là đơn vị chủ đầu tư nạo vét luồng biển Cửa Đại và Đồn Biên phòng Cửa Đại đã mời những ngư dân có nhiều kinh nghiệm để cùng đi khảo sát, lấy ý kiến của họ để lập phương án ưu tiên nạo vét tuyến đường chính. “Tuyến nạo vét này có đáy rộng 40m, sâu 3m và dài 800m. Thời tiết ổn định lúc nào thì chủ đầu tư sẽ cho nạo vét lúc đó nhằm sớm khơi thông luồng biển” - ông Hùng cho biết.

Trước việc dễ bị tác động bởi thiên tai, trên thực tế trong những năm qua TP.Hội An đã linh động xây dựng những phương án ứng phó. Trong đó đẩy mạnh việc giảm thiểu tác động của thiên tai bằng cách bảo vệ, khôi phục vùng đệm, nhất là khu rừng dừa Bảy Mẫu ở xã Cẩm Thanh. Ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cho biết, khu rừng dừa này có vai trò quan trọng giúp Hội An giảm thiểu tác động của thiên tai. “Trước hết, giúp giảm những tác động cơ học bởi các dòng chảy cả phía đại dương lẫn từ trên thượng nguồn, do đó sẽ giảm thiểu sạt lở. Với những cơn bão, rừng dừa là nơi chắn gió tốt, trở thành nơi tránh trú của tàu thuyền không chỉ ở Hội An mà còn của một số người dân ở các huyện lân cận như Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn. Còn trong những cơn lũ, rừng dừa có tác dụng “giữ” lại đồ đạc cho người dân, tránh không bị trôi đi mất. Rừng dừa còn là nơi điều hòa nhiệt độ của thành phố” - ông Thảo cho biết thêm.

Tuy vậy, theo nhìn nhận của ông Thảo thì trong những năm qua, việc làm du lịch tự phát đã gây nguy hại ít nhiều đến rừng dừa Bảy Mẫu. Nên vừa qua, UBND xã Cẩm Thanh và UBND TP.Hội An cùng Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã nhiều lần khảo sát, lập lại trật tự hoạt động du lịch và đặc biệt là xây dựng những kế hoạch trồng mới, phục hồi những nơi dừa bị xâm hại. Theo ông Thảo, bảo vệ vùng đệm này là hết sức cần thiết và phải làm ngay. Khi vùng đệm được ổn định thì đất đai sẽ được giữ lại, phù sa tiếp tục được bồi đắp và tất nhiên, khi cộng hưởng những điều này, sẽ giảm thiểu rất nhiều tác động của thiên tai. “Đó là những điều chúng ta thấy ở phía trên, còn ở dưới nước, khi bảo vệ vùng đệm này còn có tác dụng rất lớn trong việc khôi phục các loài thủy hải sản, giúp phong phú trở lại bức tranh sinh vật dưới nước như trước đây” - ông Thảo nói thêm.

XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu: Hội An dễ bị tác động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO