Ảnh nghệ thuật: Từ di sản, vì di sản

PHAN CHÍ ANH 19/09/2015 16:07

Trong buổi đầu bước chân vào nghề, hầu hết người nhiếp ảnh nghệ thuật ở Quảng Nam có một chọn lựa giống nhau: chụp ảnh về các thắng cảnh và di sản của quê hương. Và, sau khi đã thành danh nhờ các... di sản, họ đã lặng lẽ “trả ơn” bằng cách góp phần tôn vinh vẻ đẹp tiềm ẩn của mỗi cảnh quan, di sản qua những góc ảnh sáng tạo.

Bức “Ánh đèn đêm hội”, giải nhất ảnh đơn chủ đề đời sống tại cuộc thi ảnh Di sản văn hóa Việt Nam năm 2014.  Ảnh: P.C.A
Bức “Ánh đèn đêm hội” của Lê Trọng Khang, giải nhất ảnh đơn chủ đề đời sống tại cuộc thi ảnh Di sản văn hóa Việt Nam năm 2014.

Thành danh nhờ... di sản

Ngay khi Hội An chưa phải là Di sản văn hóa thế giới, họ đã vào từng ngóc ngách phủ rêu, từng ngõ phố ngoằn ngoèo xộc xệch của đô thị cổ kính này để chụp. Với Mỹ Sơn, rừng dừa nước Cẩm Thanh, với Bàn Than - Bãi Rạng, hồ Phú Ninh, sông Thu Bồn... cũng vậy, nhiều người đã tìm đến để chụp khi chúng chưa được công nhận là di sản, chưa được giới thiệu và công nhận rộng rãi về giá trị văn hóa, cảnh quan như sau này. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Phú Tâm, Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tại Quảng Nam cho biết, lúc bấy giờ, vì mới vào nghề nên ai cũng ham đi, ham chụp và hễ thấy cái gì mà theo mình cảm nhận là đẹp và ưng ý thì chụp ngay; hoàn toàn không có chuyện dựng cảnh, phối cảnh, “cài” nhân vật hay sử dụng người mẫu. Đặc biệt, ngoài các kỹ thuật mang tính thủ công - vốn tùy thuộc vào trình độ buồng tối và kỹ năng cầm máy của mỗi người, các giải pháp kỹ thuật bậc cao nhằm can thiệp, chỉnh sửa, tạo hiệu ứng, xử lý hình ảnh... không hề được sử dụng.

Giờ đây, những Dương Phú Tâm, Thái Tuấn Kiệt, Đặng Kế Đông, Nguyễn Lượng, Nguyễn Đức Thắng, Huỳnh Châu, Lê Vấn, Thái Bích Thuận... đều đã sở hữu cho riêng mình nhiều tấm ảnh về Mỹ Sơn, Hội An và về các thắng cảnh khác của quê hương khi mà chúng hãy còn chưa được vinh danh. Những bức ảnh này đều được chụp hoàn toàn “tự nhiên”, hiện đã có hơn 15 năm tuổi và đều là ảnh đen trắng, đẹp một cách dung dị, thuần phác, ghi lại vẻ đẹp của cảnh và người qua những góc nhìn có phần “lạ lẫm” so với hiện thực di tích và cảnh quan hôm nay. Theo độ lùi thời gian, rồi đây chúng sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong tổng thể hồn vía và thực thể của mỗi cảnh quan, di sản hiện được lưu giữ, bảo tồn. Tuy nhiên, nói về việc này, ai cũng kiệm lời và ý tứ. NSNA Đặng Kế Đông, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam tâm sự: “Chẳng qua là chúng tôi may mắn được sống cùng, được xem, được thấy và chụp được những cảnh đẹp và di sản văn hóa của quê hương. Chúng tôi phải chịu ơn những cảnh đẹp và di sản ấy, vì nhờ đó mà chúng tôi vào nghề và thành danh...”.

Và “trả ơn” di sản

Không chỉ người chơi ảnh Quảng Nam mà người chơi ảnh khắp cả nước và nhiều nơi trên thế giới đã nườm nượp đổ về để chụp, để sáng tác ảnh nghệ thuật sau khi Mỹ Sơn, Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới; sau khi các danh lam, thắng cảnh khác ở Quảng Nam được giới thiệu, quảng bá rộng rãi. Bởi vậy, giờ đây hình ảnh về Hội An, Mỹ Sơn và các danh thắng của Quảng Nam tràn ngập trên các trang mạng chuyên về ảnh nghệ thuật và du lịch. Trong nhiều cuộc thi ảnh cấp khu vực, cấp quốc gia và quốc tế trong những năm gần đây, hầu như không lúc nào vắng bóng hình ảnh về những địa chỉ văn hóa nổi tiếng này.

Bức “Lối xưa” của Dương Phú Tâm.
Bức “Lối xưa” của Dương Phú Tâm.

Dù vậy, giới chơi ảnh nghệ thuật của Quảng Nam vẫn không ngừng chụp và không thôi kiếm tìm, khai thác những vẻ đẹp tiềm ẩn, những vẻ đẹp hiển hiện nhưng chưa được nhìn nhận hết từ các phong cảnh, di sản của quê hương. Thỉnh thoảng, nhiều người vẫn mang máy lang thang khắp các ngõ phố Hội An, lặng lẽ lội qua từng góc tháp Mỹ Sơn hay tìm về các vùng quê... Cũng từ các cuộc săn ảnh miệt mài này, hơn 10 năm qua, tại các kỳ liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên, các cuộc thi ảnh toàn quốc và các kỳ thi ảnh chuyên đề, cái mà anh em nhiếp ảnh Quảng Nam mang đi ứng thí chủ yếu vẫn là hình ảnh về Mỹ Sơn, Hội An và các danh thắng nổi tiếng khác của tỉnh. Trong số hơn 30 tấm huy chương vàng, bạc, đồng và bằng khen các cấp mà giới nhiếp ảnh nghệ thuật Quảng Nam giành được trong thời gian qua, có tới hơn một nửa là những bức ảnh chụp về danh lam thắng cảnh và về 2 di sản văn hóa thế giới của tỉnh. Riêng tại cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam do Tạp chí Vietnam Heritage tổ chức hàng năm - bắt đầu từ năm 2012, qua 3 mùa thi thì Quảng Nam đã 2 lần có người giành được giải cao, gồm Mai Thành Chương và Lê Trọng Khang, với những bức ảnh được chụp ở Mỹ Sơn và Hội An.

Theo NSNA Đặng Kế Đông thì mỗi di tích, cảnh quan đều ẩn chứa rất nhiều góc độ, sắc diện đẹp, chỉ có điều con người chưa khám phá hết mà thôi. Để tìm thấy được, không còn cách nào khác là phải chịu khó “săn lùng”. Anh nói thêm: “Từ di sản và phong cảnh quê hương mà mình vào nghề rồi thành danh, bây giờ càng phải chịu khó tìm chụp để tri ân di sản và để tìm thêm những khoảnh khắc đẹp cho riêng mình”.

PHAN CHÍ ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ảnh nghệ thuật: Từ di sản, vì di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO