Anh Ngọc với trường ca

NGUYỄN QUANG VIỆT 30/04/2015 09:41

Nhà thơ Anh Ngọc để lại những ấn tượng sâu sắc, dù tôi được gặp ông không nhiều. Có thể khắc họa đôi nét: điềm tĩnh, đĩnh đạc, luôn hoài niệm về chiến trường, đau đáu một cõi thiêng xa xôi nào đó.

Một trưa hè đỏ lửa của năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị, người lính Anh Ngọc bần thần trước ngổn ngang đổ nát của chiến tranh. Giữa nơi cái chết hiện bày, những bông hoa bên đường vẫn nở. Những cánh hoa ấy khiến Anh Ngọc hình dung về đôi mắt người con gái ngày đêm mong ngóng tin tức người trai trẻ nơi chiến trường... Thế giới sâu kín đó đã gợi mở nên một tứ thơ lay động: “Phút lạ lùng trời đất trong veo/ Anh nghe có tiếng reo thầm gặp gỡ/ Nhiều dáng điệu thoáng qua trong trí nhớ/ Rất thân quen mà chẳng gọi nên lời” hay như: “Giữa một vùng lửa cháy bom rơi/ Cây hiện lên như một niềm ấp ủ”. Những hình ảnh đó đã lôi cuốn và neo giữ trong tâm hồn nhiều thế hệ người đọc đến bây giờ. Bài thơ này đã được trao giải nhì trong cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1972 - 1973 nhưng lại chưa đại diện được cho người thơ Anh Ngọc.

Ở lần được trao giải thưởng văn học Sông Mê Kông lần thứ II với trường ca “Sông Mê Công bốn mặt”, Anh Ngọc khẳng định sự không thể thay thế được của trường ca trong nhu cầu tiếp cận đời sống. Chiến tranh với trải nghiệm trực tiếp của người lính nhập ngũ ngay sau khi tốt nghiệp đại học Ngữ văn Hà Nội đã thôi thúc Anh Ngọc viết trường ca. Đó là các trường ca: Sóng Côn Đảo, Sông núi trên vai, Sông Mê Công bốn mặt và Điệp khúc vô danh. Có thể nói rằng, trường ca đã góp phần không nhỏ làm nên vóc dáng thơ Anh Ngọc.

Chia sẻ về “Sóng Côn Đảo”, Anh Ngọc cho biết: “Côn Đảo là một địa danh nhạy cảm. Ngay sau ngày giải phóng Sài Gòn, khi nghe tin các tù nhân Côn Đảo nổi dậy tự giải phóng, với tư cách là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tôi đã có mặt ở Vũng Tàu để theo tàu hải quân ra đảo. Vừa được nghe kể lại, vừa tự mình đi khắp hòn đảo tù ngục, chứng kiến tận mắt cảnh địa ngục trần gian vốn đã biết qua sách báo. Những gì mắt thấy tai nghe ấy đã gây trong tôi ấn tượng cực mạnh và trường ca Sóng Côn Đảo được hình thành ngay từ đó”. Xuyên suốt trường ca là sự trở đi trở lại của hình tượng sóng, đan xen và kết dính theo chuỗi làm nền mạch cảm xúc mênh mông và sâu lắng về nỗi đau và niềm căm uất không cùng của cả một thế kỷ ngục tù: “Sau sóng đấy, lại sóng và sóng nữa/ Bốn phương gió một mình ta ở giữa/ Biển vô biên là biển của tù đày… Biển căm hờn gầm thét biển thương đau”. Tiếp theo phần “Sóng” và “Biển” là “Đảo” - quê hương của những con người biệt xứ, với nỗi cô đơn như cái bóng của chính mình: “Muốn gửi lòng theo sóng đến muôn nơi/ Mỗi con sóng đi kể một cuộc đời”. Đích đến là từng xà lim - cận cảnh của nỗi đau xé lòng: “Tiếng gió gào trên chuồng bò mùa đông/ Tiếng nắng dội chuồng heo trưa mùa hạ/ Tiếng thê thiết những chiều mưa hầm đá/ Bốn bức tường tiếng vực xoáy bên trong”. Hành trình của sóng là hành trình vượt qua cái chết: “Nhưng đất cát quê hương kẻ thù không giết nổi/ Lại trùng trùng như sóng lớn nhấp nhô”. Và rồi, trở về giữa lòng mẹ Việt Nam: “Những bàn chân bước qua ngàn cái chết/ Những bàn tay chặt bỏ mọi gông cùm. Điệp khúc này sóng hát với mênh mông”. Có thể nói rằng, lịch sử của Côn Đảo với bước đi của một thế kỷ chiến đấu oanh liệt, vượt qua bao xiềng xích để cuối cùng đến với tự do đã được tô đậm qua bản trường ca.

Nếu như “Sóng Côn Đảo” quy mô rộng về tinh thần bất khuất của dân tộc thì “Sông núi trên vai” đặt ra vấn đề khá đặc thù: phụ nữ và chiến tranh. Nhà thơ cho biết: “Khi đặt bút viết bản trường ca này, tôi luôn bị ám ảnh bởi tác phẩm của một nhà văn Nga với cái ý tưởng “Chiến tranh mang gương mặt không phụ nữ”. Mặc dù không có ý định tranh luận, nhưng thực tế cuộc chiến ở Việt Nam đã giúp tôi rẽ sang một hướng khác khi khẳng định: phụ nữ khi đã buộc phải tham gia chiến tranh thì họ đã làm cho gương mặt chiến tranh thay đổi. Chiến tranh ở đây đã đi vào tận những góc khuất nhất của đời sống con người, càng tinh vi và ngỡ như “mềm” đi bao nhiêu thì nó càng dữ dội bấy nhiêu”. Từ cuộc gặp gỡ trực tiếp với các nữ chiến sĩ đoàn vận tải H50, cực Nam Trung Bộ, nhà thơ dựng lên hình ảnh rất đặc thù của những phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Trường ca đã khắc họa những người con gái vô danh đã “Gùi lịch sử trên đôi vai bé nhỏ” để có ngày “Thắng trận về chim báo đã sang xuân”. Họ là những cái tên như Hà, như Bảy, như Lan…, những cô gái “Chưa một lần yêu cho lồng ngực rung lên/ Thắt đáy lưng ong em chưa một lần làm mẹ/ Ba mươi tuổi em không còn trẻ”. Với bước chân, đôi vai qua bao nẻo đường, họ đã “Đem máu xương giành lại quê hương”.

Cũng xuất phát từ những ám ảnh khôn nguôi, Anh Ngọc đã viết trường ca “Sông Mê Công bốn mặt”. Nhà thơ kể: “Trong chuyến công tác sang Campuchia ngay sau ngày 7.1.1979, và nhiều chuyến đi khác sau đó, tôi thực sự kinh hoàng vì tấn bi kịch của nước bạn những năm ấy, tiêu biểu là hình ảnh nhà tù Tulsleng, là cánh đồng chết Chơng Ếch, là những bãi xương người bất tận…, thực không thể tưởng tượng nổi. Cùng với những hiện thực khác cũng lạ lùng không kém, tôi đã đặt bút viết “Sông Mê Công bốn mặt” trong sự thôi thúc nội tâm mãnh liệt và gửi gắm vào nó nhiều thông điệp”. Có thể thấy, trường ca này là chuỗi mạch đi từ bi kịch của con người trong chế độ diệt chủng Pôn Pốt liên tưởng đến bi kịch chung của loài người trong thế kỷ XX rồi trở lại với những suy tư về tồn tại và quyền sống của mọi cá nhân.

Anh Ngọc còn một trường ca khác là “Điệp khúc vô danh”, một câu chuyện rất dài và cuốn hút xung quanh trường ca ấy. Ở đó có những câu thơ đau xiết: “Xác dân Cam-pu-chia ngập bến Công-Pông Chàm/ Máu người Việt Nam nhuộm đỏ dòng kênh Vĩnh Tế/ Sông Mê Công trôi như dòng lệ…”. Anh Ngọc đã khái quát tấn bi kịch của hai dân tộc Campuchia và Việt Nam trong chiến tranh, cũng là một ám ảnh không dứt.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Anh Ngọc với trường ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO