Một chiều cuối tháng Ba, trời đổ mưa. Đó là ngày 30.3.2022. Và cả những ngày sau đó, mưa càng nhiều hơn như cùng hòa với nỗi buồn của những người thân, anh em, bạn bè khi nghe tin anh Nguyễn Công Hường - nguyên Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn - giã biệt cõi đời, giã từ cuộc chơi đi về phía vĩnh hằng...
Hơn hai mươi năm anh gắn bó với công tác bảo vệ, bảo tồn di sản, gắn bó với Khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Xuyên), một thung lũng của thần linh và nghệ thuật. Anh như tiếp nối làm chứng nhân cho sự bảo tồn di sản linh thiêng nghìn năm và sự hồi sinh của di sản đặc biệt này.
Và trong khoảng thời gian ấy, anh là người bạn của nhiều nhà nghiên cứu, khảo cổ, nhà báo, văn nghệ sĩ, du khách..., những ai từng đến với Mỹ Sơn, khám phá sự kỳ bí của Mỹ Sơn. Nói như GS. Trương Quốc Bình - thành viên phân ban Mỹ Sơn Việt Nam - Ba Lan, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia: ‘’Thật bàng hoàng khi nghe tin anh Hường ra đi, tôi thực sự mất một người bạn quý ở Mỹ Sơn...”.
1. Năm 1995, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) quyết định bàn giao Khu đền tháp Mỹ Sơn cho huyện Duy Xuyên quản lý và khai thác dịch vụ du lịch. Khu tháp Mỹ Sơn lúc bấy giờ đã được công nhận là Di tích quốc gia nhưng chưa được đầu tư trùng tu, tôn tạo đúng với tầm vóc.
Ngoại trừ phần trùng tu trong chương trình tài trợ văn hóa Việt Nam - Ba Lan do Kiến trúc sư Kazit chủ trì và những nguồn tài trợ của các quỹ văn hóa quốc tế khác, thì chưa có một kế hoạch nào dành cho việc trùng tu tháp Mỹ Sơn.
Đường vào tháp lúc bấy giờ chỉ một lối mòn nhỏ dành cho người đi bộ, thỉnh thoảng có những xe máy Mink chở khách đi vào. Dòng suối Khe Thẻ vẫn còn con đò ngang ngăn cách. Bên ngoài, đường 104 (nay là Tỉnh lộ 610) đoạn Kiểm Lâm - Nông Sơn vẫn còn nhiều dấu tích của chiến tranh, ngổn ngang sỏi đá, mỗi ngày chỉ có vài chuyến xe vận tải hoặc xe đò chạy tuyến Phú Đa.
Lúc bấy giờ, du lịch đã có mầm mống phát triển ở Quảng Nam - Đà Nẵng, các tài liệu hướng dẫn du lịch trong và ngoài nước cũng đã có những chỉ dẫn về Hội An và Mỹ Sơn. Phần lớn du khách khám phá, tìm hiểu di tích là người nước ngoài, họ đến đây từ Đà Nẵng hoặc Hội An bằng xe thồ. Bên ngoài Khe Thẻ là cảnh tranh giành khách rất phức tạp.
Giữa lúc đó, anh Hường được điều động từ vị trí Chủ tịch UBND xã Duy An lên Mỹ Sơn phụ trách công tác quản lý - một công việc hoàn toàn mới mẻ và rất nhiều khó khăn, phức tạp.
2. Nguyễn Công Hường là một cán bộ trẻ, năng động, say sưa, quyết liệt với cái mới. Anh được điều động lên Mỹ Sơn để giúp UBND huyện tiếp nhận việc quản lý và bảo vệ Mỹ Sơn từ Bảo tàng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nhằm thúc đẩy khai thác du lịch ở khu vực này. Khó khăn là tình hình ở Mỹ Sơn lúc bấy giờ đang phức tạp, nhất là an ninh trật tự, nếu không làm tốt sẽ có ảnh hưởng đến địa phương.
Tôi có nhiều kỷ niệm với anh trong thời gian cùng làm việc ở Duy Xuyên, đặc biệt là việc lập các kế hoạch, đề án tập trung bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị di tích Mỹ Sơn cũng như phối hợp với Sở Du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng lập đề án phát triển du lịch huyện Duy Xuyên.
Trước khi anh Hường lên công tác ở Mỹ Sơn, tôi cùng nhiều anh em nữa đã cùng anh hàn huyên tâm sự. Anh đã trao đổi chân thành những dự định, ước ao về Mỹ Sơn. Tôi tặng anh quyển sổ tay và cây bút như vật lưu niệm cho người bạn nhận công tác mới. Có anh, mọi người sẽ yên tâm vì anh là một người chịu khó, năng động nhạy bén, có trình độ và đặc biệt hết sức quyết liệt trong công việc, không chùn bước trước những khó khăn.
Lên Mỹ Sơn với bao thử thách đang chờ. Cũng may là anh Hường từng đưa dân Duy An lên khai phá vùng đất này nên tương đối rõ địa hình. Việc đầu tiên của anh là tiếp nhận công tác từ một tổ công an được thành lập trước đó để ổn định trật tự khu vực.
UBND huyện Duy Xuyên thành lập Tổ quản lý, bảo vệ di tích Mỹ Sơn trực thuộc UBND huyện gồm anh Nguyễn Công Hường và 3 thành viên (anh Lê Xuân Tiến, anh Huỳnh Tấn Lập, anh Nguyễn Công Khiết) là những cán bộ đầu tiên của khu di tích.
Nhiệm vụ chính của Tổ quản lý, bảo vệ di tích Mỹ Sơn lúc này là đảm bảo an ninh trật tự, lập lại kỷ cương trong việc sử dụng xe thồ vào Khe Thẻ và vào tháp Mỹ Sơn. Trước mắt vẫn giữ việc bán vé vào tháp của Bảo tàng tỉnh, tổ của huyện lo công tác an ninh trật tự cùng với Công an huyện.
Một mặt sắp xếp lại lực lượng xe thồ theo tổ nhóm để giải quyết việc tranh giành du khách, phối hợp với tổ quản lý của Bảo tàng để khách vào tham quan. Mặt khác, Phòng Tài chính huyện phát hành vé dịch vụ, hàng ngày chia tiền vé dịch vụ cho xe thồ, nhờ vậy trật tự dần ổn định, mỗi ngày đón 20 - 30 khách nước ngoài.
3. Sau thời gian đầu tạm ổn, UBND huyện lên kế hoạch lập lại trật tự tại Mỹ Sơn một cách toàn diện, bao gồm chuyển đổi nghề nghiệp cho người làm nghề xe thồ, rồi làm cầu tre qua Khe Thẻ, đưa xe Jeep vào vận chuyển khách từ Khe Thẻ vào tháp, tiếp nhận tổ bảo vệ của Bảo tàng tỉnh và bán một loại vé thống nhất bao gồm vận chuyển và tham quan. Công tác tuyên truyền được tập trung triển khai tích cực tạo sự đồng thuận của nhân dân và chính quyền các địa phương.
Có thể nói đây là thời kỳ bận rộn và gian khổ nhất đối với anh Hường và những người trực tiếp làm việc tại đây. Nhiều vấn đề tế nhị nảy sinh: sự bất mãn của đội ngũ xe thồ, công ăn việc làm của những người kiếm sống ở đây... Cách giải quyết có lý, có tình, mạnh mẽ, quyết đoán của anh Hường đã từng bước thuyết phục được mọi người, dần dần lập được trật tự Mỹ Sơn.
Điểm nổi bật của anh Hường trong ứng xử là anh có những quyết định chia sẻ lợi ích với cộng đồng xung quanh. Sử dụng công nhân địa phương trong việc trùng tu di tích, giải quyết việc làm bằng những công việc thích hợp. Đó là nơi giữ xe gây quỹ của Hội Cựu chiến binh xã, quầy ăn uống do nhân dân địa phương quản lý... Các ngày lễ, tết đều có quà cho các cháu, các suất học bổng...
Sau khi Mỹ Sơn ổn định về trật tự, du khách lần lượt về đây tham quan. Dần dà theo thời gian, lượt du khách và doanh thu tăng trưởng nhanh, trung bình hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Kết quả này có được nhờ anh cùng Ban quản lý đã làm việc với các công ty lữ hành, các cơ quan báo chí để quảng bá thu hút du khách, học hỏi kinh nghiệm của các di sản khác như Huế, Hạ Long, Hội An... Đồng thời tìm hiểu công tác bảo tồn và tôn tạo di tích và vận dụng vào tình hình địa phương.
Anh Nguyễn Công Hường đã cùng với các đồng sự lập đề án tu bổ khẩn cấp Mỹ Sơn, phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương lập quy hoạch chiến lược về trùng tu di tích này. Đặc biệt, anh đã dày công phối hợp với Bộ VH-TT, Cục Bảo tồn bảo tàng cùng các cơ quan liên quan bổ sung, cung cấp nhiều thông tin quan trọng vào hồ sơ trình tổ chức UNESCO công nhận Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới (1999).
Anh Hường luôn là người trọng thị, hài hòa trong giao tiếp, ứng xử và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với những người đã từng cộng tác, làm việc và gắn bó với anh. Không chỉ riêng tôi, những ai đã từng gắn bó cùng anh trong công việc cũng như đời thường, đều luôn nhớ mãi về anh Nguyễn Công Hường - một người mạnh mẽ, lãng tử, sâu sắc và giàu tình cảm...