Ánh sáng ở vùng cao - Bài 2: Như mạch nguồn Trường Sơn

ALĂNG NGƯỚC 21/09/2021 06:11

Cơn mưa chiều vừa dứt, màn sương phía chân đồi như sà xuống ngôi làng nhỏ Cheng Tông (thôn 1, xã Trà Cang, Nam Trà My), tái hiện hình ảnh lần trước tôi đến thôn Glao (xã Ga Ry, Tây Giang). Dù cách nhau gần 400km, nhưng thật kỳ lạ, câu chuyện góp nhặt ở 2 điểm rơi giữa rừng lại có chung “mạch nguồn” về tinh thần của những đảng viên giữa rừng già Trường Sơn…

Một góc làng Glao giáp biên giới Việt - Lào. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Một góc làng Glao giáp biên giới Việt - Lào. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Không bỏ cuộc ở Cheng Tông

Có tiếng lao xao từ căn nhà của chị Trương Thị Luôn - Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Trà Cang. Thì ra, người làng Cheng Tông tìm đến để bàn công việc. “Mai đúng 7 giờ, bà con tập trung tại nhà làng để đi. Mỗi người mang theo nắm cơm ăn trưa và cả cuốc, xẻng hoặc rựa để mở đường mới về khu sản xuất” - Luôn dặn dò. Vừa giờ tan trường, một cô giáo đến thông báo, chuyến đi này không thể tham gia, vì có việc gia đình ở tận xã Trà Don, phải về.

Nhiều năm làm trưởng thôn, rồi bí thư chi bộ, Trương Thị Luôn nói, chị rất hiểu tâm lý của người làng. Gần như, tất cả công việc chung, cả làng chưa bao giờ vắng mặt một ai, trừ trường hợp ốm đau hoặc có công chuyện cần thiết.

Tinh thần đoàn kết, được ví như những sợi mây trên nóc nhà làng, gắn chặt vào nhau cùng vượt qua một đời sương gió. Nhưng, đó là câu chuyện của mươi năm trở lại. Còn trước đây, những cư dân ở làng Cheng Tông, cũng không nằm ngoài tập quán của vùng cao: sống phân tán dọc sườn núi hiểm trở. Cũng vì biệt lập với bên ngoài nên mọi thứ với Cheng Tông đều rất… mơ hồ.

Câu chuyện cũ được gợi nhắc, chừng như chạm vào khoảng lặng rất riêng của “người phụ nữ mạnh mẽ” nhất làng Cheng Tông, khiến chị có chút thoáng buồn trên gương mặt. Tôi hiểu, đó là niềm riêng của những cán bộ miền núi khi “dám” chống lại với nếp nghĩ cũ của cộng đồng, thậm chí nếp nghĩ đó có thể là những hủ tục cay nghiệt tồn tại hàng trăm năm.

Trương Thị Luôn vận động dân làng Cheng Tông tìm hiểu thông tin phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Trương Thị Luôn vận động dân làng Cheng Tông tìm hiểu thông tin phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Mình quyết tâm phải làm thay đổi cuộc sống của dân làng nên dù khó đến mấy cũng không bỏ cuộc. Bắt đầu từ bản thân, mình tiên phong dời đi, làm nhà trước để dân làng thấy được cái lợi, cái ích mà theo chủ trương di dân, ổn định cuộc sống” - Luôn chia sẻ.

Gương mặt rắn rỏi của người phụ nữ chỉ ngấp nghé 30 tuổi, nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ, khác xa lúc mới bắt đầu câu chuyện. Đó là thời điểm chị thành công. Sau hành trình miệt mài tuyên truyền, vận động dân làng, đến khi tận mắt chứng kiến hàng chục hộ dân rời núi về sinh sống tại mặt bằng mới, phút giây hạnh phúc, chị rơi nước mắt.

Luôn nói, đó là năm 2017, dấu mốc lịch sử ngày dân làng Cheng Tông định cư ở “vùng đất hứa” ngay sát con đường lớn, như bây giờ. Nhưng, về làng mới, mục tiêu tiếp theo là thoát nghèo. Năm đó, Luôn được bầu làm trưởng thôn và kiêm luôn bí thư chi bộ.

Dù được rất nhiều người tin tưởng, nhưng khi thực hiện chủ trương kêu gọi người dân xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, lần thứ 2 chị vấp phải sự “phản đối” từ cộng đồng.

Bí thư Chi bộ Trương Thị Luôn trong một dịp cùng người dân mở đường về khu sản xuất. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Bí thư Chi bộ Trương Thị Luôn trong một dịp cùng người dân mở đường về khu sản xuất. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Năm 2019, Luôn rớt phiếu bầu trưởng thôn. Buồn tủi, nên khi hay tin có đoàn công tác của huyện về địa phương, Luôn xin gặp lãnh đạo huyện để tâm sự và đề đạt nguyện vọng xin từ chức bí thư chi bộ. Mọi người khuyên Luôn cố gắng.

Giữa lúc tâm trạng rối bời, Luôn gặp chị Phạm Thị Mỹ Hạnh - cán bộ tuyên giáo, bây giờ là Bí thư Huyện đoàn Nam Trà My. Thấu hiểu câu chuyện, chị Hạnh động viên Luôn hãy mạnh mẽ, tiếp tục cống hiến cho dân làng.

“Em đang đi đúng hướng, em là người tiến bộ. Em nghĩ xem, bây giờ điều quan trọng nhất với em là gì? Đó chính là quyết tâm làm thay đổi nếp sống của dân làng. Em đã làm được một chặng đường không ai làm được, vậy vì sao phải bỏ cuộc? Phải biết vượt qua để bước tiếp chặng đường phía trước. Em làm được không?”. Chị Hạnh vừa dứt lời, Luôn lặng lẽ rời đi…

“Lúc đó, tôi nghĩ, mình là đảng viên, lại là bí thư chi bộ. Chỉ vì cái tôi của mình mà từ bỏ tất cả, liệu có nên không. Rồi còn mặt mũi nào nhìn mặt những người đã tin tưởng, động viên mình” - Luôn kể.

Dặm dài theo từng câu chuyện của cô gái Xê Đăng là hành trình “vực dậy” với những cuộc dân vận không mệt mỏi. Rồi Luôn thành công, ghi dấu cuộc đổi mới của dân làng Cheng Tông, lần lượt bằng các quy ước “Xóa nạn tảo hôn”; “Cộng đồng Xê Đăng không vi phạm pháp luật”; để hạn chế uống rượu, nhất là thói quen uống rượu từ sáng sớm của dân làng, quy ước không uống rượu buổi sáng cũng được xây dựng và thống nhất thực hiện... Nhờ đó, hộ nghèo trong làng giảm dần. Vài năm nay, sâm Ngọc Linh được di thực, mở ra kỳ vọng mới về cuộc sống đủ đầy nơi miền rừng Cheng Tông.

Cứu sinh một phận đời

Trở về từ buổi chăm sóc ruộng lúa nước, Bríu Ngô - Chi ủy viên Chi bộ thôn Glao (xã Ga Ry) tất tả chạy sang căn nhà của một hộ dân trong làng, cùng phụ giúp công đoạn vận chuyển vật liệu gỗ. Ngô nói, bất kể công việc gì trong làng, hễ có mặt, anh đều sẵn sàng góp sức…

Bríu Ngô động viên người dân Glao vươn lên trong cuộc sống, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Bríu Ngô động viên người dân Glao vươn lên trong cuộc sống, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tôi không xa lạ gì Bríu Ngô. Nhiều năm trước, anh từng là nạn nhân trong vụ lũ cuốn, suýt chết. Ngô ngại ngùng nhắc lại chuyện cũ, mắt đăm chiêu theo màn mưa.

“Gần 8 năm rồi. Lúc đó, cũng mưa như bây giờ, sau khi xuống nhận tiền từ kho bạc, tôi cùng một vài anh em cán bộ xã ngược núi trở về Ga Ry. Đến đoạn suối Achâm tại thôn K’noonh, xã A Xan thì gặp lũ.

Một nhóm người qua trước, tôi nhờ anh em còn lại đẩy hộ xe. Trên xe cột vali tiền vừa nhận để chi trả lương cho gia đình chính sách, cán bộ về hưu của xã. Đến giữa dòng nước, bất ngờ lũ đột ngột từ đầu nguồn, không may thanh gỗ bị lật, tôi cùng chiếc xe máy và vali tiền rơi xuống dòng lũ, bị nước cuốn trôi. May mắn, mình bám được nhánh cây” - Ngô kể.

Lúc sự việc xảy ra, Ngô rơi vào tâm trạng rối bời. May khi còn sống sót nhưng số tiền gần 650 triệu đồng bị lũ cuốn không biết phải làm sao. Ngô suy sụp.

“Lúc ngồi sưởi ấm tại đồn biên phòng và cả khi đã về nhà, mình đều lo sợ. Mình suy nghĩ rất nhiều, vì lúc đó vợ mới sinh con, nếu mình đi tù thì không ai lo việc gia đình” - Ngô trải lòng.

Lo Ngô nghĩ quẩn, chính quyền địa phương cắt cử lực lượng đến động viên cũng là phòng anh làm chuyện dại dột. Cán bộ thôn và dân làng Glao cũng tìm cách chia sẻ với gia đình. Mấy ngày sau, có vài người từ làng K’noonh ngược núi mang số tiền hơn 2,5 triệu đồng vừa nhặt được trả Ngô.

Già làng Tơ Ngôl Lăng, lúc đó đương chức Bí thư Chi bộ thôn Glao kể, để động viên Ngô an tâm tư tưởng, già gặp gỡ vận động cán bộ, đảng viên và gia đình chính sách trong làng tặng hết số tiền bị mất giúp Ngô bớt lo lắng. Câu chuyện của già Lăng lan sang các làng lân cận. Một tuần sau đó, Đảng ủy xã Ga Ry tổ chức cuộc họp khẩn, trưng cầu ý kiến tất cả người có danh sách nhận lương trong tháng.

Bí thư Đảng ủy Ga Ry - Riáh Nhoóp nhớ như in cuộc họp hôm ấy. Câu chuyện vừa đưa ra, đã thấy đồng loạt cánh tay giơ lên đồng ý. Từng người bày tỏ được chia sẻ với rủi ro của Ngô. Sự việc được báo cáo lên huyện, rồi lên tỉnh. Cấp trên đồng ý, lực lượng chức năng vào cuộc xác minh, mọi chuyện đều do thiên tai, bão lũ.

“Đa số người nhận lương hưu, tiền chính sách là cán bộ, đảng viên. Rất hiểu hoàn cảnh của Ngô, với tinh thần đồng chí, họ đồng thuận hỗ trợ nên mọi người cùng theo, nếu không, Ngô lấy gì mà trả” - ông Nhoóp nói.

Chuyện đã cũ ở làng, nhưng không cũ với Ngô. Biết không thể trả hết tình cảm của những người đã từng “cứu sinh” mình nên Ngô tìm cách đền đáp bằng việc làm rất nhỏ trong cuộc sống cộng đồng. Nhen nhóm trong câu chuyện của mình, Ngô đang ấp ủ ý tưởng cho cuộc đổi thay ở vùng đất giáp biên bằng các mô hình kinh tế mới…

---------------------------

Bài 3: Đối đầu, bước qua hủ tục

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ánh sáng ở vùng cao - Bài 2: Như mạch nguồn Trường Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO