Anh trở về bày rượu phía bên kia

TRUNG VIỆT 02/06/2021 10:16

(QNO) - Trong Lời cuối gửi bạn bè, người thân, phòng khi bịnh nặng không viết được trên trang huynhngocchien.com, ngoài chuyện tạ ơn tất cả, Huỳnh Ngọc Chiến có viết rằng, đám tang anh chỉ có nhạc cổ điển và và ai đến viếng thì gõ ba hồi chuông, chứ không có nghi thức tụng niệm, cờ đèn kèn trống, dù anh là đệ tử Phật giáo, lí do là anh không tin kinh kệ tụng niệm có thể giúp người ta giải  thoát.

Huỳnh Ngọc Chiến bên mộ Beethoven, tại thành phố Vienna, Áo, 2019
Huỳnh Ngọc Chiến bên mộ Beethoven, tại thành phố Vienna (Áo), năm 2019.

Chẳng ai có kinh nghiệm về cái chết. Nghi ngờ về cơ may nương tựa cúng bái tụng niệm để được nhiếp dẫn siêu độ về cõi cực lạc, ở anh, hoàn toàn không phải là  con đẻ của lối suy tư phản đề “rượu vào lời ra”, nói càn ẩu, phủ nhận tất cả, mà đó là căn tính của một người đã nắm được tinh thần Tánh Không. Nghi thức tụng niệm trên của nhà Phật, lại bị chính người nghiên cứu Phật giáo như anh… xua tay, lộ dẫn một cái nhìn tỉnh táo trong thức nhận về sự nương tựa của chính ta vào đâu đó, vốn vô nghĩa lí, khi ta biết mọi thứ vô hữu vô không; mỗi người phải chịu trách nhiệm với nghiệp lực do mình tạo ra ở cõi này, ngày mai tịch diệt đi về cõi khác, thì tài sản ta mang theo đủ… mua vé vô chỗ vui thì bước hớn hở, không đủ thì mời ghé cổng tối tăm; chẳng có ai tài giỏi giúp được ta đâu.

Hai, theo chỗ tôi biết khi nói chuyện khá nhiều lần với nhau về chuyện đạo, đời, thì anh lắc đầu ngay chuyện ai đó lợi dụng Phật giáo đề làm bậy, từ cúng bái, dựng chùa, lập đàn đến viết sách, dịch kinh mà sở tâm và sở tri đều kém và tệ hại.

Có hai chuyện trong nhiều chuyện tôi kể ngắn ra đây để như một lần nhắc lại quan điểm trên của anh. Lần đó, thầy ở một ngôi chùa ở ngoài bắc làm bậy, tối muộn rồi, tòa soạn điện tôi… lấp trang bèn cách tìm ai đó phỏng vấn, với điều kiện phải là người am tường Phật giáo, có tiếng nói được giới này biết. Tôi điện thoại anh, lúc đó anh đang ở Hội An, uống la đà rồi, thế mà câu đầu tiên anh văng ra là “đó là thứ tà sư”. Được đà, tôi làm tới, thế là anh nói luôn, rằng ngay trong kinh điển hiển lộ và mật ngôn của nhà Phật, chẳng ai dạy, khuyến tấn đệ tử Phật gia làm chùa để lừa đảo, kinh doanh...; chính giáo hội phải chịu trách nhiệm này trước trong việc kiếm soát, trao quyền lập chùa, bổ nhiệm những trụ trì vô tư cách, thiếu năng lực; giáo hội cũng phải chịu trách nhiệm một phần trong dạy dỗ tăng chúng, thứ đến, sự vô minh đầy rẫy hôm nay, có căn do từ chính xã hội không còn một chuẩn mực tử tế nào cả… Rồi ngay cả chuyện những người tự nhận mình làm nghiên cứu, viết sách lên giọng dạy đời, trong khi nếu đọc có chuyên môn sâu, sẽ biết họ… phùa là chính, mà những người này giờ nhan nhản trên nhiều lĩnh vực.

Chuyện thứ hai, là hồi đó tôi làm nhà, nghe được, anh kể: Khi làm nhà ở đường Trần Cao Vân, gia đình muốn an vị Phật, anh mời thầy Từ Ý. Vị sư này một mình đạp xe trong mưa đến, và chỉ bằng một bông vạn thọ và li nước lọc, ông làm xong nghi lễ. Không cúng bái, nhang đèn kinh kệ dài dòng, chẳng phong bì phong bao. Theo anh, đó là vị cao tăng hiếm hoi ngộ đạo, vượt thoát được mọi lẽ…

Hình như ấn tượng về những vị bồ tát trong và ngoài… chùa (như Bùi Giáng, anh rất ngưỡng mộ Bùi Giáng bởi tinh thần bất nhị ở nhà thơ này), cùng công phu hàm dưỡng lẫn khả năng mạnh mẽ trong tiếp thu và phản biện triết học nơi anh, đã khiến một người dịch thuật triết học phương đông, nghiên cứu Phật giáo, bỗng đâm ra… nhẹ hều, lúc nào cũng có thể thư thái vui đùa, chứ không đạo mạo làm dáng.

Có lần tôi hỏi: Làm thơ, nhạc, dạy tin học, toán, anh văn, dịch sách triết học, khảo luận Phật giáo cùng triết học Trung Hoa, Kim Dung, thơ Đường… vậy cuối cùng anh là cái chi? Anh rộ một tràng cười: Tau chẳng là cái chi hết, bá nghệ bá tri vị chi bá láp…

Khi một người đã nằm xuống, mọi thứ nhắc lại đều như làn sương mỏng tan trong nắng sớm. Tin nhắn gần nhất anh gửi cho tôi là ngày 20.5.2021, rằng anh nói được đã là phép màu rồi, nên lần này phép màu không đến lần thứ hai khi cơn đau đã giảm, đầu óc minh mẫn nhưng cơ thể lại không tiếp thu thức ăn được... Tôi nói với anh rằng, chúng ta ra đời đã là phép màu rồi!

Trước đó chừng một tháng tôi ghé thăm, anh đi đứng khỏe mạnh, nói năng nên lời chứ không khò khè nữa, lại khoe chuẩn bị được uống cà phê trở lại và hối hả dịch kinh Phật. Đưa cho tôi cuốn “Tánh Không - Cốt tủy triết học Phật giáo nghiên cứu về Trung Quán Tông”, anh kể: Kỳ lạ lắm, năm đó ở Sài Gòn, bảy đêm liền anh nằm mơ thấy phật kêu phải dịch cuốn này. Thế là bỏ tiền ra nhờ mua, xong, cứ chiều đi làm về ghé quán cơm bụi ăn đại một miếng, về bắt đầu dịch thâu đêm. Cái khó là Phạn ngữ trong sách quá nhiều mà máy tính thì không có phông chữ Phạn. May thay và kì lạ, một bạn đọc là dân công nghệ ở Gò Vấp điện thoại nói chữ nào không gõ được anh đưa em. Người đó cắt dán, in phim rồi đưa lại anh. Cứ thế ba tháng ròng rã anh em hì hục. Vợ người kia sau này kể ổng cắm cúi gõ, hỏi thì nói đang giúp anh Chiến. Cuốn sách ra đời là duyên đã định và anh nghe nói trước 1975 ở Sài Gòn, hai bậc nghiên cứu Phật học là Phạm Công Thiện và Tuệ Sĩ đã dịch nhưng đều dở dang, lí do vì sao không rõ…

Mọi thứ đến và đi đều được Thượng đế sắp đặt hết, vấn đề là mình không biết trước mà thôi. Chính lẽ đó, anh chuẩn bị cho chuyến đi cuối nhẹ nhõm.

Bây giờ anh đã về đâu đó trong cõi phiêu hốt của riêng anh. Thế giới bên kia có chi, chúng ta không thể biết. Tôi thì tin rằng, nếu một người sinh ra được đời sống đãi đằng khá nhiều như anh, thì qua thế giới, chắc chắn anh không… đói và tiếp tục ta bà như tôi đã biết về anh, một kiểu ta bà rất sang trọng và minh triết, giản dị, hài hước của một tay chơi ghi ta, làm nhạc, lại cẩn nghiêm của một thầy giáo và nhà nghiên cứu triết học.

Bữa trước anh nhắn em rảnh vào nói chuyện chơi, nhưng lại bị con Covid ngăn cản không ra vào được. Hôm kia định nhắn tin hỏi thăm nhưng lu bu chèn lấp, thì 13h30 chiều 1.6.2021, chị Tố Trinh vợ anh điện thoại, giọng nghẹn đi: Em ơi, anh Chiến hấp hối rồi…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Anh trở về bày rượu phía bên kia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO