Để được sống và hát, Ánh Tuyết đã nếm trải quá nhiều mùi vị của cay đắng. Để rồi bây giờ mỗi khi cất tiếng hát, chị lại hát như cuộc đời mình.
1. Thời gian này, Ánh Tuyết đang tiếp tục ngồi trên ghế giám khảo chương trình Những bài hát còn xanh mùa thứ 2. Vẫn là tà áo dài, mái tóc dài buông xõa và nụ cười đôi khi “tít mắt”. Trước đây, chị hiếm khi nào chịu làm công việc “cầm cân nảy mực” các chương trình thi thố. Nhưng lần này lại khác. Đây là chương trình không mang tính chất ganh đua, ăn thua giữa những người hát. Toàn bộ số tiền giải thưởng được quyên góp vào quỹ “Tấm lòng Việt - VTV hướng về biển đảo”. Hơn nữa, Ánh Tuyết tự nhận thấy mình có nhiều thay đổi khi nghe những giai điệu bất hủ được thổi một sức sống mới qua những giọng ca trẻ. Xem, nghe cách chị nhận xét, góp ý cho người trẻ, có lúc thấy chị còn trẻ hơn cả họ. Vẫn thấy ở chị một sức sống dạt dào, một bầu nhiệt huyết dữ dội. Lửa đời, lửa nghề trong Ánh Tuyết chưa bao giờ thôi cháy.
Tưởng rằng với cuộc sống của mình, chị coi như mãn nguyện, chẳng “đau đớn” gì thêm nữa. Chị cười nói giòn tan, nụ cười tự tin, thanh thản quá chừng. Nhưng dường như Ánh Tuyết chưa bao giờ bình yên thật sự. Mảnh vườn ngoại ô thành phố đã hoàn thành, chị đón mẹ và các anh chị em về chung sống. Riêng chị vẫn ở quận 3, chọn cách đi đi về về giữa 2 nơi. Thời gian không rửa sạch hết nhọc nhằn trên gương mặt người đàn bà xứ Quảng. Vẫn còn đó nét u buồn, khắc khổ, chất đầy lo toan trong cuộc sống thị thành nhiều va đập này. Ánh Tuyết có lúc ví mình như con bò không đủ sức kéo nổi cái cày. Chị muốn buông tay, đạp đổ tất cả. Nhưng mấy chục năm rồi, chị chưa bao giờ buông bỏ. “Tôi đã đi hết 2/3 quãng đường đời, tuổi trẻ qua, tôi biết thời gian trong quãng đời còn lại rất ít ỏi. Tôi có nhiều việc cần bàn tay và khối óc của mình. Nếu muốn bỏ thì biết bỏ cái nào?”- chị tần ngần. Những bổn phận, trách nhiệm buộc chị phải tiếp tục gánh vác trong khi có những dự định, kế hoạch muốn làm lại không cho phép. Như việc hoạt động lại phòng trà ATB chẳng hạn.
Ánh Tuyết hay kể chuyện đời mình bằng những mảng ký ức nhớ - quên ghép lại. Có lần chị trầm tư: “Chớp mắt đã mấy chục năm, tôi đã đi đến tận cùng những cảm xúc của cô đơn, của nghèo khổ, của mất mát lẫn niềm vui, hạnh phúc, khao khát”. Thành ra, nếu hát bài hát của cuộc đời mình, chắc chắn chị sẽ gói ghém tất cả… mùi vị ấy. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc tại Hội An (cha là thầy dạy nhạc, các anh trai là nhạc công), tài năng của Ánh Tuyết được phát tiết rất sớm. 8 tuổi, chị đã đoạt quán quân các cuộc thi hát ở thị xã quê nhà. 12 tuổi chị giành giải nhất cuộc thi hát toàn quốc. 17 tuổi, chị được tuyển chọn vào Đoàn ca múa Quảng Nam - Đà Nẵng. Hòa trong niềm vui ngắn ngủi ấy là sự tủi thân của cô bé nhà nghèo, đen đúa, quê mùa khi thường xuyên bị phân biệt đối xử.
2. Vào Sài Gòn năm 1984, Ánh Tuyết buộc bắt kịp và hòa hợp với một thành phố xa lạ, một nhịp sống mới là điều không dễ dàng. Đó cũng là quãng thời gian dài chị nếm trải khó khăn, cô độc. Chị nhớ: “Lúc mới vào, tôi chẳng khác nào con ma đói, phải bán 2 xấp vải định may áo dài biểu diễn để lấy tiền ăn qua ngày. Năm 1990 vẫn còn rất khổ. Lâu lâu mới mua được một dĩa cơm để ăn, còn lại là nhịn hoặc ăn mì tôm”. Mang ý chí lớn cùng niềm đam mê âm nhạc, chị quyết không bỏ cuộc; dù có lúc chị thấy mình cũng chông chênh, chán nản.
Ca sĩ Ánh Tuyết biểu diễn trong chương trình “ Triệu vòng tay”. |
Ngồi ngẫm lại, Ánh Tuyết bảo mình vốn không phải là đứa trẻ được nuông chiều để mang tính ngông nghênh, bất cần. Trái lại chị đã quen chịu đựng nhọc nhằn, vất vả từ bé. Người miền Trung vốn chịu đựng nhưng khi quá mức sẽ “tức nước vỡ bờ”. Tính bộc trực, có sao nói vậy “thẳng như ruột ngựa” được nhiều người quý nhưng không ít người chẳng ưa. Dưa ngọt thì cuống đắng, để có được như ngày hôm nay, Ánh Tuyết không cân, đo, đong, đếm được những mất mát của mình. Chị bảo mình trải nghiệm hạnh phúc bằng khổ đau.
Gần 30 năm với những thăng trầm của nghiệp hát, Ánh Tuyết giờ được xem là giọng ca hiếm. Riêng với nhạc Văn Cao, dường như chưa ai làm được kỳ tích như chị. Đó là chạm tới đỉnh, xác lập vị trí nhất định trong lòng công chúng yêu nhạc. Chị nhớ rõ: “Tháng 7.1993, vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao vào Sài Gòn tổ chức một đêm nhạc của ông ở quán Nhạc sĩ. Đúng lúc đó tôi cũng trở lại Sài Gòn. Đêm đó, tôi đã hát Buồn tàn thu và Thiên thai. Khán giả vỗ tay rần rần và sáng hôm sau, tên tuổi tôi được ca ngợi trên các mặt báo”. Năm đó, chị 32 tuổi. Từ đó tên Ánh Tuyết gắn liền với nhạc Văn Cao. Hỏi chị tìm thấy gì khi hát nhạc của ông, chị bảo đó là một nỗi buồn da diết nhưng không có sự oán trách, thở than, không não ruột, bi lụy. Nó đã dạy cho chị một cách sống không than thân trách phận, sống mở lòng với mọi người.
Nói về Buồn tàn thu, “Ai lướt... đi ngoài sương gió”, gần 20 năm, dường như không có cách nào Ánh Tuyết thoát khỏi được sự quyến rũ, liêu trai ấy. Chị cứ đắm chìm, tư lự vào đó. Với cả Thiên thai hay Trương Chi, chị luôn khoe giọng hát trong trẻo, véo von, bay bổng. Nó tự nhiên nhưng không thiếu kỹ thuật. Có điều, chị không chọn cho mình lối hát phô trương. Chị hát bằng cả những thao thức của người nghệ sĩ đời lắm gian truân. Ánh Tuyết tự nhận: “Những đau khổ dồn nén trong cuộc sống tôi không nói được với ai, tôi chọn cách trải lòng vào âm nhạc. Chỉ có thể hát bằng trái tim, bằng nỗi lòng, trút cả tâm tư vào đó tôi mới nhẹ lòng”. Tiếng hát chị tự nhiên như tiếng thở, lắm khi nức nở, rưng rưng cũng vì thế. Khi hát chị cũng quên hẳn những cơn đau. Mặc dù căn bệnh đau cột sống vẫn hành hạ hàng ngày nhưng hễ lên sân khấu, chị lại say sưa.
3.Ánh Tuyết yêu thương ai cũng hết lòng mà ghét cũng dữ dội theo kiểu yêu ghét rõ ràng, không lập lờ thỏa hiệp. Khi buông công việc, Ánh Tuyết hồn nhiên như một đứa trẻ. Vẫn thấy được nét trong trẻo, mộc mạc của người con gái miền Trung lẩn khuất đâu đó khi chị nói, chị cười. Có lúc Ánh Tuyết ví mình là “con ngựa chứng”, thích thì làm, không thích thì thôi. Đã thích thì làm ngay, làm luôn, không nói trước, trời cản cũng không được. Như cái lần chị ra album “Đi tìm” bằng một sự phá cách, nổi loạn trong giọng hát; ra album bolero bằng tiếng Quảng hay đợt mang chương trình Hội Trùng Dương đi khắp 3 miền.
Như điều thường thấy ở người xứ Quảng, Ánh Tuyết dễ trắc ẩn với người có hoàn cảnh khó khăn. Có lần ngồi ăn cơm với tôi, chị thở dài: “Mình ăn một bữa thế này bằng người ta làm cả tháng”. Thành ra, có thời gian là chị đi tới vùng sâu vùng xa làm từ thiện, nghệ sĩ nào khó khăn, già yếu, ốm đau bệnh tật là chị viết bài, tổ chức đêm nhạc giúp đỡ. “Tiền có nhiều thì cũng ăn 1 ngày 3 bữa cơm, cùng lắm thêm vài chầu cà phê với bạn bè. Khi chết cũng không mang theo được. Nên có cơ hội san sẻ là mình làm ngay”- chị quan niệm.
Ánh Tuyết hay nhắc về chốn “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đà say” với sự say mê. Chị tự hào rằng mình cũng có nơi để về, nơi chôn nhau cắt rốn mà mỗi lần về lại thấy bình yên. Chị cũng như tôi, sinh ra ở quê, lớn lên học hành ở quê rồi ra thành phố lập nghiệp, mưu sinh. Có lúc tưởng chừng như lạc mất “dấu quê” trong lòng thành phố này. Nhưng không, “Dẫu có mang tôi đi bất cứ nơi nào đi chăng nữa trên thế giới này, cũng không thể dứt mình ra được khỏi gốc tích nhà quê” như tác giả Đại Ngô từng viết. Ánh Tuyết nói tiếng Quảng, hát tiếng Quảng, ăn thức ăn Quảng hàng ngày, nâng niu như sợ mất.
PHƯƠNG NGUYÊN