Anh yêu em, anh tới đây!

NGUYỄN ĐIỆN NAM 11/11/2018 01:43

Một gã nào đó, nghi ở Quảng Nam, đã đến Tượng đài chiến thắng Bồ Bồ (Điện Tiến - Điện Bàn), khắc lên chữ “Tuân” (hay “Tuấn”?) vào di tích.

Một gã nào đó, nghi ở Việt Nam, đã đến tham quan rồi khắc chữ “A.HÀO” cùng hình vẽ ngôi sao và trái tim trên hòn đá thiêng nằm tại tỉnh Tottori, Nhật Bản. Hòn đá thiêng này có hơn 500 năm tuổi, là di sản quốc gia của Nhật Bản, bị xâm phạm như thế khiến cư dân mạng sục sôi và cảnh sát tỉnh Tottori đã vào cuộc điều tra.

Hai chuyện kể trên xảy ra gần đây, còn vô số hình ảnh xấu xí khác đã “bôi bẩn” các di tích, di sản văn hóa suốt nhiều năm qua, trên phạm vi…toàn cầu. Nhưng ở Việt Nam thì đây là vấn nạn tràn lan khắp nơi, lặp đi lặp lại mà chưa được xử lý nghiêm. Này nhé, Hà Nội ngàn năm văn vật mà những di tích như tháp Bút (Hồ Gươm), Hoàng thành Thăng Long, Cột Cờ, tượng Thánh Gióng, tháp Hòa Phong… đã từng bị ghi vẽ chằng chịt những lời nhăng nhít kiểu “anh (gì đó) tới đây”, “anh (gì đó) yêu em!”. Ngay đến chốn tâm linh là chùa chiền cũng không được tha, như chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Cổ Lễ (Nam Định), chùa Thiên Mụ (Huế) từng bị bôi bẩn với những hình vẽ, ký tên, khắc bậy cả lên đại hồng chung. Các tháp Chăm dọc duyên hải miền Trung, các thắng cảnh thiên nhiên, các cây di sản… đều bị xâm phạm như thế suốt nhiều năm tháng. Tội nghiệp như cây đa di sản hơn 800 năm tuổi ở Sơn Trà (Đà Nẵng) cũng từng bị rạch da thịt để lưu tên du khách, các cặp tình nhân.

Có phải riêng người Việt mang thói viết vẽ bậy lên di tích? Số đông là vậy, nhưng cả người nước ngoài cũng vậy thôi. Các dấu vết trên tường vàng Hội An gần đây, hay ở lòng hang động Ngũ Hành Sơn xưa cũ cũng cho thấy người nước ngoài muốn khắc tên mình lên đó. Cho nên, đặc tính chung của loại du khách thiếu ý thức văn hóa là thường viết vẽ bậy ở nơi đến tham quan.

Nạn viết vẽ bậy lên di sản, di tích đã được pháp luật chế định. Nhiều nước trên thế giới phạt rất nặng loại hành vi này. Như ở Thái Lan, xâm hại di tích có thể bị phạt tới 10 triệu baht (tương đương 7 tỷ đồng); ở Singapore, hành động phá hoại công trình văn hóa và công cộng bị phạt từ 3 đến 8 roi và nộp phạt tới 2000 đô la Singapore (hơn 3 triệu đồng Việt), thậm chí còn phải ngồi tù đến 3 năm. Xứ Việt ta có Nghị định 158/2013/NĐ-CP (hiệu lực từ đầu năm 2014), trong đó quy định phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, thiên hạ làm rất nghiêm còn ở ta vẫn tràn lan vi phạm như thế mà chưa thấy xử lý triệt để.

Người ta thường có tham vọng vĩnh cửu hóa, muốn nhân sinh nhớ tên mình mãi mãi. Có điều, lẽ ra cần “lưu lại lòng son với sử xanh” (Văn Thiên Tường), thì lại chỉ lưu cái danh ô trọc khi viết vẽ tên mình và ghi chú mình đã tới di tích, danh thắng. Tưởng cũng cần nhắc lại một câu chuyện điển hình của thế nhân ô trọc là Từ Đạm, làm tuần phủ Ninh Bình, đã cho đục vào đá núi Non Nước (Dục Thúy Sơn) một bài thơ vớ vẩn, một bàn cờ và cả lốt bàn chân của ông ta. Thấy trò lố lăng đó, nhà thơ Tản Đà tức khí chửi: “Năm ngoái năm xưa đục mấy vần/Năm nay quan lại đục hai chân/Khen cho đá cũng bền gan thật/Đứng mãi cho quan đục mấy lần”. Nay đến thời văn minh rồi mà vẫn có người học thói Từ Đạm, lại “trọn đời yêu em”, “yêu nhau mãi mãi”, khắc trái tim lồng tên mình và tình nhân lên di tích, danh thắng.

“Anh yêu em, anh tới đây!”, khắc lên di tích như thế chỉ lưu lại mãi tiếng xấu với người đời.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Anh yêu em, anh tới đây!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO