(VHQN) - Năm ấy, cơn bão vừa quét qua, tiếp sau là một cơn lụt lớn. Nhà cửa chưa kịp tu sửa, mọi thứ còn ngổn ngang thì cuối mùa lụt ông bà ngoại gả dì Út cho một chàng trai ở tận làng trong.
Nước còn xăm xắp quanh mép vườn thì đoàn ghe nhà trai đã cập ngõ, có đến mười mấy chiếc, đậu san sát nhau. Họ nhà trai phần lớn khăn đóng áo dài đen xếp thành hàng dài trước đường vô nhà ngoại.
Rồi ông mai, một ông cụ khăn đóng áo dài the, quần lãnh, chân đi guốc mộc mang lễ vào trình để kịp giờ rước dâu. Lễ là một mâm trầu cau rượu. Mấy cậu thanh niên khệ nệ bưng các mâm quả.
Đại nạp là lễ lớn nhất trong lễ cưới gồm mâm trầu cau rượu, sính lễ cho lễ rước dâu gồm đôi bông tai, chiếc kiềng, chiếc nhẫn bằng vàng y, tiền cheo cưới cho cô dâu, tiền “heo dẻ” (lễ đại nạp)... Tất cả để trong các mâm lễ phủ vải điều. Chú rể cũng khăn đóng áo dài, dận đôi giày da kiểu giày “Gia Định” sang trọng, nét mặt trông rất căng thẳng và hơi ngượng nghịu.
Tiếng pháo vang đì đùng, khói un lên cả sân nhà ngoại. Bọn con nít cả xóm ùa vào nhặt pháo lép. Mọi người được dẫn vào nhà. Hai họ đủ mặt. Cô dâu được mời ra trình diện hai họ. Lễ gia tiên kéo dài khá lâu. Rồi lễ cũng xong, sau phần tiệc người ta bắt đầu rước dâu.
Cô dâu - dì Út ngượng nghịu trong chiếc áo dài đỏ rực rỡ, quần lãnh trắng và đôi guốc gỗ cao nghệu đi như đang làm xiếc từ nhà ra ngõ một cách khổ sở, vừa đi vừa nép bên chú rể sắc mặt nghiêm trang. Cô dâu búi tóc cao, đầu đội khăn niềng màu đỏ rực rỡ, mặt đẹp như cô tiên e lệ nhẹ bước bên cạnh chú rể, lúc ấy đang cầm chiếc dù đen che cho cả hai.
Tôi ngẩn ngơ không thể tin cô dâu xinh đẹp kia lại là dì của mình! Thằng H. con bà Năm hét muốn vỡ giọng: “Ê ê! Cô dâu chú rể làm bể bình bông”, con bé K. cháu ông Cửu cũng ráng gân cổ hùa theo “cô dâu chú rể đội rế trên đầu, lêu lêu!”.
Con B. vạch đám đông, chạy ù tới chạm tay vào vạt áo dài cô dâu rồi cười toe toét trông thiệt đáng yêu! Mẹ con bé B. bất ngờ xuất hiện trợn mắt miệng suỵt suỵt bảo im đi im đi rồi cũng vội vã chen theo nhóm người đi họ cho kịp giờ đưa dâu. Cả bọn con nít đang hò hét bỗng im bặt bởi ai đó bỗng bật lên tiếng khóc.
Hình như là tiếng dì Út. Rồi tiếng mẹ tôi và các dì. Tôi nghe tiếng sụt sịt khó lẫn vào đâu của ngoại. Mấy đứa cháu nội ngoại ngơ ngác đưa mắt nhìn nhau không kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Đang vui thế mà bỗng dưng lại khóc, người lớn thật kỳ lạ!
Ông ngoại tôi xuất hiện uy nghi trong chiếc áo dài đen, đầu đội khăn đóng, chân đi guốc gỗ, trên tay cầm chiếc dù khẽ bảo mọi người im đi im đi khóc cái chi rứa hè rồi chen vào đám đông những người đón dâu đưa dâu đứng lộn xộn ở con đường nhỏ dẫn ra ngõ, sát phía mép nước.
Tiếng pháo bỗng vang lên đùng đoàng khiến bọn trẻ đứa nào đứa nấy giật mình đánh thót, sựng người một thoáng rồi cùng nhau ào tới phía tiếng pháo. Khói pháo mù mịt. Xác pháo tung tóe rồi lả tả rơi xuống mép nước, nửa trên cạn, nửa dưới nước trông thật đẹp. Bọn con nít trong xóm mải tranh nhau nhặt pháo lép, lúc ngẩng lên đã thấy ghe rước dâu chèo ra đến khoảnh ruộng ba sào nhà ông Cửu gần giữa đồng.
Những tà áo dài đủ màu phất phơ trông thật lạ mắt. Nón lá mới trắng lấp lóa chao nghiêng giữa màn nước lấp lánh. Những chiếc dù giương lên ngang tầm người ngồi trên ghe. Bỗng dưng, mưa đâu phía núi ùa về như chiếc màn lớn màu đùng đục đan chéo qua mấy chiếc ghe rước dâu.
Chúng tôi thấy mọi người trên ghe nhốn nháo một lúc, mấy chiếc ghe cũng dừng lại một chặp rồi mới tiếp tục trôi về phía “nổng”. Mưa tạnh. Nắng hửng lên và trời bỗng rực rỡ bảy sắc cầu vồng. Những tiếng cười nói lao xao bắt đầu không còn nghe rõ nữa. Và lạ, tôi vẫn cứ nghe như đang có tiếng khóc của bà ngoại vẳng lên đâu đó!
Vừa dứt mùa lũ, súng bắt đầu nổ ran xóm trên lẫn xóm dưới. Cho đến hết chiến tranh… Không khí một đám cưới kiểu vậy ở làng cũ cũng đi vào quá vãng.
Sau này, dù đã dự bao nhiêu đám cưới nhưng tôi thấy không đám cưới nào “độc đáo” và ấn tượng như đám cưới dì Út tôi ngày nào.