Mô hình trình diễn các hoạt động thực hành nông nghiệp thông minh & thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) trong canh tác lúa vụ hè thu năm 2019 tại xã Tam Hòa (Núi Thành) đem lại hiệu quả. Địa phương đang vận động nông dân ứng dụng mô hình này cho những vụ tiếp theo...
Tam Hòa là xã vùng cát nằm phía đông huyện Núi Thành có diện tích đất sản xuất lúa 173ha. Đa số người dân sinh sống bằng nghề nông, tuy nhiên trong sản xuất lúa, nông dân vẫn còn tập quán sạ dày với lượng giống từ 5 - 6kg/sào, cách bón phân thường không cân đối, việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh còn tùy tiện, tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng... Xuất phát từ thực tế đó, vụ hè thu năm 2019, được sự hỗ trợ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành phối hợp với xã Tam Hòa triển khai mô hình trình diễn CSA trong canh tác lúa.
Mô hình được thực hiện trên diện tích 50ha (tại thôn Đông Thạnh 25ha, thôn Xuân Tân 25ha) với 291 hộ nông dân tham gia, sử dụng giống lúa nguyên chủng HT1 (16ha), Thiên ưu 8 (31,7ha), KD 18 (2,3ha), gieo sạ từ ngày 30.5 đến 5.6.2019. Kỹ sư Hà Văn Tâm – cán bộ phụ trách trồng trọt Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Núi Thành cho biết, dự án hỗ trợ kỹ thuật sản xuất lúa và 100% lượng giống cùng công cụ sạ hàng với lượng giống sạ 3,5kg/sào, đồng thời hướng dẫn nông dân bón phân hợp lý dựa trên việc điều tiết lượng phân đạm theo bảng so màu lá lúa, áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, phòng trừ sâu, bệnh hại theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tưới nước tiết kiệm theo kỹ thuật “ướt khô xen kẽ”, cách làm đất, ngâm ủ giống, gieo sạ, thu hoạch; tận dụng rơm rạ cho chăn nuôi, hạn chế đốt rơm rạ, xử lý rơm và gốc rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học để nhằm tăng hữu cơ trong đất và giảm ngộ độc hữu cơ cho cây trồng vụ sau.
Qua kết quả hướng dẫn nông dân áp dụng bón phân dựa theo bảng so màu lá lúa, lượng phân đạm ure đã giảm được 2kg/sào (tương đương 40kg/ha) so với ruộng ngoài mô hình; trong vụ đã cắt giảm được 3 lần tưới nước; số lần phun thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng CSA ít hơn ruộng làm theo tập quán 2 lần/vụ... Về hiệu quả kinh tế, năng suất cây lúa trong mô hình đạt 54 tạ/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình 2,5 tạ/ha. Theo tính toán, sản xuất lúa theo mô hình trình diễn các hoạt động thực hành CSA trong canh tác lúa vụ hè thu 2019 tại xã Tam Hòa có lãi tăng hơn lúa sản xuất ngoài đại trà 216 nghìn đồng/sào, tương ứng lãi hơn 4,3 triệu đồng/ha.
Kỹ sư Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết, để chương trình CSA tiếp tục đem lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành đề nghị các địa phương và nông dân mạnh dạn ứng dụng mô hình này vào thực tế sản xuất cho những vụ tiếp theo. UBND các địa phương cần có chính sách hỗ trợ nông dân tiếp tục thực hiện mô hình CSA trong thời gian đến, đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con phương pháp ủ phân vi sinh bằng nguyên liệu hữu cơ, vận động nông dân sử dụng phân hữu cơ nhằm cải tạo độ màu mỡ của đất. Huyện Núi Thành cũng đề nghị Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh tiếp tục hỗ trợ để địa phương mở rộng mô hình CSA đại trà…